Chiếc khẩu trang vẫn gây chia rẽ ở Nhật, Hàn

Những tranh cãi xoay quanh việc có nên bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời hay không.

Ngày 2/5 đánh dấu lần đầu tiên sau 1 năm 6 tháng người Hàn Quốc được tự do đi lại ngoài đường mà không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, rất ít người tận dụng cơ hội này, theo Korea JoongAng Daily.

“Tôi cảm thấy không thoải mái khi không che mặt”, Seo Seung-joon (34 tuổi), nhân viên văn phòng, nói tại ga Jamsil ở phía nam Seoul.

Hầu hết người dân đều đeo khẩu trang và chỉ có một số ít là không trong giờ cao điểm sáng tại nhà ga nhộn nhịp.

Kim Yoo-na (37 tuổi), nhân viên văn phòng, cho biết: “Vì chưa từng mắc Covid-19, tôi cảnh giác hơn những người có tiền sử nhiễm bệnh. Tôi nghĩ việc giữ khoảng cách ở ga tàu điện ngầm sẽ khó nên tiếp tục đeo khẩu trang”.

 Người đeo khẩu trang đi bộ gần chợ trời Dongmyo ở trung tâm Seoul ngày 28/4. Ảnh: Yonhap.

Người đeo khẩu trang đi bộ gần chợ trời Dongmyo ở trung tâm Seoul ngày 28/4. Ảnh: Yonhap.

Hình ảnh tương tự được ghi nhận ở nhiều không gian công cộng khác. Khoảng 7h sáng 2/5 trên bờ sông Tancheon ở Gyeonggi, chỉ có 7 trong số 30 người đang đi dạo mà không che mặt.

Trái lại, không ít người bày tỏ sự phấn khích khi được phép tháo khẩu trang ở ngoài trời.

“Tôi nghĩ thật mâu thuẫn khi mọi người có thể tháo khẩu trang trong nhà hàng nhưng phải đeo ở nơi công cộng. Tôi rất hào hứng với việc được tập luyện ngoài trời mà không cảm thấy ngột ngạt”, một nhân viên văn phòng khác họ Kim nói.

Phản ứng dễ hiểu

Sự kết thúc của quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời được cho là chậm trễ so với các hạn chế Covid-19 khác của Hàn Quốc.

Yêu cầu này được áp dụng từ giữa tháng 10/2020. Trong suốt đại dịch, các cơ quan y tế liên tục nhắc nhở về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang rằng đây là “biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất”.

Tuy nhiên, thời gian đầu, mặt hàng này trở nên thiếu hụt trên khắp cả nước. Thậm chí, có thời điểm, mỗi người chỉ có thể mua 2 chiếc khẩu trang/tuần vào những ngày được chỉ định tùy thuộc vào năm sinh. Giá cả cũng tăng vọt gấp nhiều lần so với bình thường.

Một số phụ nữ ghét khẩu trang vì che đi lớp trang điểm của họ. Số khác lại thấy nhẹ nhõm.

“Khi khuôn mặt bị che đi một nửa, tôi tiết kiệm được thời gian sửa soạn vào mỗi sáng”, Kim (37 tuổi), nhân viên văn phòng, cho biết.

 Hàn Quốc bỏ quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời từ 2/5 nhưng nhiều người vẫn chưa tự tin bỏ che mặt. Ảnh: Ed Jones/AFP.

Hàn Quốc bỏ quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời từ 2/5 nhưng nhiều người vẫn chưa tự tin bỏ che mặt. Ảnh: Ed Jones/AFP.

Oh Sang-joon (27 tuổi), nhân viên văn phòng, cũng nằm trong nhóm ủng hộ việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời.

“Tỷ lệ lây lan virus ở ngoài trời rất thấp. Việc đeo khẩu trang là vô nghĩa khi mà hầu như không thể truy tìm các nguồn lây nhiễm”, Oh nói với Korea Bizwire và bày tỏ hy vọng đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch.

Ngành công nghiệp làm đẹp cũng như huấn luyện viên thể thao ngoài trời và shipper cũng mong đợi cái kết cho chiếc khẩu trang.

Nhân viên bán thời gian tại cửa hàng mỹ phẩm ở khu phố Gunja, phía đông Seoul, nói với Yonhap: “Khách hàng đang đổ xô mua mỹ phẩm khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời được dỡ bỏ. Doanh số bán các sản phẩm trang điểm, đặc biệt là son môi, cũng trên đà tăng”.

Tuy nhiên, phụ huynh có con nhỏ và người có nguy cơ cao về sức khỏe vẫn cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm chưa biến mất.

Kim Tae-un, phụ huynh đang dẫn con gái 8 tuổi đi học, nói: “Tôi vẫn chưa sẵn sàng để con mình ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Tôi nghĩ vẫn có khả năng xuất hiện các biến thể mới”.

