Chiếc trực thăng 'siêu cấp đại bạch sa' kỳ dị của quân đội Trung Quốc

Trông nó giống một vật thể bay không xác định (UFO), thu hút sự chú ý của nhiều nhà 'giả thuyết học' tại Triển lãm trực thăng Trung Quốc vừa diễn ra tại Thiên Tân.

"Siêu cấp đại bạch sa" trên mặt đất

"Siêu cấp đại bạch sa" trên mặt đất

Tạp chí The Drive mô tả chiếc phi cơ có tên “Super Great White Shark” (dịch từ tiếng Trung là “Siêu cấp đại bạch sa”, hay “Cá mập trắng siêu cấp”), có hình tròn, có vẻ bố trí buồng lái ở giữa, cánh quạt quay xung quanh phi công. Nguyên mẫu “Siêu cấp đại bạch sa” không có kính chắn buồng lái, nhưng người ta có thể dễ dàng đoán được chúng sẽ được bố trí ở vị trí nào.

Theo bản mô tả được đặt bên cạnh chiếc máy bay kỳ dị tại triển lãm, “trực thăng vũ trang tốc độ cao ‘Siêu cấp đại bạch sa’ là thiết kế cánh-thân kết hợp, sử dụng vật liệu composite, một cấu hình cho chiến trường thông tin kỹ thuật số trong tương lai”.

“Vẫn còn trong giai đoạn đầu thiết kế, trực thăng này có tham khảo các công nghệ và thiết kế xuất sắc của thế giới như trực thăng AH-64 Apache, CH-53 Sea Stallion (của Mỹ) và Ka-52, Mi-26 của Nga. Trong khi tiếp thu các điểm mạnh của chúng, trực thăng của chúng tôi có kết cấu kết hợp thân, cánh quạt tích hợp”, bản mô tả viết.

Nhưng đọc qua bản mô tả này, có thể thấy vẫn chưa rõ vì sao máy bay hình tròn lại có tên “Siêu cấp đại bạch sa” hay “Cá mập trắng siêu cấp”. Trực thăng Ka-52 mang biệt danh “cá sấu”, trực thăng AH-64 mang tên một bộ lạc da đỏ, trong khi biệt danh của trực thăng Mi-26 là “Halo” tức Hào quang.

Theo bản mô tả thiết kế, chiếc trực thăng có vẻ có tổ bay 2 người ngồi cạnh nhau, được trang bị ít nhất hai loại tên lửa.

Tuy vậy, Trung Quốc không phải nước đầu tiên làm máy bay kiểu đĩa bay. Đã có những tin đồn từ lâu rằng Đức quốc xã đã từng thử nghiệm các thiết kế máy bay kiểu này. Trong những năm 1950, hãng Avro Canada đã làm việc với quân đội Mỹ trong dự án 1794, cố gắng cho ra đời thứ giống như chiếc máy bay mới được đem ra trưng bày ở Trung Quốc. Chỉ có điều, máy bay này chỉ có một chỗ ngồi.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã nhiều lần cố gắng chế tạo một máy bay trực thăng dạng đĩa. Tuy nhiên, theo các kinh nghiệm mà Mỹ rút ra, các thiết kế máy bay có hình dạng chiếc đĩa tỏ ra không ổn định khi thực hiện các chuyến bay ở độ cao hơn 1m so với mặt đất hoặc bay nhanh hơn 50km/h và cuối cùng ý tưởng này đã bị xếp xó.

Chưa rõ với thiết kế mới này, Trung Quốc đã khắc phục được những vấn đề mà phía Mỹ đã gặp phải hay không. Còn quá sớm để có câu trả lời.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/chiec-truc-thang-sieu-cap-dai-bach-sa-ky-di-cua-quan-doi-trung-quoc-1478378.tpo