Chiếc chân váy 160 nghìn và lối hành xử vô pháp
Chỉ vì một cái chân váy trị giá 160 nghìn đồng, người ta sẵn sàng hành xử thiếu tình người, vô pháp đến thế sao?
Thực sự, tôi đã phải nhắm mắt lại, không dám xem hết clip với tiêu đề “Vợ chồng chủ shop quần áo cắt tóc, làm nhục nữ sinh” lan truyền trên mạng xã hội và báo chí trong những ngày qua.
Đó chính là clip ghi lại cảnh vợ chồng Cao Thị Mai Hường và Trịnh Đình Anh, chủ shop thời trang ở Thanh Hóa cùng một số người khác dùng vũ lực đánh đập, làm nhục một cách thậm tệ đối với một nữ sinh 17 tuổi.
Cơ quan công an đọc lệnh khởi tố đối với vợ chồng chủ shop quần áo có hành vi bạo hành, làm nhục người khác
Chưa dừng lại, chủ cửa hàng còn có hành vi cưỡng đoạt tài sản thông qua việc ép buộc gia đình nữ sinh này - vốn có gia cảnh nghèo khó, phải đưa số tiền 15 triệu đồng.
Đến nay, vợ chồng chủ shop thời trang đã bị khởi tố về tội làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản, nhưng vụ việc trên vẫn không khiến tôi và nhiều người khác trong xã hội cảm thấy day dứt.
Tiếng khóc lóc, van xin của cô bé thực sự ám ảnh tôi.
Với hành vi ăn cắp chiếc chân váy trị giá 160 nghìn đồng, tôi không nghĩ người ta lại có thể đối xử theo kiểu đó với một cô bé, bất kể cô bé đó đã có hành vi rất đáng lên án.
Mặc cho cô bé đó quỳ xuống van xin, người ta vẫn thản nhiên quay video cảnh nạn nhân bị tát vào mặt và đạp vào đầu; kéo áo và dùng kéo cắt tóc, cắt áo ngực…
Chẳng lẽ chỉ vì một cái chân váy trị giá 160 nghìn đồng, người ta sẵn sàng hành xử thiếu tình người, vô pháp luật đến thế hay sao?
Đứng dưới góc độ tình người, tôi tin với nhiều người khác nếu ở trong trường hợp này, họ sẽ không hành xử như vợ chồng chủ shop thời trang ở Thanh Hóa.
Trái lại, họ có thể lựa chọn hình thức nhắc nhở, giáo dục cháu, thậm chí họ có thể báo công an để xử lý sao cho thấu tình, đạt lý.
Bởi không một cá nhân nào trong xã hội này có quyền đứng trên pháp luật. Việc xử lý hành vi sai trái của nữ sinh 17 tuổi kia, nếu có, phải được thực hiện bởi cơ quan công quyền.
Vụ việc này là một hồi chuông cảnh báo về lối sống, lối hành xử bạo lực, bất chấp đạo đức và pháp luật trong một bộ phận giới trẻ ngày nay.
Họ dường như rất thức thời với mọi thứ, có tiền bạc vật chất nhưng sẵn sàng thể hiện một thái độ thiếu văn hóa trong ứng xử với mọi người xung quanh, với cộng đồng.
Họ tỏ ra am hiểu về nhiều lĩnh vực, song cũng thường xuyên tự cho mình cái quyền phán xét người khác, làm nhục người khác trên mạng xã hội hay ở ngoài đời.
Và trong vụ việc ở Thanh Hóa, đôi vợ chồng chủ shop thời trang đã lấy cái sai này để xử lý cái sai khác, vô hình trung biến mình thành những kẻ phạm tội.
Theo tôi, đây là một bài học cho mỗi chúng ta, trước mỗi sự việc cần bình tĩnh nhìn nhận để có cách hành xử hợp lý.
Hành vi của vợ chồng chủ cửa hàng quần áo chắc chắn sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng. Tuy vậy, với cháu bé, đây là một vết thương khó lành.
Ở tuổi học sinh, vụ việc vừa qua sẽ là một cú sốc tâm lý nặng nề. Gia đình, người thân cần có cái nhìn rộng mở hơn.
Hành vi của cháu là không đúng nhưng điều mà mỗi bậc phụ huynh, người thân, bạn bè cần làm là để cháu nhận ra cái sai của mình, từ đó thay đổi chứ không phải xa lánh, ghẻ lạnh.
Có như vậy, cháu mới vượt qua được cú sốc tâm lý này. Trước mắt cháu, còn cả một cuộc đời.
TS. Khuất Thu Hồng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chiec-chan-vay-160-nghin-va-su-vo-phap-d534781.html