Chiếc sừng tê giác và bí mật hàng trăm năm

Chiếc sừng tê giác được chia thành hai mảnh, giao cho hai người uy tín nhất của dòng tộc. Hai người đó sẽ buộc phải đem hết con em gia thuộc của mình đầu quân vào hai phe đối lập, tận lực phục vụ, hướng mũi tên hòn đạn vào nhau, với một lời thề bằng máu.

Chiếc sừng tê gia bảo

"Ông Hà Công Mậu có một chiếc sừng tê giác" - nhiều người ở thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) biết điều này. Nhưng nó to bé nặng nhẹ thế nào thì hiếm người được biết, vì ông luôn cất giấu rất cẩn mật, giữ như giữ con ngươi mắt của mình.

Mặc dù được người bạn già chí cốt của ông là Hà Văn Nênh gọi điện giới thiệu, ông Mậu vẫn lắc đầu quầy quậy. Chỉ đến khi ông Nênh mời đến nhà, một lần nữa giới thiệu thật kỹ lưỡng về người khách, khuôn mặt lạnh lùng của ông Mậu mới từ từ giãn ra: "Mời ông và anh sang nhà tôi chơi".

Mảnh sừng tê giác của gia tộc Hà Công.

Mảnh sừng tê giác của gia tộc Hà Công.

Ông Mậu vừa chậm rãi pha ấm trà "tán ma" độc đáo của người Thái vừa đưa mắt nhìn khách từ đầu đến chân, ngập ngừng: "Chỉ được xem thôi nhé, không mua bán xin cho gì đâu. Nhiều người bị tai biến cứ mách nhau đến xin mài sừng tê giác, tôi rất khó xử".

Hết hai tuần trà, ông Mậu đứng dậy đi vào nhà trong. Một lúc sau ông vẫy hai chúng tôi vào theo. Trịnh trọng lấy ra một chiếc túi vải màu đỏ, có dây rút ở miệng, ông từ từ trút ra một mẩu sừng bằng nửa quả trứng gà luộc có màu khá đẹp. "Mảnh sừng tê giác đây. Không biết lúc nguyên vẹn thì nó to nặng như thế nào, giờ chỉ còn nhỏ vậy thôi. Chắc trước đây các cụ cũng mài đi ít nhiều. Theo lời các cụ truyền lại, đến nay nó cũng đã được gần 500 năm tuổi rồi", ông Mậu khẳng định.

Quả thực nó chỉ là một mảnh sừng tê giác nhỏ, đã bị mài mòn khá nhiều, có chỗ lại bóng lên những dấu mồ hôi tay. Nhìn kỹ, mảnh sừng được cắt ra theo chiều dọc, từ khúc sừng lớn hơn, không rõ là từ một nhát chém dứt khoát hay đường cưa tỉ mỉ. Sau hồi lâu ngắm nghía ghi hình, chúng tôi gửi trả lại cho ông Hà Công Mậu rồi lên nhà trên uống nước. Ông Mậu đợi lưng áo chúng tôi khuất sau bậu cửa mới cẩn trọng gói ghém mảnh sừng tê lại, đem vào nhà trong cất đi.

Cuộc chia ly và lời thề máu

Trước khi nghỉ hưu, ông Hà Công Mậu từng công tác ở huyện Bá Thước, có thời gian làm thư ký cho cố Chủ tịch tỉnh Hà Văn Ban. Hiện nay ông đang tham gia giảng dạy chữ Thái cho ngành giáo dục Thanh Hóa. Gia tộc của ông xưa kia vốn là danh gia vọng tộc, có nhiều người được phong tước Quận công, làm Tạo mường cai quản đất Mường Khoòng (xã Cổ Lũng và Lũng Cao, huyện Bá Thước ngày nay).

Ông Hà Công Mậu bên mẩu sừng tê giác gia bảo.

Ông Hà Công Mậu bên mẩu sừng tê giác gia bảo.

