Chiếc chảo đồng trong Chiến dịch Biên giới

Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta có bước phát triển mạnh và giành được nhiều thắng lợi quan trọng; có điều kiện chuyển sang giai đoạn phản công, tiến công giành quyền chủ động trên chiến trường. Trước tình hình đó, tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, tiến công địch ở hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

 Chiếc chảo đồng dùng để nấu ăn trong Chiến dịch Biên giới.

Chiếc chảo đồng dùng để nấu ăn trong Chiến dịch Biên giới.

Trong chiến dịch này, các đơn vị chủ lực của Quân đội ta, gồm: Đại đoàn 308, Trung đoàn 209, Trung đoàn 174 và lực lượng vũ trang các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn cùng nhân dân trên địa bàn tham gia tiêu diệt địch. Thấm nhuần chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng: Quân dân cùng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm giành thắng lợi lớn, các đơn vị bộ đội và các cơ quan, đơn vị LLVT địa phương chuẩn bị kỹ càng trước khi nổ súng; công tác tổ chức chiến đấu được tiến hành chặt chẽ, bí mật, khẩn trương và toàn diện trên tất cả các mặt. Ngày 16-9-1950, bộ đội ta nổ súng tiến công địch, mở màn chiến dịch, đến sáng 18-9, quân và dân ta làm chủ hoàn toàn Đông Khê, cô lập Cao Bằng và uy hiếp Thất Khê.

Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định rút lực lượng đồn trú ở thị xã Cao Bằng do Charton chỉ huy tiến về Đông Khê theo Đường số 4; đồng thời, sử dụng binh đoàn cơ động do Le Page chỉ huy từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê. Từ ngày 2-10, cuộc chiến đấu vây đánh binh đoàn Le Page của quân và dân ta diễn ra quyết liệt ở các khu vực Khâu Áng, Khâu Luông, Nà Mục, Xuân Hòa..., phía Tây Nam Đông Khê. Đến chiều 8-10, Le Page cùng Ban tham mưu và toàn quân địch bị bắt gọn. Sau đó quân và dân ta tiếp tục tiến đánh tiêu diệt cách quân do Charton chỉ huy. Ngày 14-10, Chiến dịch Biên Giới kết thúc thắng lợi. Trong quá trình chiến đấu nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã ủng hộ bộ đội lương thực, thực phẩm và nhiều dụng cụ cấp dưỡng. Nhân dân cùng bộ đội đào hào, vận chuyển vũ khí, đạn dược, nấu ăn... Một trong những dụng cụ nấu ăn ngày đó là chiếc chảo đồng được nhân dân huyện Thạch An (Cao Bằng) trân trọng giữ gìn, coi đó là kỷ vật thiêng liêng. Hiện nay, chiếc chảo được lưu giữ và trưng bày tại Nhà lưu niệm Khu di tích quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, ở huyện Thạch An (Cao Bằng).

Bài và ảnh: HẰNG THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chiec-chao-dong-trong-chien-dich-bien-gioi-602485