Chiếc nón của mẹ
Ngày chợ phiên, gánh theo rổ rau khoai, buồng chuối, nấn ná mãi mẹ mới quyết định mua một cái nón mới bởi cái nón cũ đã không còn có chỗ để sờn, đôi chỗ còn rách lấm tấm. Cha tôi, có lẽ vì muốn mẹ thay nón, thỉnh thoảng còn cầm ngang vành đưa lên mắt soi... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày chợ phiên, gánh theo rổ rau khoai, buồng chuối, nấn ná mãi mẹ mới quyết định mua một cái nón mới bởi cái nón cũ đã không còn có chỗ để sờn, đôi chỗ còn rách lấm tấm. Cha tôi, có lẽ vì muốn mẹ thay nón, thỉnh thoảng còn cầm ngang vành đưa lên mắt soi rồi cười bảo, nhìn qua nón mà thấy cả trời xanh. Mẹ tôi “lườm” yêu cha dấm dẳng: “Vẫn còn đội được khối”. “Gắng gượng” mãi rồi cái nón cũng đến ngày không thể dùng để đội được nữa, mẹ cắt ngang vành chừa ra cái chóp, đặt lên vại cà to tướng ở đầu hè.
Bóng nắng đổ đầy ngọn tre cuối vườn thì mẹ cũng đã về đến đầu ngõ. Trong đôi quang gánh có nào rau muống, xu hào, mấy con cá giếc và thêm một chút thịt. Đầu bên kia gánh, cặp bánh đa dày sụ vừng đen rắc kín cả bề mặt. Trên đầu mẹ, nón trắng mới tinh tươm được tô điểm bằng dải quai tím biếc, ôm trọn lấy khuôn mặt hiền từ đang hồng lên dưới nắng. Anh em tôi vừa vui, vừa ngỡ ngàng vì bỗng dưng phát hiện ra mẹ đội nón mới... Cha tôi theo chân ra cổng từ lúc nào, cười hồ hởi bảo, mẹ mày đã quyết tâm thay nón. Mẹ tôi đặt đôi quang gánh ở đầu hè, việc đầu tiên là hét anh em tôi đi tìm cục nhựa thông già vẫn để dành trong góc bếp, cho vào bát nướng lên, đổ thêm chút xăng rồi “quang dầu” cho nón. Dầu thấm đến đâu, nón bóng lên đến đó, mẹ cầm “hờ” ngoài vành nâng lên lật xuống có vẻ ưng ý lắm. Trưa đứng bóng nắng, giữa sân mẹ đặt cái mẹt, úp sấp nón trong lòng mẹt phơi nắng. Buổi chiều, mẹ chọn một cái túi ni lông thật to rồi cầm kéo xoay ngang xoay dọc cắt. Cắt xong thì lấy cái xăm xe đạp cũ vẫn treo ở góc nhà cắt tiếp một vòng tròn thật mảnh luồn vào trong tấm ni lông may “áo” phủ lên ngoài mặt nón. Mẹ bảo, phải dùng lớp bảo vệ như thế mới giữ nón được lâu, ít bạc, sờn, lại còn chống nước. Cha cười cười, một cái nón có đáng bao nhiêu đâu(!). Mẹ bảo, đỡ được đồng nào hay đồng ấy, các con còn tuổi ăn học cả. Cha yên lặng không nói gì nữa, mẹ hai tay đỡ nón, cẩn thận treo lên một góc hè. Có nón mới, tôi cũng chẳng mấy khi thấy mẹ đội. Thường chỉ dịp làng trên xóm dưới hội hè đình đám mẹ mới lôi cái nón ra “diện”. Những ngày ra đồng, mẹ vớ được gì đội nấy. Khi thì là cái mũ xỉn màu cũng đã thủng lăm nhăm của anh tôi, khi len lén ra vại cà đầu hè, vội vã lấy cái mê tất tả đi như chạy ra khỏi ngõ. Cha tôi có lần trông thấy, mắt rưng rưng buồn…
Chiều nay, lòng tôi xáo xác khi chợt nhớ, cả một quãng thời gian dài lam lũ, hình như mẹ cũng chỉ dám mua cho mình một cái nón mới. Suốt những năm tháng khốn khó, mẹ nào mấy khi được “lành lặn” đủ đầy áo quần, nón mũ. Đói no, mẹ giữ lại cho riêng mình, sợ người trong gia đình buồn phiền, lo lắng… Rồi vụt cái đã vài chục năm, mẹ theo cha về miền mây trắng, anh em tôi chới với, lòng tan hoang như vừa qua một cơn bão. Để đôi khi, vội vã giữa ngược xuôi dòng đời, vô tình bắt gặp một cái nón mê, lại nôn nao nhớ mẹ./.
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/202011/chiec-non-cua-me-2540777/