Trước đó, cách đây khoảng 14, 15 đời trước, gia tộc ông từ Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ) di cư vào Thanh Hóa. Lệ thường, người trong gia tộc không kết thông gia, trai gái cùng họ không lấy nhau. Nhưng khoảng 7 - 8 đời trước, trong nhà có một người con gái cực kỳ xinh đẹp, nết na, khắp các mường xa gần đều biết tiếng. Tạo mường muốn cưới người con gái ấy cho con trai mình, bèn bàn chuyện với bố mẹ cô gái. Hai nhà thống nhất rằng gia đình cô gái sẽ rời khỏi Mường Khoòng, đổi thành họ Hà Văn và làm Tạo ở bản mới, gọi là bản Lạc. Sau nhiều thăng trầm, các cụ lại rời bản Lạc vượt sông Mã định cư ở xã Lâm Xa. Đến đời ông Mậu thì các cụ khuyên nên đổi lại họ cũ là Hà Công để giữ gìn hương hỏa.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, người thân li tán, gia sản cũng thất thoát nhiều, nhưng chiếc sừng tê giác thì các cụ luôn coi là bảo bối, trân trọng như máu thịt. Trước khi chết, người già đều giao trọng trách giữ mảnh sừng tê cho tộc trưởng mới, cùng đó lại trăng trối thêm một điều bí mật.

"Vì sao gia tộc họ Hà lại phải rời bỏ quê quán ở Việt Trì để di cư đến vùng đất khác? Chắc không phải vì chuyện cơm áo tầm thường, mà vì một lý do khủng khiếp liên quan đến họa sát thân diệt tộc. Chiếc sừng tê giác chính là chìa khóa để giải mã bí mật đó" - ông Mậu nhấp một chén trà đã nhạt - "Phải nói ngay, bí mật này không liên quan đến kho tàng hay bản đồ gì đâu. Nó là một câu chuyện đầy máu và nước mắt, mỗi khi nghĩ đến tôi chỉ biết thở dài".

Mảnh đất xưa kia của dòng họ Hà vốn nằm giữa chiến tuyến của hai thế lực hùng mạnh. Người họ Hà đông, tài giỏi, nên chịu sự lôi kéo quyết liệt của cả hai phe.

"Ai thắng ai thua thì nhà tôi cũng cháy, đất tôi cũng mất, dân tôi cũng chết. Theo bên này chống lại bên kia, thắng thì đỡ hơn nhưng thua thì sẽ bị tuyệt diệt. Rồi thì gió trở cờ, thời thế thay đổi, bên thua lại phất cờ nổi trống..." - người họ Hà nghĩ.

Gia tộc bèn bí mật tổ chức một cuộc họp bàn chuyện sống còn, triệu tập tất cả những người thân thuộc có vai vế đang sinh sống trên những miền đất khác. Họ nhận ra rằng, để sống sót, chỉ có một cách: "Bên nào thắng thì nhà mình vẫn phải còn người sống. Để được như vậy, gia tộc phải có người ở cả hai bên chiến tuyến".

Các cụ bèn đem đến một chiếc sừng tê giác, chia làm hai mảnh, giao cho hai người uy tín nhất của dòng tộc, mỗi người nhận một nửa. Họ phải giữ những mảnh sừng tê giác bằng chính sinh mạng của mình. Hai người đó sẽ buộc phải đem hết con em gia thuộc của mình đầu quân vào hai phe đối lập, tận lực phục vụ, hướng mũi tên hòn đạn vào nhau, với một lời thề bằng máu: "Sau cuộc chiến, bất cứ ai còn sống sót phải đi tìm người bên phe đối lập. Người chết rồi thì thôi. Người sống phải có trách nhiệm cưu mang bao bọc toàn bộ gia quyến người chết.

"Tín vật để người ta nhận ra nhau là chiếc sừng tê giác chẻ đôi. Gặp nhau, chỉ cần đem hai mảnh sừng giáp vào vừa khớp thì đó là máu thịt của nhà mình đó..." - ông Hà Công Mậu nghẹn ngào, hai mắt đỏ hoe.

