Chiếc quần hai màu

Cha và con.

Cha và con.

Xếp hàng ở sân trường trước lúc tuần tự bước vào lớp học là thông lệ mà học trò xưa nay luôn tuân thủ. Nữ đứng trước nam đứng sau, người cao lớn thường lui về phía cuối, nhường chỗ cho những bạn thấp bé hơn mình, hầu như ai cũng quen với quy ước bất thành văn này. Chỉ riêng tôi là đứa thường phá lệ! Trống vào lớp vang lên thì thế nào tôi cũng nhanh chân chọn cho mình một chỗ đứng ở cuối hàng. Đám bạn cao to cùng lớp thuở ấy vẫn ngạc nhiên về điều này khi nhìn vào vóc dáng khiêm tốn của tôi. Chen chúc bên tấm thân to lớn và chiều cao vượt trội của chúng, tôi phải nhón chân nhướng mắt mỗi khi muốn xem một chuyện lạ diễn ra phía trước hoặc ngắm nhìn một tà áo đẹp đâu đó vừa duyên dáng lướt qua.

Đám bạn mà hỏi thì chắc chắn tôi chẳng thể trả lời. Dại gì nói cho người khác biết cái lý do chẳng hề thoải mái khi tôi chọn cách lui về phía cuối hàng. Chẳng lẽ tôi phải để chúng biết mình chọn nơi này chẳng qua vì sợ các bạn phát hiện chiếc quần polyester hai màu vải mà mình đang mặc trên người lúc ấy! Đúng vậy, tôi sợ biết bao mấy đứa bạn cùng lớp - nhất là mấy đứa con gái - nhận ra hai màu khác nhau trên thân trước và thân sau của chiếc quần mà tôi đang mặc. Trong nắng sớm của mùa xuân sắp về hay giữa ánh chiều chói chang của mùa hè đang tới, nếu tôi mà hồn nhiên đứng phơi ra trước mấy chục đôi mắt tinh ranh thì cái màu lệch pha ấy thế nào cũng hiện rõ mồn một trong mắt chúng. Lúc ấy, đang buổi chào cờ trang nghiêm đầu tuần, tôi sẽ ngượng biết bao vì chẳng biết giấu vào đâu!

Tôi thật khó chịu với cái quần nam sinh kia dù hiểu rằng nó chẳng tội tình gì. Ngồi một mình dán mắt vào từng thớ vải của hai thân quần không trùng màu, tôi nghĩ đủ cách để mình khỏi phải mặc nó đến trường. Khổ nỗi, những chiếc quần còn lại cũng đâu khá hơn, cũng dễ bị nhận ra hai màu khác biệt cắt ra từ không cùng một cây vải. Dưới ánh nắng, các thớ vải phản quang ánh lên rõ rệt hai màu xanh đậm và nhạt, như thể oang oang thú nhận chúng là sản phẩm của hai thân vải khác nhau được chắp vá cho một chiếc quần!

Nỗi buồn kéo tôi về cái địa chỉ đáng “chê trách”: người may cho tôi chiếc quần đáng để phiền muộn này.

Oái oăm thay, người đó chính là cha tôi. Tất cả phiền muộn kia đến từ một nguyên do mà nói ra thì không ít người sẽ ngạc nhiên: tôi con nhà thợ may! Vì là con nhà may nên phải mặc áo quần bằng vải thừa tận dụng, quần hai màu khác biệt và áo thì được may bằng hai loại vải không cùng một thân cây.

Không bỏ phí các phần vải dư ra sau lúc cắt một thân quần hay khi may một chiếc áo, người thợ may nào mà chẳng tâm nguyện điều này. Các phần vải ấy còn tinh tươm, chỉ có điều chúng không cùng một loại, không trùng một màu do đến từ các khách hàng khác nhau. Giáp Tết hoặc vào dịp đầu năm học, vào giờ rảnh rỗi giữa khuya sâu (tiệm may nhà tôi thuở ấy bận rộn suốt tháng Chạp) cha tôi tranh thủ chọn từ trong mớ vải thừa kia những thân vải cùng loại có màu sắc ly lai nhau để cắt may quần áo mới cho anh em tôi. Những thân vải không đến từ cùng một thân cây vải nên hiếm khi bộ quần áo mới của anh em chúng tôi đồng bộ, đồng màu. Nếu chiếc quần may mắn không lệch pha thì thế nào tấm áo cũng có vạt khác màu, dòm kỹ sẽ nhận ra ngay. Riết rồi thành quen, anh em tôi vẫn háo hức mặc vào để hăm hở hòa cùng đám bạn vui đùa vào sáng mồng Một hay hồn nhiên đến trường vào dịp khai giảng năm học mới. Cái vô tư của tuổi nhỏ khiến chẳng đứa nào biết chê bai hoặc so đo, phân bì với áo quần đủ màu đủ sắc của đám bạn cùng xóm. Tôi mặc các bộ áo quần ấy đến trường với niềm vui chúng được tự tay cha mình đo, cắt, tự tay cha may rồi làm khuy đơm nút.

