Chia tay người yêu, cô gái chọn viện dưỡng lão làm chốn bình yên: 'Đây là quyết định sáng suốt nhất đời tôi'
Sống chung với người già, không tiệc tùng, không mạng xã hội, không vội vã... nghe có vẻ nhàm chán, nhưng đối với người phụ nữ 38 tuổi này, đó lại là liều thuốc chữa lành sau đổ vỡ tình cảm. Việc chuyển vào viện dưỡng lão đã giúp cô tìm lại sự bình yên, tái định nghĩa lại tham vọng sống và cả cách nhìn về tuổi già.
Bắt đầu lại cuộc đời... từ một nơi không ngờ tới
Câu chuyện bắt đầu sau khi mối quan hệ tình cảm lâu năm của cô tan vỡ. Không tiết lộ danh tính, người phụ nữ này rời khỏi căn hộ chung ở Melbourne, sống tạm trong một căn Airbnb đắt đỏ suốt 2 tháng và bắt đầu tìm kiếm chỗ ở mới. Tuy nhiên, các căn hộ trong khả năng tài chính đều “kém hấp dẫn”.
Trong một lần đến thăm dì ở viện dưỡng lão, cô buột miệng kể đang cần nhà thuê. Người dì liền gợi ý thử chuyển vào căn hộ 2 phòng mới trống trong khu dành cho người cao tuổi. “Không sao đâu, cháu ở được mà”, dì cô nói. Không ngờ, quyết định nộp hồ sơ vào viện dưỡng lão lại trở thành bước ngoặt của cuộc đời.
“Ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là nơi tạm trú trong lúc tìm nhà phù hợp hơn. Nhưng đã hơn một năm rồi, và bây giờ tôi xem nơi này là nhà thật sự”, cô chia sẻ với Business Insider.

Ảnh minh họa
Không ồn ào, không cập nhật xu hướng, không mạng xã hội dày đặc... cuộc sống bên những người lớn tuổi lại mang đến cho cô cảm giác an yên hiếm có.
“Tôi không còn cảm thấy lạc lõng. Mọi người ở đây không sống vội, không bận tâm chuyện 'online'. Điều đó thực sự tốt cho sức khỏe tinh thần của tôi. Cảm giác như một nơi trú ẩn”, cô tâm sự.
Không chỉ vậy, chi phí sinh hoạt cũng nhẹ nhàng đến không ngờ. Căn hộ 2 phòng ở viện dưỡng lão chỉ tốn khoảng 500 đô la Úc/tháng (tương đương gần 8 triệu đồng), đã bao gồm cả phí dịch vụ. Trong khi đó, giá thuê trung bình căn hộ tương tự ở Melbourne là khoảng 2.800 - 3.200 đô la Úc (tương đương 44 - 51 triệu đồng).
Sống giữa những hàng xóm thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ, người phụ nữ cảm thấy cuộc đời mình trở nên đơn giản hơn, dễ thở hơn.
Một ngày chậm mà vui
Mỗi sáng, cô thức dậy trong tiếng nhạc xưa nhẹ nhàng từ phòng bên, nhâm nhi ly cà phê, đọc báo, rồi đi bộ ngắn quanh khu nhà. Cô tham gia lớp yoga ghế, đạp xe, chơi bingo vào mỗi thứ Tư và vẫn làm việc tự do trên máy tính. Tối đến, cô đi siêu thị gần nhà, nướng bánh, hoặc ngồi hiên nhà trò chuyện hàng giờ với hàng xóm.
“Cuộc sống ở đây giúp tôi nhìn nhận lại tham vọng sống và cả cách tôi nghĩ về tuổi già”, cô nói. “Tôi thấy nhẹ nhõm khi hiểu rằng 70 hay 80 tuổi không hề tồi tệ. Bạn vẫn có thể làm tình nguyện, kết bạn, học thêm điều mới, dù ở độ tuổi nào”.
Gia đình cô ban đầu không ủng hộ, cho rằng sống trong viện dưỡng lão là điều “quá sớm” với một người mới 38 tuổi. Nhưng bất chấp định kiến, cô kiên quyết ở lại và tận hưởng cuộc sống mới đầy chữa lành của mình.
Điều thú vị là đây không phải trường hợp cá biệt. Năm ngoái, một phụ nữ 38 tuổi ở Trung Quốc cũng bất ngờ chuyển vào viện dưỡng lão vì quá mệt mỏi với cuộc sống thường nhật. Cô cho biết ở đó, cô được chăm sóc chu đáo, ăn ngủ đúng giờ, không bị làm phiền bởi áp lực công việc hay mạng xã hội. Cuối cùng, cô cũng không muốn quay về “đời thường”.
Những câu chuyện như vậy cho thấy một xu hướng lặng lẽ nhưng đang hình thành: ngày càng nhiều người trẻ tìm về những không gian sống chậm, xa rời áp lực hiện đại, để tìm lại sự cân bằng. Và đôi khi, điều họ cần không phải là một căn hộ mới, mà là một nhịp sống mới.