Chiếc ghế Chủ tịch Fed: Bài toán cân bằng giữa tính độc lập và áp lực chính trị

Thách thức lớn nhất đối với người kế nhiệm ông Jerome Powell đang ngày càng trở nên rõ ràng, đó là làm thế nào để duy trì tính độc lập của Fed trong khi vẫn làm hài lòng Tổng thống Trump.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thách thức lớn nhất đối với người kế nhiệm ông Jerome Powell đang ngày càng trở nên rõ ràng, đó là làm thế nào để duy trì tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong khi vẫn làm hài lòng Tổng thống Donald Trump.

Ngay cả khi Tổng thống Mỹ không sa thải ông Powell trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc sau 10 tháng nữa, ông Trump đã thể hiện rõ mong muốn rằng người đứng đầu Fed tiếp theo phải tuân theo yêu cầu của ông là hạ lãi suất.

Hôm 16/7, ông Trump tuyên bố rằng ông chỉ quan tâm đến những người ủng hộ chính sách lãi suất thấp.

Các ứng viên tiềm năng mà ông Trump đang cân nhắc bao gồm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett, cựu Thống đốc Fed Kevin Warsh, Thống đốc Fed Christopher Waller, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent. Những người này đều đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc hạ lãi suất.

Cố vấn cấp cao của tập đoàn đầu tư StoneX, ông Jon Hilsenrath, nhận định rằng Tổng thống Trump đang tìm kiếm một người mà ông kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất một cách mạnh mẽ. Do đó, bất kỳ ai trở thành Chủ tịch Fed tiếp theo cũng sẽ phải đối mặt với một "cam kết ngầm" phải thực hiện.

Truyền thông gần đây cho rằng ông Hassett đang là ứng cử viên hàng đầu. Mặc dù ông Hassett khẳng định rằng mọi quan chức Nhà Trắng đều hiểu tính độc lập của Fed quan trọng ra sao, ông cũng đồng tình rằng nên hạ lãi suất xuống thấp hơn mức hiện tại.

Ông cho rằng việc Fed chưa hạ lãi suất làm dấy lên "lo ngại chính đáng" rằng chính các thành viên Fed đang không tôn trọng sự độc lập của mình.

Một ứng viên khác là ông Warsh cũng nhấn mạnh rằng lịch sử cho thấy hoạt động độc lập trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Fed là điều cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng sự do dự của Fed trong việc cắt giảm lãi suất là một "điểm trừ đáng kể."

Lịch sử Mỹ từng ghi nhận nhiều trường hợp Tổng thống thách thức các Chủ tịch Fed, bao gồm cuộc đối đầu giữa Tổng thống Lyndon Johnson và Chủ tịch Fed Bill Martin vào những năm 1960, hay việc Tổng thống Richard Nixon gây áp lực buộc Chủ tịch Fed Arthur Burns phải hạ lãi suất trước cuộc bầu cử năm 1972.

Áp lực lên ông Powell vẫn chưa dừng lại khi Nhà Trắng đang tiếp tục nêu vấn đề về chi phí của dự án cải tạo trụ sở Fed trị giá 2,5 tỷ USD.

Người đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), ông Russ Vought cho rằng Fed đã bị quản lý yếu kém trong nhiều năm và yêu cầu của ông Powell về một cuộc điều tra nội bộ là "chưa đủ." Ông Vought muốn có một cuộc họp trực tiếp với những người phụ trách dự án, dù phủ nhận đây là cái cớ để sa thải ông Powell.

Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối từ cả hai đảng. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Thom Tillis cảnh báo rằng việc để Fed trở thành một cơ quan chịu sự chi phối của Tổng thống là một "sai lầm lớn." Lãnh đạo Đa số Thượng viện John Thune cũng cho rằng thị trường muốn một Fed độc lập, không bị ảnh hưởng bởi chính trị.

Ngay cả Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren, người từng chỉ trích ông Powell cũng cảnh báo rằng thị trường "sẽ sụp đổ" nếu ông Trump sa thải Chủ tịch Fed./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chiec-ghe-chu-tich-fed-bai-toan-can-bang-giua-tinh-doc-lap-va-ap-luc-chinh-tri-post1050336.vnp