 Hơn 2 năm qua, nhiều người Hàn đã quen ra ngoài với chiếc khẩu trang. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Hơn 2 năm qua, nhiều người Hàn đã quen ra ngoài với chiếc khẩu trang. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Các chuyên gia y tế cho biết không có gì ngạc nhiên khi mọi người phản ứng có phần e dè vào thời điểm này.

Jung Ki-suck, cựu Giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nói: “Vẫn có nhiều người cẩn trọng khi cởi bỏ khẩu trang và các nhóm có nguy cơ cao như người có bệnh nền hoặc trên 60 tuổi không có khả năng cởi bỏ che mặt”.

Jung tin rằng việc chính phủ chấm dứt quy định đeo khẩu trang ngoài trời là hợp lý, mặc dù vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà, đặc biệt ở khu vực đông dân cư.

Hàn Quốc ghi nhận 20.084 ca mắc Covid-19 mới hôm 2/5, lần đầu tiên trong 3 tháng mà con số hàng ngày giảm xuống còn 20.000, theo KDCA.

Cần xem xét tình hình

Với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 6 đang suy yếu, nhiều người Nhật Bản bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn khi vẫn phải tuân theo quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời, theo Japan Today.

Một số chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên về việc nới lỏng hạn chế, chẳng hạn như loại bỏ việc che mặt khi ở ngoài trời và giãn cách xã hội.

Ngày 20/4, ông Toshio Nakagawa, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, lên tiếng ủng hộ chính sách hiện tại trong cuộc họp báo.

“Tôi không mong đợi ngày nào đó mọi người ở Nhật Bản sẽ cởi bỏ khẩu trang khi dịch Covid-19 vẫn còn”, ông nói.

Tuy nhiên, phản ứng thất vọng đang lan truyền khi đất nước hoa anh đào bước vào năm thứ 3 khuyến khích sử dụng khẩu trang trong không gian công cộng. Mọi người đang phàn nàn về việc “dịch bệnh lan rộng mặc dù gần như tất cả đều đeo khẩu trang” và “cảm giác tuyệt vọng”.

 Những người đeo khẩu trang đi ngang qua cửa sổ trưng bày ở quận Ginza, Tokyo. Ảnh: Shuji Kajiyama/AP.

Những người đeo khẩu trang đi ngang qua cửa sổ trưng bày ở quận Ginza, Tokyo. Ảnh: Shuji Kajiyama/AP.

Trong cuộc họp báo ngày 27/4, ông Nakagawa nhắc lại quan điểm của mình rằng mọi người nên tiếp tục đeo khẩu trang chừng nào nỗi sợ lây nhiễm virus vẫn còn. Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Shigeyuki Goto cũng nói thêm rằng “việc đeo khẩu trang là vô cùng quan trọng”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế và tài chính Daishiro Yamagiwa cho biết hôm 24/4 rằng: “Tôi nghĩ khẩu trang không còn cần thiết ở ngoài trời. Việc bỏ quy định che mặt là viễn cảnh thực tế”.

Đồng quan điểm, Tỉnh trưởng Tottori Shinji Hirai kêu gọi xem xét lại các biện pháp đã thực hiện từ trước đến nay nhằm ngăn chặn Covid-19, đồng thời tiết lộ ông công khai nhấn mạnh khẩu trang là không cần thiết, miễn là duy trì khoảng cách giữa mọi người.

Các thành viên của hội đồng chuyên gia của chính phủ đề cập đến sự cần thiết phải có lập trường rõ ràng về câu hỏi “Khi nào nên dỡ bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang” trong cuộc họp ngày 27/4.

Shigeru Omi, trưởng ban hội thẩm, cho biết hội đồng sẽ thảo luận câu hỏi dựa trên “các tiêu chuẩn hợp lý”.

Các yêu cầu về khẩu trang đang giảm bớt ở nước ngoài. Mỹ đã dỡ bỏ quy định về khẩu trang của liên bang, trong khi việc sử dụng khẩu trang trở nên không cần thiết ở các quốc gia như Anh và Pháp.

Tại Nhật Bản, số ca mắc mới hàng ngày là 40.443 vào ngày 26/4 và 51,8% dân số đã được tiêm phòng lần thứ 3 vào thời điểm đó, theo số liệu của chính phủ.

Atsuo Hamada, GS về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Tokyo, cho hay khi nguy cơ nhiễm bệnh gia tăng trong thời tiết nắng nóng hơn, câu hỏi đặt ra không phải là mọi người nên đeo hay bỏ khẩu trang mà là “làm thế nào để ứng phó với virus tùy thuộc vào tình huống”.

Đối với việc loại bỏ khẩu trang ở những không gian đông đúc trong nhà, Hamada cho rằng điều cần thiết là hơn 60% người dân Nhật Bản phải tiêm phòng lần thứ 3 như ở châu Âu.

“Chính phủ nên đưa ra lộ trình hướng tới việc nới lỏng hạn chế khẩu trang dần dần trong 4-5 giai đoạn”, ông nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-khau-trang-van-gay-chia-re-o-nhat-han-post1314226.html