Chiếc xe thồ chở những ước mơ con

Ngoài hàng hóa bố chất đầy xe bố còn chở thêm cả niềm tin vào một tương lai mà ở đó có màu cổ tích của sự đủ đầy, của một cuộc sống 'cho các con bằng bạn bằng bè, không chúng nó tủi',…

Bố kính yêu!

Bất chợt hôm nay trên đường đời đông đúc, bước chân con trở nên vội vã hơn bởi cái nắng gay gắt của tiết trời đầu hè nơi rẻo cao Tây Bắc – Mảnh đất xinh đẹp ấy đã ươm mầm cho một tình yêu đơn sơ, mộc mạc nhưng lại đơm hoa kết trái thành một gia đình hạnh phúc. Vô tình, con bắt gặp hình ảnh người bố đầu trần cõng con gái đi học về. Gương mặt người bố ấy bừng đỏ, mồ hôi chảy dài hai thái dương, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ.

Hình ảnh ấy đã khiến lòng con trùng xuống. Con như thấy lại chính mình của hơn 30 năm về trước. Cái ngày xa lắc ấy con cũng được bố cõng, đưa đón con đi học. Bố của con ngày ấy cũng nhỏ thó, làn da đen sạm vì sương gió bởi cuộc sống mưu sinh. Bởi mong muốn cùng mẹ cố gắng lo cho đàn con thơ 3 đứa ít nhất là đủ cái ăn, cái mặc. Bất giác dòng kí ức của miền nhớ xa xăm ấy như một cuốn phim quay chậm đang tái hiện dần trong tâm tưởng con…

Ảnh gia đình năm 1985

Ảnh gia đình năm 1985

Mẹ từng kể con chào đời vào một ngày mưa rừng tầm tã, đêm mẹ sinh con chỉ có bác hàng xóm đưa mẹ đi viện. Bố đang bị trận sốt rét hành hạ không thể cùng mẹ đón con chào đời. Ấy vậy mà, chẳng biết có một sức mạnh vô hình nào mà tờ mờ sáng hôm sau, mẹ đã thấy bố bên chiếc xe đạp thồ hàng vào viện thăm hai mẹ con.

Lần thứ hai trong đời mẹ thấy bố khóc và cả hai lần bố khóc đều là những lần mẹ sinh con gái. Theo thời gian, mấy chị em chúng con lớn dần bằng sự bao bọc, yêu thương, tần tảo sớm hôm của hai đấng sinh thành. Để kinh tế gia đình bớt thiếu trước hụt sau, cứ cuối tuần bố lại đi làm thêm, cùng “người bạn” của mình là chiếc xe đạp thồ mang hàng tạp hóa chở vào bản như phụ tùng xe đạp, thuốc lào có khi cả bánh kẹo đổi với bà con gạo, ngô, đỗ mang ra thị trấn bán kiếm lời.

Bố hay cười trấn an mẹ sau mỗi chuyến hàng về muộn: “Tôi cố được, mẹ mày không phải lo thêm được nhiều chuyến các con sẽ có cơm trắng để ăn không phải độn ngô sắn, mẹ mày cố gắng mang hàng tôi đổi được ra chợ bán. Bán càng nhiều mình còn mua được cả quần áo mới cho các con…” Mẹ cười đấy nhưng đôi mắt cụp xuống vì xót bố.

Mùa đông, cái rét cái buốt của những đợt không khí lạnh tăng cường khiến mấy chị em chúng con nằm trong chăn ấm vẫn không dám thò mặt ra bởi gió lùa bất cứ ngõ ngách ô thoáng nào của ngôi nhà. Vậy mà, tờ mờ sáng bố đã rong ruổi trên chiếc xe đạp thồ hàng đi bán. Ngày ấy con nghĩ ngoài hàng hóa bố chất đầy xe bố còn chở thêm cả niềm tin vào một tương lai mà ở đó có màu cổ tích của sự đủ đầy, của một cuộc sống “cho các con bằng bạn bằng bè, không chúng nó tủi”,…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm tháng trôi qua, mấy chị em con lớn dần và chạm ngõ cánh cửa đại học, cao đẳng. Gánh nặng kinh tế vẫn đổ dồn lên đôi vai gầy của người trụ cột trong nhà. Ấy vậy mà, ngày con nhập học cách nhà 45km bố chắc nịch: “Từ giờ bố sẽ là xe ôm, đưa đón con gái bố, vinh dự lắm đây”. Bố cười đôi mắt lấp lánh niềm hạnh phúc. Còn con cứ vô tư đón nhận tình yêu thương của bố bất kể nắng mưa gió rét. Ba năm con làm cô sinh viên sư phạm cũng là chừng ấy năm bố là “người bạn lớn” đồng hành cùng con.

“Có lớn mà chẳng có khôn. Cứ làm tội bắt bố đưa đi đón về”, câu chị mắng con vì xót bố, còn bố thì cười xòa, đôn hậu: “Bố chở cô giáo bản tương lai. Phải là hãnh diện chứ sao lại là bắt tội”. Bố là như vậy, lúc nào cũng hi sinh vì gia đình, các con vô điều kiện. Cho đến ngày con được đi làm sau hơn 1 năm ở nhà đợi việc. Cứ tưởng, người vui nhất phải là con. Nhưng không, có người còn vui hơn đó chính là bố. Bố quýnh quáng lo lắng cơ man nào là đồ đạc, dặn dò con đủ điều vì: “Giờ con đã là người lớn”.

