Chiếc cầu mọi người hay nhầm là 'cầu London'

Không phải nhiều người đều biết rằng cầu London trong mật mã ám chỉ việc nữ hoàng Anh qua đời (London Bridge) và cầu tháp London (Tower Bridge) không phải là một.

Ngày 8/9, Nữ hoàng Elizabeth II băng hà ở tuổi 96. Trước đó, vào năm 2017, thông tin về tang lễ của bà đã được tiết lộ trên Guardian với cái tên "Chiến dịch Cầu London". Cầu London cũng là địa danh gắn với mật mã ám chỉ sự qua đời của bà: "London Bridge is down (Cầu London sập rồi - PV)".

Đây cũng là địa danh quen thuộc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài đồng dao của trẻ em Anh với cái tên "London Bridge Is Falling Down (Cầu London đang sập xuống - PV)".

Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn bị nhầm lẫn cây cầu này với cầu tháp London nổi tiếng thế giới cách đó khoảng 80 m.

 Cầu London (bên trái) và cầu tháp London (bên phải) dễ bị nhầm lẫn vì sự nổi tiếng của cả 2. Ảnh: Google Maps.

Cầu London (bên trái) và cầu tháp London (bên phải) dễ bị nhầm lẫn vì sự nổi tiếng của cả 2. Ảnh: Google Maps.

Kết cấu đặc biệt

Đều bắc qua sông Thames, trong khi cầu London đã có lịch sử gần 2.000 năm với 3 lần đập đi xây lại, cầu tháp London mới chỉ có hơn 120 tuổi và chưa trải qua lần thay mới nào.

Cầu tháp London được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1894 với chiều dài 800 feet (240 m), gồm 3 nhịp với 2 tháp cao 65 m được xây dựng trên các trụ cầu. Giữa các tòa tháp là 2 lối đi bằng kính thu hút nhiều du khách ưa mạo hiểm trải nghiệm.

 Cầu tháp London, biểu tượng của London cũng như của nước Anh, nhưng luôn bị nhầm lẫn với cầu London. Ảnh: CNN.

Cầu tháp London, biểu tượng của London cũng như của nước Anh, nhưng luôn bị nhầm lẫn với cầu London. Ảnh: CNN.

Nhịp giữa cầu dài 200 feet (khoảng 61 m), được chia thành 2 nhịp nhỏ bằng nhau. 2 nhịp này được vận hành bằng 2 máy nâng thủy lực có thể nâng hơn 1.000 tấn một góc 86 độ trong vòng 5 phút để tàu lớn đi qua. Đến năm 1976, hệ thống này đã được thay thế bằng các động cơ điện. Hiện nay, cầu tháp London mở cửa trung bình 1.000 lượt/năm cho tàu thuyền và sà lan lưu thông qua sông Thames.

Hai nhịp bên là cầu treo, mỗi nhịp dài 270 feet (82 m) và có lối đi dành cho người đi bộ cao hơn 44 m so với mặt sông khi thủy triều lên.

Triển lãm ngay phía trên cầu

Nếu cầu London chỉ được biết đến là một cây cầu đơn thuần, phục vụ mục đích di chuyển, giao thông, cầu tháp London lại được biết đến nhiều hơn là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Theo số liệu của CNN, trung bình mỗi năm trước đại dịch, cây cầu này đón hơn 600.000 khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Ngay trên 2 tháp, Triển lãm Cầu tháp là nơi trưng bày những hình ảnh, thước phim có tuổi đời hàng thế kỷ về cây cầu. Thông qua chúng, khách tham quan có thể nhìn lại lịch sử của cây cầu từ những ngày đầu xây dựng đến khi khánh thành và quá trình phát triển của nó.

Phía trên đó là 2 lối đi bằng kính. Tại đây, người tham quan có thể ngắm hết khung cảnh của London từ Tòa thị chính đến Cầu London, chiếc cầu thường xuyên bị nhầm lẫn với nó.

 Từ lối đi bằng kính trên cầu tháp London, du khách có thể nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh thành phố London cũng như dòng người và xe cộ phía dưới cầu. Ảnh: Getty.

Từ lối đi bằng kính trên cầu tháp London, du khách có thể nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh thành phố London cũng như dòng người và xe cộ phía dưới cầu. Ảnh: Getty.

Ngoài ra, du khách tham dự triển lãm còn được tham quan phòng máy chứa 2 máy nâng thủy lực để xem quá trình hoạt động của cây cầu từ thời Victoria.

 Máy nâng thủy lực bên trong cầu tháp London. Ảnh: Geograph.

Máy nâng thủy lực bên trong cầu tháp London. Ảnh: Geograph.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-cau-moi-nguoi-hay-nham-la-cau-london-post1353938.html