Chiếm đoạt công cụ hỗ trợ bị xử lý như thế nào?

Ngoài bị xử phạt đến 20 triệu đồng thì người chiếm đoạt công cụ hỗ trợ còn có thể đối diện với khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Mới đây, Công an huyện Nhà Bè, TP.HCM đã phát đi thông báo truy tìm Huỳnh Thanh Tùng (34 tuổi, thường trú Bình Dương) nhân viên bảo vệ tại ngân hàng BIDV, chi nhánh huyện Nhà Bè để xác minh, điều tra về hành vi chiếm đoạt công cụ hỗ trợ.

Trước đó, Tùng cũng được giao quyền sử dụng, bảo quản công cụ hỗ trợ là một khẩu súng bắn đạn cay, đạn cao su, đạn nổ và ba dùi cui điện để làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 11-2021 Tùng cùng toàn bộ công cụ hỗ trợ biến mất. Cả công ty bảo vệ và ngân hàng không liên lạc được với Tùng.

Qua sự việc này, một số bạn đọc thắc mắc hành vi chiếm đoạt công cụ hỗ trợ sẽ bị xử lý như thế nào.

Trả lời vấn đề này, Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ vào điểm b, Khoản 4, Điều 11, Nghị định 144/2021 quy định người nào chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, trong trường hợp người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt công cụ hỗ trợ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ theo Điều 306 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

c

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/chiem-doat-cong-cu-ho-tro-bi-xu-ly-nhu-the-nao-1038506.html