Chiếc khăn kỷ niệm

Vào giữa tháng 4-1954, tại chiến trường Điện Biên Phủ, chúng tôi đang làm nhiệm vụ đánh chia cắt sân bay Mường Thanh thì mỗi người nhận được một gói quà nhỏ của hậu phương gửi lên.

Trong gói quà của tôi có một chiếc khăn tay bằng vải phin trắng, hình vuông, cỡ 30x30cm, xung quanh viền chỉ đỏ, bên trong có dòng chữ thêu chỉ màu khá đẹp: “Thân tặng chiến sĩ đang chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên". Phía dưới là nét chữ thanh nhỏ hơn, ghi: “Phụ nữ Ngô Xá-Thanh Hóa". Kèm theo chiếc khăn còn có một gói tăm tre chẻ đều, vót nhẵn cùng một chiếc quạt xếp bằng giấy và một lá thư chữ con gái. Nội dung bức thư động viên chúng tôi chiến đấu, báo tin quê nhà và mong chờ chiến công. Món quà nhỏ đến với chúng tôi giữa hai trận giao tranh ác liệt, tạo sức mạnh to lớn. Anh em hết sức phấn khởi, cười nói râm ran. Tôi mân mê chiếc khăn rồi gấp nhỏ lại cho vào túi áo ngực, cài cúc cẩn thận.

Cuối tháng 4, ta dồn địch vào thế tuyệt vọng. Một hôm, khi trận đánh ác liệt khu trung tâm đang diễn ra, tôi đang thực hiện nhiệm vụ ở phía sau, bỗng thấy tải thương chuyển đến một chiếc cáng có thương binh nặng, băng quấn kín đầu, phần ngực cũng quấn nhiều lớp băng, máu thấm đẫm. Anh là xạ thủ đại liên, hỏa lực mạnh nhất của bộ binh ta lúc bấy giờ. Thấy vết thương ở ngực anh máu tiếp tục chảy, tôi vội lấy chiếc khăn kỷ niệm định đè lên vết thương giữ máu, nhưng anh thương binh giơ tay ra hiệu với tôi đưa cái khăn cho anh xem. Anh nở nụ cười và nói nhỏ: “Của người yêu hả? Giữ lấy, gắng mà giữ lấy… Nó không giúp được gì cho vết thương của mình đâu”. Anh nâng chiếc khăn lên, đặt vào đó một nụ hôn nhè nhẹ, rồi trả lại cho tôi. Tôi lúng túng chưa biết xử lý thế nào thì anh đã co người, giật mạnh, nấc liên tiếp, mắt từ từ nhắm lại mà miệng vẫn như cười. Anh đã trút hơi thở cuối cùng. Là lính chiến, đã nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh, nhưng lần này tôi xúc động mạnh, vừa kính phục, vừa cảm thương người xạ thủ đại liên.

Kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp lại tới kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi từ chiến sĩ quân báo chuyển sang chiến sĩ pháo binh, đi khắp các chiến trường miền Bắc, miền Nam, sang cả nước bạn. Những khi rỗi rãi, tôi lại mang chiếc khăn kỷ niệm ra ngắm. Nhiều trận chiến đấu, tôi mất hết quân tư trang, nhưng chiếc khăn kỷ niệm của người con gái hậu phương vẫn trong túi áo, theo tôi suốt cuộc trường chinh. Khi tôi về nghỉ hưu, được sự nhất trí của hội cựu chiến binh địa phương, tôi đã hiến tặng Bảo tàng Quân khu 4 chiếc khăn để làm hiện vật trưng bày và tuyên truyền.

TÔ KIỀU THẨM

(Ghi theo lời kể của Đại tá Trương Hùng, nguyên chiến sĩ quân báo Đại đội 129, Phòng Tham mưu, Đại đoàn 308)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/chiec-khan-ky-niem-583310