Chiếc bóng quá lớn của cựu thủ tướng Thaksin với chính trường Thái

Mặc dù đã sống lưu vong từ năm 2006, sức ảnh hưởng của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn còn rất rõ trong bức tranh chính trị Thái Lan.

Mặc dù đã sống lưu vong từ 2006, sức ảnh hưởng của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn còn rất rõ trong chính trường Thái Lan.

Những chiếc xe tăng sầm sập kéo vào Bangkok đêm 19/9/2006, chặn các điểm chốt quan trọng và tòa nhà chính phủ.

Không một phát súng nổ, nhưng lực lượng quân đội dưới sự chỉ huy của Tư lệnh lục quân Sonthi Boonyaratglin đã nhanh chóng tiến hành đảo chính, xóa hiến pháp và lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang có mặt ở New York để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

"Chính phủ không còn điều hành đất nước nữa", người phát ngôn của quân đội tuyên bố sau đó. Đó là cuộc đảo chính đầu tiên ở Thái kể từ sau 1991. Quân đội cáo buộc chính phủ của ông Thaksin tham nhũng và gây mất đoàn kết dân tộc.

Tình hình đã bắt đầu tệ đi trước đó, từ hồi tháng 5, ngay trước lễ kỷ niệm 60 năm trị vì của Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Báo Manager Daily xuất bản một loạt bài viết về cái được gọi là "Kế hoạch Phần Lan", trong đó cáo buộc ông Thaksin và các lãnh đạo sinh viên cũ của phong trào dân chủ Thái Lan thập niên 1970 đã gặp gỡ tại Phần Lan vào năm 1999, để phát triển kế hoạch xây dựng một thể chế cộng hòa, hạn chế quyền lực của nhà vua và tổ chức cuộc bầu cử để lập ra các tỉnh trưởng.

Mặc dù không có các bằng chứng rõ rệt nào và phải đến tận năm 2015 thì tòa tối cao Thái Lan mới đưa ra phán quyết buộc tội tác giả loạt bài viết đã vu khống ông Thaksin, nhưng trở lại năm 2006 thì đó là cơn bão chính trị với thủ tướng Thái Lan. Đặc biệt là tại quốc gia có luật khi quân vô cùng nghiêm khắc như Thái Lan thì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm.

Thuyết âm mưu này nhanh chóng lan truyền trong phe áo vàng (ủng hộ hoàng gia), như đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ của họ khi trước đó ông Thaksin đã vướng vào bê bối khi gia đình ông bán toàn bộ cổ phần tập đoàn Shin Corp cho quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore để thu về khoản tiền 1,88 tỷ USD mà không nộp thuế.

Shin Corp chính là tập đoàn do ông Thaksin thành lập, khởi nguồn từ một công ty cho thuê máy tính và trở thành đế chế viễn thông hùng mạnh nhất nhì Thái Lan trong những năm 1990 và đầu 2000.

Sau khi trở thành tỷ phú, ông Thaksin dấn thân vào chính trường năm 1994 và đến năm năm 1998, ông thành lập đảng Thai Rak Thai, hứa hẹn một loạt những cải cách, hỗ trợ người nghèo, thúc đẩy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Kết quả là Thai Rak Thai giành được tới hơn 40% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2001.

Những chính sách cải cách này, sau đó được gọi là Thaksinomics, nhắm đến việc xóa những khoản nợ cho nông dân, và yêu cầu ngân hàng nhà nước cung cấp những khoản vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ. Đây là mơ ước đối với nông dân vì họ không thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Nhưng dấu ấn đậm nét nhất của ông Thaksin là chương trình bảo hiểm y tế toàn dân với giá 30 bath (1 USD), sẽ chi trả viện phí cho toàn bộ người dân Thái Lan nếu họ đến các bệnh viện nhà nước. Chương trình trở nên đặc biệt nổi tiếng với những người dân nghèo ở những khu vực hẻo lánh, vốn từ lâu đã gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế do trở ngại tài chính.

Những chính sách mang màu sắc dân túy đã giúp ông Thaksin có một nhóm cử tri trung thành tuyệt đối đến từ quê nhà Chiang Mai và khu vực đông bắc Thái Lan, nơi mà cuộc sống của người dân, đặc biệt là những nông dân nghèo, đã được cải thiện đáng kể từ khi chính trị gia này lên nắm quyền.