Suốt cả quãng đường gần 100km đèo con gái tới trường nhận công tác, bố không nói câu gì. Khi ấy, con biết bố đang lo cho con vì trước mặt của hai bố con là con đường quanh co khúc khuỷu, nhiều đèo dốc, một bên là vách núi phía dưới là vực sâu thăm thẳm. Chỉ có cây rừng và đám bui của đất bột nhuộm dần bộ quần áo mưa của hai bố con. Rồi sự đơn sơ của bản làng nơi bà con dân bản sinh sống đã phác họa rõ nét bức tranh đầy khó khăn thiếu thốn về vật chất của đồng bào vùng khó khăn mà con gái bố sẽ công tác.

Chiều đến, tiễn bố ra về một mình ở lại con òa khóc. Còn bố, bố đi như chạy, bước chân vội vã ra xe, dường như bố cũng khóc, bố không muốn để con nhìn thấy giọt nước mắt thể hiện sự yếu mềm. Chắc khi ấy bố sợ nếu bố quay lại chào con thì con sẽ đòi về phải không?

Dần dà, với sự thân thiện của đồng nghiệp, sự đáng yêu của lũ trẻ con cũng dần vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cứ 2 tuần con lại tự đi xe máy về nhà với bố mẹ. Những lúc được quây quần bên mâm cơm gia đình con mới thầm hiểu hơn giá trị của tình thân ruột thịt. Những lúc như vậy, con chỉ ước mình bé lại như ngày xưa, được sà vào lòng bố, bắt bố cõng hay kiệu lên vai bất cứ khi nào con muốn, được nghe bố thủ thỉ: “Các con đều là những món quà vô giá của bố. Món quà không gì đánh đổi được trên cuộc đời này”.

Rồi bố lại như một học sinh khi chăm chú ngồi nghe con kể về trường lớp, về những cô bé cậu bé học trò đến trường bằng cả một sự cố gắng lớn bởi khoảng cách địa lí, bởi hoàn cảnh gia đình khiến các con phải tự lo cho mình tại nơi ở bán trú.

Bố lại dạy con: “Con gái bố đã nhận ra giá trị của con chưa? Giá trị của con chính là những lúc con mang lại niềm vui, hạnh phúc hay những lúc con vì người khác mà cố gắng. Hãy phát huy hơn nữa. Hãy đem tri thức con có, mang tình yêu trong tim con dành cho những đứa trẻ mà ở đó chúng gọi con là thầy”…

Ngày con cưới, bố khóc, con hiểu đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, giọt nước mắt của sự tự hào. Bởi với bố mẹ chẳng có điều gì tự hào hơn bằng chính hạnh phúc của con cái”. Ngày con thông báo mình có bầu, bố hỏi ngay: “Cuối tuần về chơi con muốn ăn món gì bố đi chợ sớm”. Thấy con nghén, chẳng ăn được gì bố sốt ruột chốc lại hỏi: “Con thèm quả gì không?”. Bố sốt sắng, gương mặt đầy lo lắng.

Ngày con đi khám thai, bác sĩ nói: “Con giống mẹ”, về nhà vờ làm vẻ mặt buồn, bố cốc yêu đầu con: “ Sao con lại có suy nghĩ phân biệt con trai con gái? Bố có dạy mấy đứa như thế không? Con nào cũng là con, con nghĩ vậy là phải tội với con con đấy…”. Con cười phá lên, Lúc đó bố mới biết là con đang giả bộ: “Cha bố nhà chị, lại còn trêu bố nữa”,...

Vậy mà, trời cho chúng con hạnh phúc chẳng tròn khi bố đột ngột rời xa mẹ và chúng con. Ngày bố cưỡi hạc se mây về vùng biên viễn con cũng không được gặp bố lần cuối, bố còn chưa kịp đón cô cháu ngoại đầu tiên khi được lên chức ông của mình. Bố đã đến một nơi xa, nhưng con biết ở nơi ấy bố vẫn dõi theo và luôn cầu chúc cho chúng con được hạnh phúc.

Mười bốn năm chúng con không còn được nghe những lời tâm tình, dặn dò của bố như ngày xưa ấy. Và mỗi khi đứng trên bục giảng gửi tới học trò những bài thơ, câu chuyện về tình phụ tử sâu nặng, trong con hình ảnh gương mặt hiền từ, đôi mắt trìu mến và giọng nói trầm ấm của bố vẫn như ở bên con ngày hôm qua. Con càng nhớ và thêm yêu bố nhiều hơn. Con thấy bố qua những dòng thơ ấy.

“Cha khổ cực, ân cần, lo toan, vất vả

Con tự dặn mình không vấp ngã đâu cha”.

Những ca từ ấy như khắc sâu trong con về hình ảnh, bóng hình của bố sẽ luôn sống mãi trong tâm trí con. Bố ơi! Giờ hai “công chúa” của ông cũng bắt đầu khôn lớn, các cháu cũng bước vào cái tuổi: “ Ăn chưa no lo chưa tới” như chúng con ngày xưa và con cũng luôn tự hào về hai con của mình như bố đã tự hào về chúng con. Cũng nhờ có chúng mà con hay tất cả những người làm con trên thế giới này mới dần thấu hiểu hơn hai từ “công cha”, “nghĩa mẹ” nó lớn lao biết chừng nào.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Phạm Thị Yến

Địa chỉ: Trường trung học cơ sở 19/05 xã Cò Nòi - huyện Mai Sơn – Tỉnh Sơn La

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem

Ban tổ chức

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/chiec-xe-tho-cho-nhung-uoc-mo-con-d190592.html