Chiếc quần yoga gây tranh cãi ở Trung Quốc

Môn ném đĩa trở nên phổ biến ở Trung Quốc nhưng chủ yếu liên quan tới việc mặc quần yoga ở sân tập, sống ảo trên mạng hoặc hoạt động bán hàng online của các hot girl, blogger.

“Socialite” là từ dùng để chỉ những phụ nữ duyên dáng, quý phái ở Trung Quốc. Giờ đây, cụm từ này gắn liền với “frisbee socialite” - cách gọi mới dành cho những cô gái ném đĩa trong trang phục yoga bó sát, theo Jing Daily.

Điểm chung giữa họ là đều có ngoại hình nổi bật, giàu có và lối sống thường ngày gắn với sự sang chảnh, đồ hiệu.

Tuy nhiên, những hoạt động trên không phải do họ thích thể thao hay muốn hướng tới việc luyện tập mà chỉ là một cách check-in trên mạng. Nhiều người bán hàng online cũng dùng cách này để bán được nhiều hàng hơn.

Chiếc quần yoga trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Nhiều blogger vốn có phong cách ăn mặc và lối sống không liên quan gì tới thể thao cũng dần chuyển mình để gia nhập nhóm hot girl này. Một số người còn lồng ghép nội dung hướng dẫn trang điểm, tạo dáng để có bức ảnh hợp với các sân ném đĩa.

 Sự phổ biến của bộ môn ném đĩa mở đường cho trào lưu khoe thân mới. Ảnh: Xiaohongshu.

Sự phổ biến của bộ môn ném đĩa mở đường cho trào lưu khoe thân mới. Ảnh: Xiaohongshu.

Thuật ngữ mới nổi này nhanh chóng tạo ra các cuộc tranh luận từ dân mạng. Nhiều bình luận chỉ ra các cô gái đang tạo dáng phản cảm thay vì thực sự chơi thể thao.

Đi ngược với những chỉ trích, không ít người cho rằng việc mặc quần yoga là hoàn toàn phù hợp. Số khác khẳng định phụ nữ nên được mặc những gì họ muốn.

Sự việc đã khắc họa những quan điểm khác biệt của giới trẻ Trung Quốc về chủ nghĩa cá nhân và cách thể hiện bản thân.

Cuộc tranh cãi càng làm tăng sức nóng của môn ném đĩa. Theo khảo sát của Xiaohongshu, hoạt động này đã vượt qua bóng đá và trở thành bộ môn giới trẻ Trung Quốc yêu thích nhất khi có hàng triệu người tham gia. Những nội dung được tìm kiếm liên quan đến ném đĩa vào tháng 8/2022 đã tăng gấp 6 lần so với thời điểm này của năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp cũng tận dụng thời cơ này để quáng cáo sân tập.

"Bộ môn ném đĩa đã giúp chúng tôi rất nhiều. Có khách hàng đặt sân chơi ném đĩa và tập luyện mỗi ngày, điều hiếm thấy trước đại dịch", ông Li Nan, Giám đốc Câu lạc bộ Thể thao The Primitive, cho biết.

Cơn sốt cũng lan sang các thương hiệu thời trang. Nhờ những tranh cãi xung quanh quần yoga, nhiều thương hiệu bắt đầu quảng cáo quần tập và tài trợ cho các cuộc thi ném đĩa.

Trước đây, Trung Quốc từng dẹp bỏ nhiều trào lưu check-in. Đình đám nhất là trào lưu sống ảo nơi cửa chùa của các hot girl, blogger, hay còn gọi là Phật Viên, theo SCMP.

Mẫu số chung ở các bức ảnh là chủ nhân của nó ăn mặc sang chảnh, hở hang, xách túi đắt tiền và check-in các địa điểm tôn giáo hoặc đi kèm với những hoạt động khác thiền định, uống trà hoặc viết thư pháp.

Sau khi thu hút đủ sự chú ý trên mạng, những cô nàng này chuyển sang bán quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm qua trang cá nhân.

Nổi lên một thời gian, phong trào này bị nhiều người dùng mạng chỉ trích là lố bịch, lợi dụng chùa chiền để thu hút sự chú ý và kiếm tiền.

Hà Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-quan-yoga-gay-tranh-cai-o-trung-quoc-post1347130.html