Tuy nhiên, quyền lực của ông Thaksin cũng đi đôi với những lợi ích, tiêu biểu như vụ bán cổ phần tập đoàn Shin Corp. Ngay sau khi ông Thaksin bị lật đổ, chính quyền Thủ tướng Abhisit đã cấm 106 tập đoàn, công ty cá nhân có liên hệ với ông Thaksin thực hiện các hoạt động chuyển khoản, sang nhượng... như một minh chứng cho chủ nghĩa gia quyến và thân hữu dưới thời ông Thaksin.

Trong danh sách này có 13 tập đoàn kinh doanh trong các lĩnh vực dầu khí, địa ốc, tư vấn kinh tế, viễn thông và tiếp thị... của nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á thời điểm đó. Nhiều người giàu lên nhanh chóng từ các mối quan hệ với quan chức cầm quyền, và điều đó được cho là đi ngược lại chủ thuyết "kinh tế vừa đủ dùng" do Quốc vương Bhumibol khởi xướng.

Chủ thuyết này khuyến khích Thái Lan không nên quá chạy theo tăng trưởng hoặc lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài mà chọn một cách tiếp cận ở giữa, giúp xã hội bớt phân hóa giàu nghèo.

Ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Chulalongkorn, nhà bình luận chính trị hàng đầu Thái Lan, đánh giá cuộc đảo chính năm 2006 diễn ra do mâu thuẫn giữa ông Thaksin và Quốc vương Bhumibol.

Sau khi chính phủ của ông Thaksin bị lật đổ, tỷ phú này đến tị nạn ở Anh cùng gia đình. Đảng Thai Rak Thai bị cho giải thể và hơn 100 thành viên của đảng này trong đó có ông Thaksin bị cấm tham gia hoạt động chính trị. Nhưng đó không phải là dấu chấm hết cho sức ảnh hưởng chính trị của cựu thủ tướng Thái Lan.

Nhà báo kỳ cựu Tom Plate, giáo sư đại học UCLA , người từng nhiều năm theo dõi tình hình khu vực, nhận xét: “Đối với dân vùng quê, cựu thủ tướng này vẫn được xem như anh hùng. Ông ta được ưa thích do biết tạo ra cảm giác ông thật sự quan tâm đến cảnh ngộ dân nghèo".

Cuộc khủng hoảng chính trị tiếp diễn khi những người phe “Áo đỏ” thân ông Thaksin tràn về thủ đô Bangkok để phản đối chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjaijiva. Các cựu thành viên đảng Thai Rak Thai chuyển sang đảng PPP (Sức mạnh Nhân dân). Và khi đến lượt PPP bị giải thể, những người ủng hộ ông Thaksin thành lập đảng Pheu Thai.

Sau nhiều tháng phe áo đỏ vừa biểu tình trong bạo loạn vừa tuần hành trong hòa bình khiến kinh tế bị ảnh hưởng, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Thái Lan diễn ra vào ngày 3/7/2011 và một lần nữa, những người thân ông Thaksin lại giành chiến thắng khi đảng Pheu Thai đánh bại đảng Dân chủ.

Lần này, ông Thaksin chọn chính em gái mình, bà Yingluck Shinawatra, để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Bà Yingluck tiếp tục truyền thống chăm sóc nông dân miền bắc với chương trình trợ giá lúa gạo hàng tỷ USD, dù chính chương trình này sau đó khiến bà phải đối mặt với cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

New York Times vào năm 2013 mô tả đời sống lưu vong của ông Thaksin bao gồm việc di chuyển khắp thế giới bằng phi cơ riêng, trò chuyện với các bộ trưởng trong chính phủ của bà Yingluck qua nhiều chiếc điện thoại di động, và đọc email từ các quan chức khác trong chính quyền.

Ông Thaksin cũng tham gia cuộc họp nội các hàng tuần của chính phủ qua Skype. Và đảng Pheu Thai cũng không hề che giấu điều này. Khẩu hiệu tranh cử của họ trong cuộc bầu cử năm 2011 là "Thaksin nghĩ, Pheu Thai làm".