Khổ một điều, cái hồn nhiên ấy mất dần vào tuổi dậy thì, nhất là khi lớp học cuối cấp bỗng xuất hiện thêm mấy đứa con gái đến từ trường nữ bên cạnh với quần là áo lượt tinh tươm. Đứng bên cạnh những bộ quần xanh áo trắng con trai may bằng các loại vải đẹp, những tà áo dài nữ sinh sáng trưng màu lụa quý, chiếc quần hai màu của tôi trông lạc lõng và tội nghiệp làm sao. Tôi cố trấn an mình bằng chuyện miệt mài học tập nhưng nỗi mặc cảm áo quần cứ mải chọc phá mình, lắm lúc khiến mình rụt rè ngần ngại đủ điều. Trong khung trời nhỏ bé và cạn cợt của tuổi mới lớn, tôi sợ một mình dưới ánh nắng vì nghĩ như thế sẽ dễ phơi bày hai màu xanh đậm nhạt kia trên hai thân quần. Tôi lo cái chắp vá thô mộc của mình bày ra giữa ánh mắt hiếu kỳ của đám bạn phần lớn thuộc gia đình giàu có khá giả nên lặng lẽ lui về phía sau, nơi cuối hàng...

Một trang nhỏ trong cuốn sổ may của cha tôi còn ghi rõ đôi dòng về số đo của con trai ông dịp Tết năm nào. Lâu lắm rồi từ ngày cha về với ông bà tổ tiên, các con số đã nhòe mực trên màu giấy úa vàng. Tuồng chữ mạnh mẽ chở tôi về sáng xuân nào đó năm xưa ở tuổi mới lớn, lòng khấp khởi mừng vì biết mình sắp có quần áo mới để đi khoe Tết. Chẳng biết bấy giờ thằng bé tôi có lo lắng hoang mang nghĩ về những chiếc áo tận dụng vải thừa hay chiếc quần hai màu đậm nhạt. Người thợ may hiền của phố nhỏ ngày ấy dường vô tư không hay biết con trai mình đã vào tuổi bắt đầu mơ mộng. Cậu ấy thầm mong chiếc áo Tết dành đi dạo phố năm này được tay cha cắt ra từ nguyên cây vải mới chứ không góp nhặt chắt chiu từ mớ vải thừa. Cậu chẳng biết rằng với ông, thật phi lý và lãng phí khi thò chiếc kéo vào những thước vải còn mới nguyên trong lúc chất lượng các xấp vải thừa kia chẳng hề thua kém. Những đứa cháu cơ cực neo đơn ở quê thỉnh thoảng vẫn nhận từ người thợ may của phố nghèo này các bộ áo quần được cắt may từ mớ vải thừa mà ông dành dụm suốt năm.

Phải rồi cha ơi, cứ cắt cho con những thân vải ấy, cứ may cho con chiếc áo Tết như năm nào. Con sẽ mặc chúng hồn nhiên như thuở lên mười, không hề so bì hay e thẹn. Và, giá mà được trở lại sân trường của hơn nửa thế kỷ trước và cùng xếp hàng trang nghiêm trước giờ vào lớp cùng đám bạn năm xưa, với chiếc quần hai màu đậm nhạt, con sẽ ung dung bước thẳng về phía trước, điềm nhiên chọn một chỗ ngay hàng đầu. Chẳng có gì lạ để phải ngạc nhiên đâu các bạn ơi, cha tôi là thợ may mà!

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/159_238898_chiec-quan-hai-mau.aspx