Chiếc áo nào cho đầu tàu kinh tế TP.HCM?

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM đang nhận được nhiều quan tâm cả trong và ngoài nghị trường.

Bản dự thảo Nghị quyết này sẽ được thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 8/6 và xem xét biểu quyết thông qua vào chiều 24/6. Khi được thông qua, Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội khóa XIV và được hy vọng tháo gỡ những nút thắt quá chật không chỉ cho TP.HCM mà còn cho nhiều địa phương khác, cũng như cả nước nói chung.

Những nghịch lý "đặc thù"

Tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 54 trong giai đoạn 2018-2022, lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa được tận dụng. Một trong những nguyên nhân chưa thực hiện cơ chế đặc thù như mong đợi là do nhiều vấn đề Thành phố chưa được tự quyết và vẫn phải hỏi ý kiến các bộ, ngành. Trong khi đó, các bộ, ngành lại yêu cầu Thành phố xem xét theo quy định pháp luật chung mà không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết 54 đã ghi.

Mâu thuẫn này là rất rõ ràng qua câu chuyện TP.HCM đã gửi hàng trăm văn bản để hỏi ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phản ánh gần đây. Chắc chắn, các văn bản xin ý kiến cũng được gửi đến không ít các bộ ngành khác.

Trước thực tế này, những người có trách nhiệm kỳ vọng, nghị quyết mới sẽ vừa giúp tháo gỡ những nút thắt này, vừa làm rõ những khó khăn khác để TP.HCM cất cánh.

Hôm 26/5, Chủ nghiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội ông Lê Quang Mạnh thậm chí đặt ra câu hỏi: phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển của Thành phố hay chưa? Ông nói, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

Trong bản dự thảo nghị quyết, có các chính sách mới lần đầu được quy định với 4 nhóm vấn đề: đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Có nhiều điểm giúp gỡ nút thắt cho Thành phố, nhưng vẫn có không ít những quy định mới giúp cơi nới, tháo gỡ các vướng mắc hiện nay chứ chưa phải tạo ra một hành lang thông thoáng cho phát triển.

Một trong những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện cơ chế đặc thù không như mong đợi là do nhiều vấn đề TP.HCM vẫn phải hỏi ý kiến bộ ngành. Ảnh: Hoàng Hà

Một trong những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện cơ chế đặc thù không như mong đợi là do nhiều vấn đề TP.HCM vẫn phải hỏi ý kiến bộ ngành. Ảnh: Hoàng Hà

Ví dụ ở hạng mục đầu tư, nghị quyết quy định Thành phố được thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố. Trên thực tế, hình thức đầu tư này đã bị bãi bỏ khỏi Luật PPP sau rất nhiều lo ngại về thất thoát tài sản công.

Một ví dụ khác, dự thảo nghị quyết cho phép sử dụng các mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Sự cho phép này không mang tính “đặc thù” nếu căn cứ vào Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, trong đó nhấn mạnh rằng 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sẽ phải làm điện mặt trời áp mái đến 2030.

Và còn nhiều các quy định khác nữa rất khó có thể được cho là đột phá trong thực tiễn.

Tập trung tiền của để phát triển giao thông

Trong khi đó, ở ngoài nghị trường, bản dự thảo cũng nhận được sự quan tâm, góp ý của giới chuyên gia, trí thức.

Nhà nghiên cứu Tô Văn Trường nhận xét, TP.HCM có hàng trăm dự án giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, y tế cần phải được đầu tư với tổng nhu cầu vốn lên tới hơn 320.000 tỷ đồng trong vòng 4 năm nay nhưng nguồn vốn ngân sách của TP.HCM chỉ đáp ứng được gần một nửa.

TP HCM có rất nhiều dự án trọng điểm cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị đã tồn tại nhiều năm, chưa được khởi động hoặc thi công rùa bò vì thiếu vốn: cải tạo rạch Xuyên Tâm, cải tạo kênh Hy Vọng, cao tốc TPHCM - Mộc Bài; cao tốc TPHCM – Chơn Thành, mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành, mở rộng Quốc lộ 13, mở rộng Quốc lộ 50, đường Vành đai 2 (chưa khép kín), đường Vành đai 3 (mới bắt đầu giải phóng mặt bằng), đường Vành đai 3 (còn đang nắn tuyến), đẩy nhanh tiến độ cao tốc TPHCM – Bến Lức – Long Thành (dự kiến thông xe năm 2018!), đầu tư trang thiết bị, xây dựng bệnh viện,...

“Vì sao TP. HCM xin trung ương hơn 6.500 tỉ đồng nhưng chỉ được phân bổ 586 tỉ đồng?”, ông đặt câu hỏi.

Và ông lý giải, một mặt, có tình trạng vốn chờ thủ tục, như nhiều địa phương khác, nhưng mặt khác, trong nhiều trường hợp thủ tục đã xong xuôi và dự án lại chờ vốn. Thử tưởng tượng nếu có đủ vốn để thực hiện chỉ một số những dự án nêu trên, TP HCM sẽ bức tốc tăng trưởng như thế nào chứ không phải tăng trưởng ì ạch như bây giờ. Ông Trường cho rằng, TP HCM “kêu cứu” vì tình trạng thành phố đóng góp vào ngân sách lớn nhất cả nước nhưng chi ngân sách cho thành phố hiện đang thấp nhất cả nước là điều cần suy nghĩ để có giải pháp.