Ông Charupong Ruangsuwan, tổng thư ký đảng Pheu Thai cho biết: "Nếu chúng tôi có vấn đề gì, chúng tôi sẽ gọi điện cho ông ấy (Thaksin)".

Mặc dù phải sống lưu vong nhưng sức ảnh hưởng của ông Thaksin vẫn rất rõ rệt trong khung cảnh chính trị đất nước. Kể từ năm 2001, mỗi khi tổng tuyển cử diễn ra, mọi đảng phái thân ông Thaksin đều giành chiến thắng, và em rể rồi đến em gái của ông Thaksin lần lượt trở thành thủ tướng Thái Lan. Phải đến sau cuộc đảo chính năm 2014, các đảng thân Thaksin với bị kiềm tỏa chặt chẽ bởi chính quyền quân sự.

Cuộc bầu cử tháng 3 được kỳ vọng sẽ là sự trở lại hiển hách của nền dân chủ tại Thái Lan, sau gần 5 năm đất nước được đặt dưới sự quản lý của chính quyền quân sự, quãng thời gian dài hơn bất cứ chính phủ dân bầu nào trong 18 năm qua.

“Đây sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về nền dân chủ, trả lời câu hỏi liệu đất nước này có muốn tiến bước với dân chủ hay không”, Titipol Phakdeewanich, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Uban Ratchathani ở miền Đông Thái Lan, cho biết.

“Nền dân chủ” đó được thể hiện bằng Hạ viện được cử tri Thái bầu ra sau ngày tổng tuyển cử. Tuy nhiên, 500 hạ nghị sĩ đắc cử sau ngày 24/3, cùng với 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự chỉ định, đang đối diện với viễn cảnh “vô gia cư”, theo Economist.

Nhà vua Vajiralongkorn đã trưng dụng tòa nhà quốc hội cũ nằm trên phần đất hoàng gia mà không công bố lý do. Không ai dám hỏi nhà vua về quyết định trưng dụng vì những điều luật cấm xúc phạm hoàng gia gắt gao. Trong khi đó, chính quyền quân sự của Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) vẫn chưa xây xong tòa nhà quốc hội mới. Một quốc hội mới đặt trong cảnh "vô gia cư" được Economist ví von hình ảnh biểu tượng cho cuộc bầu cử “rỗng” Thái Lan.

Trong nỗ lực giảm sự ảnh hưởng gia tộc Shinawatra và những đảng trung thành, chính quyền quân sự trong năm năm qua đã điều chỉnh hệ thống chính trị Thái Lan để đảm bảo hạn chế hoặc dập tắt khả năng tạo nên biến động bởi phiếu bầu - cuộc chơi mà Thaksin và những người ủng hộ luôn giành phần thắng từ năm 2001 đến nay.

Kể từ sau đảo chính quân sự năm 2014 kết thúc chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, NCPO đã thiết lập một hiến pháp tạm thời, cho phép chính quyền quân sự dập tắt “mọi hành động làm suy yếu hòa bình, trật tự hoặc an ninh quốc gia, nền quân chủ, kinh tế quốc gia và điều hành đất nước”. Đến tháng 12/2018, mọi hoạt động hội họp chính trị có trên năm người tham dự đều bị cấm. Những hành động tưởng chừng đơn giản như chia sẻ hay “bấm like” những bình luận về chính quyền quân sự cũng đủ khiến một số “công dân mạng” phải ngồi tù.

Bản hiến pháp mới, được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016 với chỉ 1/3 số cử tri hợp lệ tham gia, được xem là công cụ quyền lực nhất của chính quyền quân sự. Văn bản này quy định thủ tướng tương lai của Thái Lan phải nhận được sự tán thành của hơn nửa quốc hội Thái Lan, với tổng cộng 750 nghị sĩ lưỡng viện. Theo đó, một đảng chính trị cần thu được tối thiểu 376 phiếu nghị sĩ, bất kể từ cả hai viện hay riêng Hạ viện, để ứng viên đắc cử thủ tướng và thành lập chí phủ mới.

