Chiếc áo và thầy tu

Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên - Huế triển khai cho toàn thể nam công chức, mặc áo dài ngũ thân trong ngày thứ Hai đầu mỗi tháng.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Sở này giải thích rằng, ngành văn hóa chưa có trang phục truyền thống như ngành quân đội, công an... Do vậy, chọn áo dài truyền thống của cha ông làm trang phục của ngành mặc khi đi làm đầu tuần.

Vào ngày 5/10, tức sáng thứ Hai vừa qua, không ít người chờ đợi xem việc nam công chức có mặc áo dài ngũ thân đến chào cờ, làm việc hay không? Và có, họ đã mặc rất tự tin.

Nam giới mặc áo dài ngũ thân để quáng bá văn hóa truyền thống. Về mong muốn, động cơ không có gì phản cảm, thậm chí rất tốt. Nhưng xét toàn diện thì cách quảng bá ấy có cần thiết và đem lại hiệu quả không? Điều gì cần thiết hơn việc yêu cầu cán bộ văn hóa mặc áo dài?

Trang phục, đồng phục vốn là một câu chuyện cũ. Cũ đến nỗi người trong cuộc không biết nên vui hay buồn? Nên tán thành hay phản đối? Câu tục ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” chẳng xa lạ với chúng ta, nhất là trong thời buổi trọng hình thức.

Người Việt có những câu chuyện cổ tích kể về bà tiên, ông bụt khoác lên người bộ quần áo rách rưới để thử lòng người khác. Và thường, kẻ rách rưới hay bị xua đuổi; người mặc đẹp dễ được trọng vọng. Như Xuân Tóc Đỏ, khi khoác lên người bộ Âu phục đã dễ dàng nhập vào môi trường của những trọc phú ôm mộng Âu hóa.

Câu chuyện cổ tích suy cho cùng luôn ẩn chứa thông điệp dạy đời, răn người. Nhưng thực tế, diễn tiến xã hội phát triển ngược lại cổ tích. Chẳng ai cố mặc áo rách đi ký hợp đồng, cũng không ai mặc áo tơi đến chốn sang trọng. Và cụm từ “thanh niên đa cấp” xuất hiện, ám chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, thường mặc áo vest kể cả khi thời tiết nóng nực để thể hiện sự thành đạt. Mục đích cuối cùng của bộ vest ấy là cho người khác “vào tròng” đa cấp.

Nếu “chiếc áo không làm nên thầy tu” thì cán bộ văn hóa mặc áo dài có quảng bá được văn hóa không?

Người Việt không dễ quên, họ không quên nét văn hóa áo dài. Vấn đề là diện vào thời điểm nào cho hợp lý như các cụ dạy “y phục xứng kỳ đức”. Những lễ hội, trong các nghi lễ cúng tế có bao giờ thiếu hình ảnh áo dài đâu.

Người Việt giản dị và dễ thuyết phục trước cách hành xử có văn hóa. Bởi vậy, cán bộ văn hóa phải là người có văn hóa, hiểu văn hóa để truyền tải văn hóa. Văn hóa trước hết ở cung cách ăn nói, đối xử với nhân dân có tình - có lý.
Thực tế tồn tại với cán bộ văn hóa hiện nay là rất thiếu… văn hóa. Người dân hỏi về phong tục địa phương, cán bộ không biết nhưng cứ ba hoa, không hiểu nên cố ậm ừ thể hiện mình biết. Không biết thì nói là không biết, đó mới là biết, đó mới là văn hóa.

Văn hóa là thứ không thể phô diễn, cũng như không thể tự mình vỗ ngực. Cho nên, trước khi nghĩ phải phô bày chiếc áo dài truyền thống, thì phải nhớ thứ văn hóa truyền thống sâu sắc nhất là văn hóa làm người.

Nếu “chưa có văn hóa làm người” thì dù nói phải, củ cải cũng sẽ bịt tai.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/chiec-ao-va-thay-tu-dyNFen5MR.html