Chiếc hộp gỗ
Hồi nhỏ lúc còn đi học trường tiểu học Lý Nhơn tôi hay đi ngang qua hẻm Hiệp Thành thông qua đường Bến Vân Đồn Quân 4 - Saigon, ở cuối hẻm này có căn nhà mang tên hiệu may Thanh Bình . Đôi vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc và họ có một đứa con gái ,ông chồng làm nghề tài xế lái xe đường dài còn bà vợ có nghề may quần áo kiếm thêm thu nhập.
Ảnh do tác giả cung cấp
Mặc dù là cánh tài xế lái xe nhưng ông không bao giờ sa vào cảnh ăn chơi trác táng. Ông lo chí thú làm ăn nên không bao lâu sau ông mua thêm căn nhà lớn hơn để bà mở tiệm may rộng rãi hơn, công việc thuận bờm xuôi gió nên hai vợ chồng sống rất chan hòa, hạnh phúc, nếu cuộc đời như thế đâu có gì đáng nói. Nhưng rủi thay trong lần giao hàng đường xa không may ông bị tai nạn giao thông, ông nằm viện hàng tháng trời,vợ con ông phải thay nhau chăm sóc và phải bán nhiều tài sản để cứu ông ra khỏi lưỡi hái tử thần.
Nhiều lần ông định quyên sinh, nhưng nghĩ tới đứa con gái mà ông hết mực yêu thương nên ông đã cố gắng sống để chứng kiến đến ngày con gái ông lên xe hoa. Nhưng cuộc đời thường không như ước mơ,tai nạn đã làm gương mặt ông biến dạng, đôi chân khập khiễng. Ông trở nên khó tính hay cáu gắt nhất là về đêm những vết thương hành hạ đã khiến ông không làm chủ được bản thân mình nên cuối cùng ông đành dọn xuống nhà kho bên chái bếp. Bà đã khóc hết nước mắt năn nỉ ông trở lại như xưa nhưng ông cương quyết, đêm đêm khi nhìn ánh đèn trên phòng bà tắt rồi ông mới yên tâm đi ngủ.
Từ ngày ông bị tai nạn gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai người đàn bà bé nhỏ, trời cũng thương tình công việc làm ăn của bà cũng xuôi chèo mát mái. Ban đầu chỉ vài khách hàng sau đó là hàng gia công rồi mấy chốc lên tổ hợp may mặc, công việc nhiều đối tác cũng nhiều hơn nên bà thường xuyên vắng nhà hơn. Để bà yên tâm trong công việc ông lui về hậu phương lo việc cơm nước, ông muốn tự tay nấu ăn cho mẹ con bà. Ông chịu khó tìm tòi qua sách vở với nhiều bà nội trợ kinh nghiệm nên không lâu sau những món ăn mà bà và con gái đều yêu thích như canh chua cá kho tộ, bông bí xào tỏi ...
Đứa con gái càng lớn càng xinh đẹp thừa hưởng nét đẹp của bà và tính chịu thương chịu khó của ông, nên cô học rất xuất sắc. Trong thời gian học Đại học cô phải lòng anh chàng sinh viên cùng khóa, cả hai hứa hẹn sau ngày tốt nghiệp ra trường sẽ tiến tới hôn nhân. Rồi cái ngày đó đã tới sui nhà trai muốn gặp mặt ông để bàn chuyện cưới xin, nhưng ông mặc cảm vì bệnh tật nên từ chối bà phải nói thoái thác rằng ông nhà đang điều trị bệnh tình nên không muốn gặp ai. Sui nhà trai nghe nói vậy cũng không dám hỏi gì thêm, ngày cữ hành hôn lễ ông đội chiếc nón tai bèo lụp xụp đứng ngoài cổng nhìn vào trông thấy con gái rạng rỡ trong bộ đồ cô dâu sánh vai bên chú rể thật là đẹp đôi, ông mừng đến rơi nước mắt, đêm đó ông không ngủ được bật ngồi dậy viết nhật ký một hơi tới sáng .
