Chiếm dụng mặt nước đầm Đề Gi nuôi thủy sản
Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Đề Gi và An Lương (tỉnh Gia Lai) ngang nhiên chiếm dụng một phần mặt nước ven đầm Đề Gi để nuôi thủy sản bằng lồng bè, gây ô nhiễm môi trường biển cũng như cản trở, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào Cảng cá Đề Gi.
Tại khu vực mặt nước ven đầm và dưới cầu Đề Gi - tiếp giáp giữa xã Đề Gi và xã An Lương, có hàng chục lồng bè nuôi thủy sản san sát nhau, ngay cạnh luồng vào Cảng cá Đề Gi. Mỗi lồng nuôi thủy sản rộng khoảng 8 - 16 m², được kết thành bè lớn, thả nuôi hàu, các loại như cá. Những lồng bè nuôi thủy sản này đều chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng quy hoạch, cấp phép, nên tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường biển từ các loại thức ăn, thuốc phòng bệnh cho thủy sản. