Chia tay Hà Lan, Văn Hậu nên bước tiếp tới Thái Lan?

Thành công bị trì hoãn ở Hà Lan không thay đổi thực tế rằng Văn Hậu vẫn là cầu thủ Việt Nam có tiềm năng xuất ngoại lớn nhất trong tương lai gần.

Văn Hậu đã trở về Việt Nam, khép lại hành trình xuất ngoại lần đầu ở tuổi 21. Sau một mùa bóng ở Heerenveen, hậu vệ tuyển Việt Nam có 4 phút ra sân tại Cúp Quốc gia, dành phần lớn thời gian ở đội dự bị.

Nếu bóng đá chỉ là những con số, chuyến đi tới trời Âu của Hậu là một thất bại. Nhưng ở nhiều khía cạnh khác, những tín hiệu tươi sáng vẫn xuất hiện.

Khi thống kê không phải là tất cả

Heerenveen ở Giải vô địch Quốc gia Hà Lan là CLB có đẳng cấp cao nhất mà một cầu thủ Việt Nam từng khoác áo. Văn Hậu xuất ngoại năm 20 tuổi, trẻ nhất trong số những cầu thủ Việt Nam từng ra nước ngoài, nhưng khoác áo CLB mạnh ở một giải vô địch quốc gia có trình độ rất gần tốp đầu châu Âu. Anh cũng là người đầu tiên của CLB Hà Nội xuất ngoại trong 10 năm qua, lên đường khi cả cá nhân lẫn đội bóng chủ quản đều chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Sự nghiêm túc của Hậu và CLB Hà Nội là rất rõ ràng. Hậu vệ tuyển Việt Nam chấp nhận mâu thuẫn với HLV Park Hang-seo, từ bỏ cơ hội ra sân ở U23 châu Á để tập trung chinh phục Heerenveen. Đội Hà Nội của Hậu 5 lần, 7 lượt xuống nước, chấp nhận trả thêm tiền để Heerenveen trao thêm cơ hội cho Văn Hậu.

Điều đó giúp Văn Hậu và CLB Hà Nội nhận được không ít bài học giá trị từ chuyến đi này.

Đó là một cuộc phiêu lưu thất bại nếu chỉ nhìn vào số phút thi đấu của Văn Hậu ở đội một SC Heerenveen. Nhưng khi bạn nhìn vào kinh nghiệm mà Văn Hậu tích lũy nhờ tập luyện ở đẳng cấp cao hơn, cùng những cầu thủ giỏi hơn, bạn sẽ thấy anh ta đang trở nên "giàu có".

Adwaidh Rajan, người phụ trách mảng bóng đá Đông Nam Á của ESPN

Thứ nhất, trải nghiệm của Văn Hậu ở Heerenveen là điều chưa một cầu thủ Việt Nam nào từng có. Anh được chơi bóng cho một CLB luôn nằm trong nhóm cạnh tranh suất dự Europa League, đá cạnh những cầu thủ như Alen Halilovic hay Sven Botman. Được tập luyện cùng họ đã là điều may mắn lớn trong sự nghiệp.

Thứ hai, môi trường chuyên nghiệp, sự chăm sóc hoàn hảo về dinh dưỡng tại Heerenveen giúp Hậu cải thiện đáng kể về hình thể. Ở thời điểm dự SEA Games hồi tháng 11 năm ngoái, Hậu đã nặng 80,5 kg, cao 1,85 m, tăng 6 kg sau vài tháng gia nhập đội bóng. Nhận thức của anh về dinh dưỡng, ngôn ngữ, phương pháp tập luyện cũng cải thiện dần theo chiều hướng chuyên nghiệp hóa. Những mẩu chuyện về Văn Hậu ngán nhưng vẫn phải cố ăn khoai tây, chuyện anh tự nấu ăn với cá hồi và bít tết, tự tập luyện duy trì trong mùa dịch đều mang thông điệp tích cực.

Với CLB Hà Nội, thương vụ Văn Hậu cho thấy trung tâm xuất khẩu cầu thủ thứ hai của bóng đá Việt Nam đã xuất hiện. Trước đó, trong một thời kỳ dài, HAGL là đội “độc quyền” trong hoạt động xuất ngoại với những cái tên như Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh...

Đội Hà Nội mới gia nhập cuộc đua này từ cuối năm ngoái. Đã có một Văn Hậu thì sẽ có tiếp những Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Trần Đình Trọng... So với HAGL, CLB Hà Nội có thực lực tốt hơn, đội ngũ hứa hẹn hơn. Lịch sử chứng minh chỉ những cầu thủ tốt nhất, tới từ đội bóng mạnh nhất mới có khả năng thành công cao nhất khi ra nước ngoài.

 Sau Văn Hậu, CLB Hà Nội có thể tiếp tục xuất ngoại những sản phẩm chất lượng khác. Ảnh: Minh Chiến.

Sau Văn Hậu, CLB Hà Nội có thể tiếp tục xuất ngoại những sản phẩm chất lượng khác. Ảnh: Minh Chiến.

Văn Hậu trở về để lại ra đi?