Thứ giải mã bí ẩn từ chiếc sừng tê

Giữa hai bờ sông Đà, sông Mã là vùng đất mà gia tộc họ Hà hay rất nhiều dòng tộc Kinh, Mường, Thái khác đời đời cư ngụ, từng trải qua hàng trăm lần binh lửa điêu tàn. Nhiều trận quyết chiến thay đổi triều đại cũng từng xảy ra tại đây. Còn nguyên dấu giày của hầu hết các thủ lĩnh tập đoàn quân phiệt, tộc người từng hùng cứ, khuynh đảo nước Nam: Có người Hoa,người Lào, người Pháp..., có họ Lê, họ Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Hà, họ Cầm...

Tạm coi ký ức của người họ Hà rằng câu chuyện xảy ra khoảng gần 500 năm là chuẩn xác, chúng ta xác định thời điểm đó là vào thế kỷ 16, có nội chiến của hai tập đoàn phong kiến Lê - Mạc. Năm 1527, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi.

Còn nhiều bí mật chưa giải đáp bên trong chiếc sừng tê giác 500 năm tuổi.

Còn nhiều bí mật chưa giải đáp bên trong chiếc sừng tê giác 500 năm tuổi.

Vua tôi nhà Lê dạt về vùng đất thượng du sông Mã mở cuộc trung hưng. Các bề tôi như Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đã đưa vua Lê Trang Tông lên ngai vàng, với sự trợ giúp đắc lực của người dân thượng du như Mường Khoòng, Mường Xang, Mường Hạ, Mường Thàng... Ông Tạo của Mường Khoòng là Khun Ha (còn gọi là Hà Nhân Chính hay Hà Nhâm Chính...) được phong chức Tư đồ, tước Thụy Sơn hầu, sau thăng làm Thụy Quận công.

Còn trai ông là Hà Thọ Lộc (tức Khun Ý Lân) được phong chức Tư mã, tước Lân Quận công. Sau này, Hà Thọ Lộc là danh tướng lừng lẫy có công lớn trong việc phù Lê diệt Mạc được phong Thiếu úy, khi mất được truy phong lên Thái úy. Họ Hà sau đó còn có nhiều người là trọng thần trong triều Lê - Trịnh. Đó là những vị tổ tông của ông Hà Công Mậu.

Bên kia chiến tuyến, sử sách còn chép về một quan Thượng thư Bộ Lễ dưới triều Mạc Mậu Hợp, nổi tiếng văn hay chữ tốt, có nhiều thơ phú câu đối còn lưu truyền, tên là Hà Nhâm Đại, sinh năm 1525 ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Tuất (1574) đời Mạc Mậu Hợp. Ông Hà Nhâm Đại nối tiếng với "Khiếu văn thi tập", được Lê Quý Đôn gọi là "thi sử".

Kết nối lại các dữ liệu, chúng ta thấy, dòng họ Hà Công xuất phát cũng ở khu vực sinh quán của ông Hà Nhâm Đại. Đặt giả thiết, nếu có sự kiện chiếc sừng tê giác, nó phải xảy ra vào đầu thời Mạc Đăng Dung.

Trọng trách giữ hai mảnh sừng tê giác được giao cho ông Hà Nhâm Chính và một ai đó thuộc thế hệ cha ông của Hà Nhâm Đại. Bởi, xét về tuổi tác, ông Hà Nhâm Đại (1525) chỉ tầm tuổi với ông Hà Thọ Lộc, là con trai của ông Hà Nhâm Chính. Tất nhiên, đó chỉ là giả thuyết, còn rất nhiều điều phải chứng minh.

"Thời gian đã quá lâu, gần 500 năm, gia tộc chúng tôi vẫn chưa ráp nối nguyên vẹn được chiếc sừng tê giác như tâm nguyện của tổ tiên. Tôi vẫn luôn mong tìm được mảnh sừng tê còn lại. Vật đổi sao dời, không biết phần máu thịt của gia tộc tôi có còn lưu lạc đâu đó trong nhân gian?" - ông Hà Công Mậu bộc bạch nỗi niềm.

Theo Lê Quân/Công an nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chiec-sung-te-giac-va-bi-mat-hang-tram-nam/20200716090125286