Chiếc váy 160 nghìn đồng và nhân phẩm một con người
Chuyện nữ sinh 16 tuổi ở Thanh Hóa chỉ vì trót lấy chiếc váy (trị giá 160.000 đồng) bị làm nhục tại một shop quần áo đang gây phẫn nộ dư luận trong những ngày qua.
Vụ việc xảy ra tại shop quần áo tại số 93 đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa vào ngày 3/12 vừa qua. Khi phát hiện em V.T.T.M (trú tại phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn) cùng với bạn lấy trộm một chiếc chân váy, vợ chồng chủ shop quần áo đã hành hung rồi bắt em cùng người bạn mỗi người phải nộp phạt 15 triệu đồng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ em M. năn nỉ đền bù cho chủ shop 10 triệu đồng và hẹn 2 tuần sau sẽ trả. Chủ shop thời trang không đồng ý và bắt em M. viết giấy nợ, hẹn 5 ngày phải trả. Tuy nhiên, sau đó chủ shop thời trang này đã tung clip hành hung và làm nhục em M. lên mạng xã hội.
Không đồng tình với hành động của em M. và người bạn của em, nhưng với hành vi ăn trộm của một đứa trẻ trong độ tuổi còn nông nổi, mà người lớn lại có hình phạt nhẫn tâm, thì không chỉ là một hành xử thiếu văn hóa, mà là việc làm vi phạm pháp luật.
Với sự việc xảy ra ở shop quần áo tại Thanh Hóa, có lẽ khi phát hiện ra hành vi ăn trộm của M., những người có trách nhiệm ở đây chỉ nghĩ đến một hình phạt làm sao cho thật "đích đáng", làm sao cho thật "hả giận", mà quên rằng đó chỉ là một học sinh đang ở độ tuổi nông nổi. Không lẽ thiếu cách giúp trẻ sửa chữa sai lầm do nhận thức non kém, nông cạn của mình gây ra để trưởng thành, học tập và sống tốt hơn?
Trong vụ việc nói trên, chủ shop quần áo đã có những hành vi mang tính nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ sinh 16 tuổi. Việc chụp ảnh em M. bị hành hung để tung lên mạng xã hội, phát tán cho nhiều người cùng xem, đã làm cho mức độ xâm phạm danh dự, nhân phẩm của nữ sinh này trầm trọng thêm.
Vẫn biết, ăn trộm, ăn cắp không bao giờ là một hành vi tốt của con người. Nhưng ở trường hợp của em M., cũng dễ thông cảm, một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình quá nghèo, lại đông chị em, đang trong thời kỳ hoàn thiện về mặt nhân cách, khi tiếp xúc với thế giới xung quanh, đã không thể cưỡng lại được cám dỗ. Thế nên hãy vị tha và đối xử nhân văn với lỗi lầm của M.
Phân tích sự việc một cách cặn kẽ thì có thể khẳng định, tội của em M. quá nhỏ so với hình phạt của người chủ shop quần áo. Thay vì cảm hóa, vợ chồng chủ shop đã chọn cách dễ nhất là trừng phạt em, mà không nghĩ rằng hành động của họ sẽ ám ảnh em suốt đời. Việc dùng nhục hình, có thể làm đứa trẻ sợ hãi tức thì, nhưng về lâu dài sẽ tạo vết hằn sâu trong tâm thức của chúng và những vết thương sẽ không bao giờ lành trong tâm hồn nó.
Rõ ràng vụ việc xảy ra ở shop quần áo ở Thanh Hóa, hậu quả đã đi quá xa, cái ác và sự vô cảm đã vượt tầm kiểm soát. Cuộc đời của em M. có thể đã bị nhuộm đen sau sự cố này. Theo mẹ nữ sinh bị làm nhục, mấy ngày nay, em M. suốt ngày đóng chặt cửa phòng, không muốn tiếp xúc với ai. Điều này cho thấy em đã phải gánh chịu một cú sốc lớn và những thiệt hại về tinh thần là có thật.