Trong thời gian khoác áo Heerenveen, Hậu vẫn chơi được 5 trận cho tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup và U22 ở SEA Games. Bất chấp việc phải di chuyển đường dài, bất chấp việc có rất ít thời gian chuẩn bị, Hậu vẫn chơi tốt, thậm chí tỏa sáng rực rỡ ở SEA Games. Phong độ đỉnh cao của hậu vệ này là bằng chứng cho thấy Hậu đã vượt khỏi trình độ V.League đúng như nhận định từ giới chuyên môn.

Vấn đề với Hậu khi trở lại Việt Nam là duy trì phong độ ấy, bảo lưu những thói quen tốt, những phương pháp tập luyện khoa học đã có được từ Heerenveen. Đội Hà Nội thậm chí phải nghĩ cách lan tỏa những điều tích cực, chia sẻ những kinh nghiệm mà Hậu đã có ở trời Âu tới phần còn lại của đội bóng.

Để làm được điều đó, CLB Hà Nội và Văn Hậu phải cùng chung tay. Bởi những cải thiện về dinh dưỡng, chế độ tập luyện hay cách sinh hoạt không thể đến từ một mình cá nhân Hậu. Nó phải là câu chuyện của cả tập thể.

Văn Hậu phải làm cho được những điều đó, duy trì những thói quen mà anh đã có thông qua sự đánh đổi một năm ở Heenrenveen. Có như thế, Hậu mới sẵn sàng khi cơ hội lên đường lần thứ hai xuất hiện.

Thành công bị trì hoãn ở Hà Lan không thay đổi thực tế rằng Hậu vẫn là cầu thủ Việt Nam có tiềm năng xuất ngoại lớn nhất, từ tuổi tác, hình thể tới trình độ và đẳng cấp. 21 tuổi, khi nhiều cầu thủ mới chập chững lên từ đội trẻ, Văn Hậu đã tích lũy bề dày kinh nghiệm đáng nể ở các đội tuyển, CLB trong và ngoài nước. Vấn đề với Hậu và đội ngũ của anh là nhìn nhận ra sao, đánh giá lại thế nào về chuyến đi đã qua.

 Thất bại của Hậu và Phượng cho thấy còn khoảng cách lớn giữa bóng đá Việt Nam và châu Âu.

Thất bại của Hậu và Phượng cho thấy còn khoảng cách lớn giữa bóng đá Việt Nam và châu Âu.

Đội ngũ của Văn Hậu từng hơn một lần bày tỏ quan điểm rằng trở về V.League hay Đông Nam Á là một thất bại. Suy nghĩ ấy cần phải xem lại. Một năm ở Heerenveen đủ cho thấy Văn Hậu có sẵn sàng cho châu Âu? Khi chưa thể vươn tới cựu lục địa, Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan đều là những lựa chọn tốt. Lần xuất ngoại tiếp theo của Văn Hậu cần có góp ý, tư vấn chuyên môn từ các HLV, chuyên gia của CLB Hà Nội. Họ phải nhìn nhận, đánh giá được cơ hội của Văn Hậu ở điểm đến kế tiếp. Bởi với Hậu, chuyến đi thứ hai không thể tiếp tục trên băng ghế dự bị.

Chia sẻ của Heerenveen khi hợp đồng khép lại cho thấy không phải đội bóng Hà Lan không mở lòng, mà là Văn Hậu chưa đủ sức. Đội Hà Nội hay các CLB Việt Nam có lẽ chưa đặt mình vào vị trí của đối tác, chưa xem xét họ thực sự cần gì, họ muốn một hợp đồng chất lượng như thế nào.

Văn Hậu là cầu thủ châu Á, nghĩa là phải gia nhập Heerenveen theo suất ngoại binh ngoài châu Âu. Anh thuộc nhóm thiểu số ở CLB, hưởng lương cao hơn và lẽ ra phải đóng góp nhiều hơn. Ở Heerenveen mùa vừa qua, Văn Hậu và ngoại binh người Nigeria Chidera Ejuke là hai cầu thủ ngoài EU. Ejuke ghi 9 bàn sau 25 trận. Nhìn anh chàng châu Phi này, ta hiểu ngay vì sao Văn Hậu không thể trụ lại ở Hà Lan.

Thất bại của Hậu và trước đó là Công Phượng tại Sint-Truidense cho thấy vẫn còn một khoảng cách không hề nhỏ giữa bóng đá Việt Nam và châu Âu. Cách biệt ấy không thể san lấp trong ngày một, ngày hai chỉ bằng sự nỗ lực. Nếu không thể tới trời Âu, Văn Hậu vẫn còn nhiều lựa chọn hợp lý hơn.

Bởi xét cho cùng, điều Văn Hậu hay bất kỳ cầu thủ nào cần nhất đều là được thi đấu.

Văn Hậu thân thiện chụp ảnh cùng người hâm mộ khi về nước Sáng 2/8, Đoàn Văn Hậu về tới sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) sau gần một năm thi đấu ở châu Âu. Hậu vệ của CLB Hà Nội sẽ cách ly tập trung 14 ngày theo quy định phòng chống dịch.

Thanh Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chia-tay-ha-lan-van-hau-nen-buoc-tiep-toi-thai-lan-post1114752.html