Tuy nhiên, toàn bộ 600 ứng viên thượng nghị sĩ, được tập hợp thông qua Ủy ban Chọn lựa Thượng nghị sĩ (SSC) và Ủy ban Bầu cử (EC), đều phải trình lên cho NCPO chọn lọc. Bản thân SSC là do chính quyền quân sự thành lập, trong khi các thành viên của EC được chọn bởi Hội đồng Lập pháp Quốc gia mà chính quyền quân sự chỉ định. Điều này đồng nghĩa NCPO có khả năng kiểm soát toàn bộ 250 ghế tại Thượng viện, cơ quan sẽ cùng Hạ viện Thái Lan chọn ra thủ tướng cho chính phủ mới trong giai đoạn 5 năm hậu tổng tuyển cử.

Con đường đến chiếc ghế thủ tướng Thái Lan trở thành cuộc đua không cân sức. So với những đảng khác, đảng Palang Pracharat - vừa được thành lập vào tháng 3/2018 với lập trường ủng hộ nền quân chủ và chính quyền quân sự - đã được thiết kế sẵn một lợi thế vượt trội nhờ thượng viện chống lưng.

Ứng viên của đảng, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, cũng chính là người đứng đầu NCPO. Trên đường đua đến chiếc ghế thủ tướng, đảng Palang Pracharat đã được “xuất phát trước” với 250 ghế và họ chỉ cần tối thiểu các ứng viên đắc cử 126/500 ghế hạ nghị sĩ để hoàn thành phần thi của mình.

Ngay cả những lãnh đạo của đảng này cũng nhận thức được ưu thế khổng lồ được tạo nên bởi hiến pháp. Somsak Thepsuthin, một trong những lãnh đạo nòng cốt của Palang Pracharat, tháng 11/2018 kêu gọi những người ủng hộ “phải tận dụng tối đa các ưu thế” hiện nay.

“Với cuộc bầu cử này, hiến pháp đã được thiết kế sẵn cho chúng ta”, Somsak nhấn mạnh.

Ưu thế truyền thống của các đảng thân Thaksin tại Hạ viện Thái Lan cũng bị kiềm hãm bởi quy định mới.

Trong kỳ bầu cử năm nay, tổng cộng 10.729 ứng viên từ 81 đảng sẽ cạnh tranh 350 ghế đại biểu của các khu vực bầu cử. 150 ghế hạ nghị sĩ còn lại được lựa chọn từ các danh sách đại biểu đảng chính trị. Số ghế này được phân chia bằng hệ thống “đại diện theo tỷ lệ” phổ thông đầu phiếu mỗi đảng đạt được ở 350 khu vực bầu cử.

Nhiều chuyên gia cho rằng cách tổ chức này nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của các đảng lớn, đặc biệt là đảng Pheu Thai của ông Thaksin. Trong cuộc bầu cử năm 2011, đảng Pheu Thai được dẫn dắt bởi bà Yingluck Shinawatra đã giành được thắng lợi với 265 ghế ở Hạ viện. Tuy nhiên, nếu áp dụng phương pháp tính mới, đảng Pheu Thai năm đó có thể mất đến 40 ghế ở Hạ viện.

Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp từng khẳng định hệ thống bầu cử sửa đổi nhằm phản ánh rõ hơn mức độ ủng hộ dành cho mỗi đảng chính trị. Chatchai Na Chiangmai, một thành viên ủy ban, cho rằng việc mỗi lá phiếu ở các khu vực bầu cử đều có tác động kép sẽ buộc các đảng phải lựa chọn ứng viên kỹ lưỡng hơn. Bên cạnh đó, việc chia 150 ghế còn lại theo tỷ lệ cho các đảng cũng giúp sự hiện diện chính trị được phân tán về các đảng nhỏ, tránh tình trạng đảng lớn thâu tóm ghế tại Hạ viện, theo Nikkei Asian Review.

Tuy nhiên, dù chính quyền quân sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, những người ủng hộ Thaksin Shinawatra vẫn tìm ra cách để Thái Lan không quên được vị cựu thủ tướng trong kỳ bầu cử năm nay. Giới lãnh đạo đảng Pheu Thai chỉ vài tháng trước bầu cử đã phân tán và thành lập nhiều đảng nhỏ với hy vọng gia tăng cơ hội kiếm ghế ở Hạ viện.