Công việc làm ăn của bà ngày càng khởi sắc ăn nên làm ra. Bà phải tiếp khách giao dịch nhiều hơn nên thường xuyên vắng nhà, có những chiều ông đứng tựa cửa trông bà về ,dọn cơm ra rồi phải dọn vào hâm đi hâm lại nhiều lần mà bà vẫn bật tâm. Rồi một hôm trong buổi chiều mưa bay lộng gió ông đứng tựa cửa trông bà thì bỗng có chiếc xe hơi đổ xịch ngay trước cổng, mở cửa xe ra chính là bà và người đàn ông bên cạnh khoác chiếc áo đưa bà vào trong, trước khi chia tay họ còn tình tứ ôm hôn nhau, trước cảnh tượng đó ông đứng như trời trồng và ông đã hiểu rằng ông đã mất bà từ đây!
Đau buồn vì bệnh tật, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần nên bệnh tình ông ngày càng trầm trọng rồi trong đêm mưa gió sấm chớp ầm ầm ông lên cơn đau tim dữ dội. Ông ôm ngực ngã lảo đảo nhưng cố rướn người mở cánh cửa, ông muốn kêu lên nhưng vì trời mưa quá lớn không ai nghe tiếng, ông ngã quỵ và tắt thở. Sáng hôm sau đám công nhân vào mở cửa kho mới phát hiện vội đưa ông đi nhà thương nhưng mọi cố gắng đều đã muộn. Ông ra đi nhưng đôi mắt vẫn mở trừng trừng như đang đợi ai đó trở về.
Ngày đám tang ông, bà còn đang du hí với đối tác bên Hàn Quốc, còn đứa con gái từ ngày lấy chồng thỉnh thoảng có ghé thăm ông nhưng rồi lại vội đi. Hôm ông mất ,cô con gái cùng chồng đang nghỉ mát ở sapa, đám tang ông chỉ có đám công nhân xưởng may, bà con chòm xóm. Ai cũng đều tiếc thương một người đàn ông hết lòng thương vợ, thương con nhưng đến cuối đời lại mất hẩm hiu như vậy.
Khi biết được tin ông mất, bà và con gái vội vã quay trở về thì tang lễ đã xong, hai mẹ con ôm nhau khóc bên nấm mồ vừa xanh cỏ. Bà ân hận lắm, khi đã mất đi những gì quí giá thì người ta mới hối tiếc thì đã muộn rồi!
Một tháng sau ngày ông mất, bà mở cửa nhà kho cố tìm những kỷ vật còn sót lại. Đây là chiếc bàn nơi ông làm việc quyển nhật ký còn đang viết dở dang, kia là chiếc giường tre ọp ẹp trên còn tấm chăn mền màu xanh thẫm, chiếc mền này kỷ niệm thời ông bà còn nghèo khó mà ông còn gìn giữ tới bây giờ. Bà bật khóc vì sao bà nhẫn tâm và vô tình khi để ông sống trong nghèo khổ, những cuộc đi chơi du hí nghỉ ngơi trong khách sạn hạng sang, ăn uống toàn cao lương mỹ vị, chưa bao giờ bà nghĩ tới ông ngủ trên chiếc giường tre cũ kỹ ,ăn toàn cơm hẩm cơm hiu đợi bà về.
Trong lúc tựa vào chiếc tủ trên đầu giường vô tình cánh cửa tủ bật ra làm rơi xuống chiếc hộp gỗ màu vàng sẫm. Bà bật dậy mở chiếc hộp gỗ thì lần nữa bà ôm mặt khóc nức nở. Bà khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc như đứa trẻ mới lên ba khi bà nhìn thấy những tấm hình đen trắng đã ố vàng ,tấm hình chụp hai ông bà tươi cười vui vẻ cùng đứa con gái. Những tấm còn lại là hình của cô con gái từ lúc đầy tháng cho tới trưởng thành. Cuối cùng là cuốn sổ tiết kiệm ghi tên con gái với số tiền đủ làm bà kinh ngạc với lá thư còn viết dở dang gởi cho con gái .
" Con gái à, ba biết là ba sắp đi xa ...ba viết thư này gởi cho con, con hãy thương yêu mẹ con ,chăm sóc gia đình và luôn nhớ về ba ..."
Đọc đến đây bà gục mặt xuống bàn khóc ngất, cái quí nhất đã mất đi thì những gì còn lại có ý nghĩa gì chứ? Bà nâng niu chiếc hộp gỗ như là di vật cuối cùng của ông, những giọt nước mắt ân hận chảy dài trên má người đàn bà đau khổ như ngoài kia bầu trời lất phất mưa rơi .
Theo Chuyện làng quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chiec-hop-go-a7890.html