Chia tay có văn hóa không khó
Khi chia tay, để đôi bên trân quý thì cần cố gắng duy trì và giữ lại những hình ảnh đẹp
"Với nhiều người, chia tay là khoảnh khắc buồn nhưng tôi đã thay đổi suy nghĩ ấy bằng cách tặng một món quà nhỏ cho đồng nghiệp ở lại để giữ mãi tình cảm sau nhiều năm làm việc với nhau". Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Nguyên Xuân Thanh - nhân viên một công ty 100% vốn nước ngoài tại quận 1, TP HCM.
Trân quý lẫn nhau
Chuẩn bị cho ngày chia tay, trước đó 2 tuần, chị Thanh đi chọn quà cho các đồng nghiệp nơi mình gắn bó gần 3 năm. Với chị, đó là sự trân quý khi được làm việc cùng nhau và đóng góp cho công ty. Đáp lại tình cảm chị Thanh, nhiều đồng nghiệp cũng gửi tặng chị những món quà cùng lời chúc thành công ở chỗ làm mới.
Để phát triển nghề nghiệp, chị Lê Minh Nguyệt, nhân viên truyền thông tại bệnh viện F. (quận 7, TP HCM), đã quyết định thay đổi môi trường làm việc. Ngày làm việc cuối cùng, chị Nguyệt nhận được món quà cùng bức thư cảm ơn rất tình cảm của ban giám đốc cho khoảng thời gian chị đã cống hiến cho bệnh viện. "Từng làm việc vài nơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận được thư cảm ơn của ban giám đốc. Cách hành xử của lãnh đạo bệnh viện khiến tôi rất ấm áp" - chị Nguyệt bày tỏ.
Hằng năm, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi, TP HCM) cũng đều tổ chức "Ngày tri ân nhân viên" có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp (DN). Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho biết việc tổ chức "Ngày tri ân nhân viên" nhằm giúp người lao động (NLĐ) hiểu rằng dù có đi đâu, làm gì vẫn nhớ về công ty như một điểm son trong sự nghiệp. Unilever xây dựng để đào tạo người tài và mọi điều kiện cho NLĐ phát triển khi có môi trường tốt hơn.
Nhiều năm làm công việc đón người mới và tiễn người cũ, bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết chia tay không có nghĩa là chấm hết, mà còn sẽ là đối tác của nhau. Bà Linh cho hay khi NLĐ xin nghỉ việc, bộ phận nhân sự luôn tìm hiểu lý do để biết tâm tư, nguyện vọng và đồng cảm với họ. "Có người đã sang các DN khác làm việc nhưng không phù hợp, xin quay lại, công ty vẫn chấp nhận. Chúng tôi đã đón nhận rất nhiều trường hợp như thế" - bà Linh cho hay.
Ra đi trong vui vẻ
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam (quận 1, TP HCM), cho rằng NLĐ ra đi với rất nhiều lý do, như để học tập nâng cao trình độ, lập gia đình, xuất cảnh…, thậm chí nhiều người có việc làm mới ở vị trí và mức lương cao hơn. Khi đó, công ty luôn tạo điều kiện cho NLĐ ra đi trong không khí vui vẻ.
Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc phát triển DN Tập đoàn Tiki (quận 10, TP HCM), cách ứng xử của DN với NLĐ rất quan trọng. Để NLĐ có ấn tượng tốt với DN, hãy hỗ trợ họ một cách trọn vẹn nhất. Đối với những trường hợp không may bị mất việc trong giai đoạn này, các DN có thể giúp bằng cách kết nối việc làm cho họ.
"Đã làm DN, chúng ta biết điểm mạnh, yếu của NLĐ là gì. Qua đó, cần tạo điều kiện, hỗ trợ họ bằng cách viết thư giới thiệu trong mạng lưới của mình để điều hòa nhu cầu lao động không chỉ ở nội bộ, mà còn là các nhóm DN với nhau" - ông Khánh bày tỏ.
Theo TS Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường ĐH Mở TP HCM, quan hệ công sở là đôi bên cùng có lợi. Nhưng khi chia tay, để đôi bên trân quý thì cần cố gắng duy trì và giữ lại những hình ảnh đẹp nhất có thể. Về phía DN, nhìn nhận việc nghỉ làm của NLĐ là vấn đề bình thường, phải tôn trọng sự lựa chọn của họ và tạo điều kiện thuận lợi về giải quyết các thủ tục hồ sơ, chốt sổ BHXH... Mặt khác, DN cũng nên có những ứng xử hợp lý, hợp tình với người đã có thời gian cống hiến cho DN.
"Về phía NLĐ cũng luôn nhớ rằng chia tay nơi từng làm việc, tạo điều kiện để mình có cuộc sống tốt thì hãy thận trọng trước khi quyết định. Văn hóa chia tay sẽ được hình thành từ những điều đơn giản, như những gì DN và NLĐ làm được, gắn bó qua thời gian" - TS Long nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/chia-tay-co-van-hoa-khong-kho-20230913212141877.htm