Nổi bật trong số đó là ba đảng Pheu Tham, Pheu Chart và Thai Raksa Chart. Thậm chí một số ứng viên của các đảng này còn đổi tên thành Thaksin và Yingluck, tương tự hai cựu thủ tướng nhà Shinawatra, để tranh cử đợt này.

Đảng Thai Raksa Chart cũng gắn liền với biến động lớn nhất trước ngày bỏ phiếu khi đề cử công chúa Ubolratana, chị gái của nhà vua Maha Vajiralongkorn, vào ngày 8/2 tham gia cuộc đua cho ghế thủ tướng. Chưa đầy 24 giờ sau, nhà vua đã tuyên bố không ủng hộ đề cử của Thai Raksa Chart vì phá vỡ truyền thống thành viên hoàng tộc đứng ngoài chính trường. “Quả bom tấn” chính trường Thái Lan được cho là do bàn tay của ông Thaksin dàn dựng, đặc biệt khi cựu thủ tướng Thái Lan đã nhiều lần gặp gỡ công chúa Ubolratana.

Thai Raksa Chart bị giải thể vào ngày 7/3 sau pha mạo hiểm chính trị bất thành. Ủy ban Bầu cử Thái Lan gọi hành động của đảng này là "kích động chống lại chế độ quân chủ lập hiến", một lập luận mà phe bảo hoàng và giới quân sự thường dùng để chỉ trích sức ảnh hưởng của ông Thaksin. Các thành viên trong ban lãnh đạo của đảng Thai Raksa Chart không được hoạt động chính trị trong 10 năm. Toàn bộ 214 ứng viên của đảng Thai Raksa Chart sẽ bị loại khỏi cuộc bầu cử.

"Việc giải thể đảng Thai Raksa Chart sẽ dẫn đến tổn hại về hình ảnh vì đảng này chiếm một phần lớn trong nhóm đảng thân Thaksin. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa số phiếu nhóm đảng ủng hộ ông ấy sẽ giảm đi, họ có thể chọn những đảng khác cùng lập trường. Sự phân hóa trong xã hội Thái Lan đối với ông Thaksin và những gì mà ông ấy đại diện vẫn không thay đổi nhiều", Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia chính trị tại Đại học Chulalongkorn, nhận định trên Bangkok Post.

Vài tuần trước ngày bỏ phiếu, Ủy ban Phát thanh truyền hình và Liên lạc viễn thông Quốc gia (NBTC) đã tạm ngưng giấy phép hoạt động của đài truyền hình Voice TV, được sở hữu bởi hai người con của cựu thủ tướng Thaksin. Lệnh cấm sóng kéo dài trong 15 ngày vì hai chương trình của đài “gây chia rẽ và hoang mang dư luận”.

Bốn ngày trước khi cuộc tổng tuyển cử chính thức diễn ra, chính quyền quân sự của Thái Lan đã gửi đến Hong Kong yêu cầu dẫn độ Thaksin Shinawatra, vốn đang ở Trung Quốc chuẩn bị cho đám cưới của con gái út Paetongtarn Shinawatra. Như thể giới lãnh đạo phe quân sự và bảo hoàng ở Thái Lan vẫn chưa bao giờ rời mắt khỏi hành trình của cựu thủ tướng đang lưu vong, chưa bao giờ ngưng dè chừng sức ảnh hưởng khổng lồ của gia tộc gốc Hoa đến từ Chiangmai.

Những phân hóa chính trị dai dẳng liên quan đến ông Thaksin vẫn tồn tại ở Thái Lan, chia rẽ nước này dù đã hơn một thập niên trôi qua kể từ khi chính trị gia 69 tuổi bỏ trốn khỏi đất nước.

Cuộc bầu cử được lên kịch bản phân định kẻ thắng người thua từ trước của chính quyền quân sự Thái Lan cũng khó giải quyết hết những mâu thuẫn còn tồn đọng trong lòng “xứ sở chùa Vàng”.

Thanh Danh, Sơn Trần
Đồ họa: Phượng Nguyễn Ảnh: AFP, Reuters, AP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chiec-bong-qua-lon-cua-cuu-thu-tuong-thaksin-voi-chinh-truong-thai-post927186.html