Rất may, ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đã kịp thời vào cuộc. Ngày 4/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời khởi tố bị can đối với chủ shop quần áo là Cao Thị Mai Hường (SN 1992) và Trịnh Đình Anh (SN 1990, chồng của Hường) về tội cưỡng đoạt tài sản và làm nhục người khác.
Ý kiến của một luật sư cho Theo Khoản 3 Điều 307 Bộ luật dân sự, người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ, thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Mỗi khi có vụ việc làm "nóng" dư luận, rất nhiều giải pháp phòng chống nạn bạo hành trẻ em lại được đưa ra và triển khai rầm rộ. Trách nhiệm của gia đình, của cơ sở giáo dục, của lãnh đạo địa phương cũng được chỉ rõ. Trên thực tế, khi một vụ bạo hành trẻ em được phát hiện, dư luận xã hội lên án, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý cũng rất khẩn trương và trách nhiệm. Nhưng với các giải pháp phòng ngừa, điều quan trọng nhất thì dường như chỉ một thời gian lại lắng xuống cho đến khi có vụ việc khác xảy ra thì nó lại được xới lên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Xu hướng các vụ bạo hành trẻ em tăng lên thời gian gần đây là do thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như thiếu kỹ năng làm việc với trẻ. Luật Trẻ em mới đã có hiệu lực từ 1/6/2017 với nhiều quy định cụ thể về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Quy định thì không thiếu, thậm chí là rất nghiêm khắc với hành vi xâm hại trẻ em. Nhưng để các vụ bạo hành trẻ em không còn xảy ra thì các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa cần thường xuyên liên tục; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, cơ quan, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân. Thực thi pháp luật về trẻ em không thể nào theo mùa vụ hay các đợt phát động.
Hậu quả của những vụ bạo hành, bên cạnh những đau đớn thân thể hay sinh mạng của các em nhỏ, là những vết thương tinh thần không bao giờ lành của những đứa bé bị hành hạ, hay chứng kiến cảnh hành hạ dã man. Hơn thế nữa, những vụ bạo hành trên còn gây nên những xót xa, bàng hoàng của những người còn nhân tính trong xã hội khi xâu chuỗi những vụ việc, thấy phần "con" đầy bản năng trong những người lớn độc ác, đã không được kiểm soát. Vì những lý do nào đó, không loại trừ sự dồn nén của ấm ức, hận thù cá nhân, người ta hành xử bất tuân đạo lý và pháp luật.
Hơn lúc nào hết, bên cạnh những hình phạt đích đáng giành cho những kẻ bạo hành trẻ em trong những vụ việc như thế này, mỗi cơ quan chức năng cần phải có những hành động tích cực, hiệu quả và kịp thời hơn nữa, để bảo vệ các em nhỏ và ngăn ngừa các hành vi tương tự. Các cơ quan lập pháp cần kịp thời đưa ra những quy định pháp luật mạnh mẽ, cụ thể, hiệu quả hơn để bảo vệ các em, thông qua những cơ chế giám sát chặt chẽ thường xuyên, từ ngay những người dân, những tổ chức xã hội ở các địa phương, nơi có trẻ nhỏ sinh sống và học tập, để ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại trẻ em.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự cần thiết phải khẩn trương hoàn thiện các quy định, chính sách nhằm bảo vệ trẻ, rất cần có những chương trình tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn phù hợp, để nâng cao nhận thức của xã hội, về những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho trẻ, những phương pháp giáo dục trẻ phù hợp. Đặc biệt, là những biện pháp kiểm soát những phản ứng tiêu cực của mỗi người, tránh tình trạng vì bức xúc mà gây ra những hành vi vượt tầm kiểm soát. Ở phạm vi rộng hơn, cần có những chương trình giáo dục, tư vấn, hướng dẫn hợp lý, để mỗi thành viên trong xã hội biết chùn tay trước hành động tàn nhẫn, thiếu nhân văn với trẻ.