Lâu nay, TP.HCM là một trung tâm kinh tế lớn và luôn là đầu tàu, đóng góp tới 22% trong GDP chung của cả nước. Thành phố này tăng trưởng được thêm 1% là GDP cả nước thêm được 0,2 điểm % và có tác động lan tỏa tới nhiều địa phương khác trong vùng.

Đầu tầu là TP.HCM giảm tốc, khựng lại trong quý I năm nay tạo nên nhiều câu hỏi trong bối cảnh bản dự thảo nghị quyết đặc thù đang được xem xét.

Vấn đề đặt ra, vậy cần cơ chế gì, giải pháp gì để cấp bách vực dậy tăng trưởng của thành phố trong ngắn hạn cũng như duy trì tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn? Và TP.HCM lúc này có cần được cơ chế hỗ trợ khác biệt như thế nào để có thể lấy lại vai trò đầu tàu kinh tế hay không?

Cởi mở tư duy và huy động nguồn lực cho phát triển

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “TP.HCM cần một thể chế mới, là kết quả của làn sóng cải cách lần thứ 2, mà bản chất của nó vẫn là “thị trường, thị trường và thị trường hơn”.

Tức là, ông giải thích, dự thảo cần chú trọng xây dựng thể chế thúc đẩy phát triển các loại thị trường nhân tố sản xuất để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng như yêu cầu của Đại hội XIII của Đảng, thay thế cho cơ chế phân bổ nguồn lực hành chính xin - cho hiện nay.

TP.HCM không nên tiếp tục níu kéo những thứ không còn phù hợp, kém hiệu quả, cản trở xuất hiện các nhân tố mới. Ảnh: Hoàng Hà

TP.HCM không nên tiếp tục níu kéo những thứ không còn phù hợp, kém hiệu quả, cản trở xuất hiện các nhân tố mới. Ảnh: Hoàng Hà

Chỉ khi thị trường có vai trò quyết định hay chủ yếu trong phân bổ nguồn lực, thị trường theo quy luật của nó sẽ đẩy những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động chi phí thấp… đến các địa phương khác phù hợp hơn. Từ đó, nguồn lực sử dụng có hiệu quả hơn.

Một thể chế với “thị trường nhiều hơn, tự do hơn và tinh vi hơn” sẽ tạo cơ hội, động lực và áp lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước đổi mới sáng tạo, dám nghĩ và dám làm. Chỉ trong môi trường như thế, nhân tài mới có “đất dụng võ” và cống hiến cho phát triển đất nước.

“Tôi nhấn mạnh rằng, nghị quyết tới đây cần tạo được thể chế mới vượt trội theo hướng trên đây để tránh tình trạng “cơi nới” trong cơ chế cũ đã quá chật hẹp”, ông nói.

Ông nhận xét, công chức của thành phố rất quá tải. Số hồ sơ công chức các sở ngành của Thành phố phải xử lý trong ngày bằng số hồ sơ mà công chức cùng ngành ở những địa phương khác xử lý trong cả tháng, thậm chí vài tháng. Một biên chế ở thành phố phải phục vụ người dân gấp nhiều lần so với mức chung cả nước nhưng chế độ tiền lương ở thành phố lại không khác biệt.

Bên cạnh đó, TP.HCM đang có những điểm nghẽn về hạ tầng, nghẽn về kết nối, nghẽn về thể chế và nguồn lực và đặc biệt trong tư duy phát triển. Những điểm nghẽn này đã khiến đầu tàu TP.HCM những năm gần đây ỳ ạch chạy và đến giờ đã suy giảm.

Những điểm nghẽn từ xưa nay cộng thêm những khó khăn mới càng làm cho sự phát triển của thành phố giảm sút.

Là đầu tàu kinh tế, là nơi đông dân nhất, tập trung nhiều lao động, là trung tâm kinh tế lớn nhưng đầu tư công của thành phố tính theo bình quân đầu người có xu hướng giảm và thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Trong thành phố đang có những ngành sử dụng nhiều lao động chi phí thấp, tốn nhiều đất, vừa tốn đất vừa tăng áp lực về nguồn lao động và hạ tầng, tăng thêm sự quá tải cho thành phố này… Hay như Cảng Cái Mép – Thị Vải chưa sử dụng hết công suất nhưng trong thành phố còn có những cảng khác mà những cảng này cần di chuyển khỏi thành phố… Chừng nào vẫn còn để những cảng này trong thành phố, chỉ tăng áp lực lên hạ tầng, thêm hỏng đường, thêm ách tắc.

Sự phát triển của TP.HCM không chỉ cho thành phố mà phải nhìn ra cả không gian phát triển của vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long… Cần nhìn không gian phát triển của thành phố này như thế. Theo đó là phải tạo được hệ thống giao thông và sự kết nối với các tỉnh bên ngoài.

Và tư duy, cơ cấu kinh tế cũng cần thay đổi, không nên tiếp tục níu kéo những thứ không còn phù hợp, kém hiệu quả, cản trở xuất hiện các nhân tố mới, ngành nghề mới tương xứng với vai trò và vị thế thành phố.

Lan Anh

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chiec-ao-nao-cho-dau-tau-kinh-te-tp-hcm-2151621.html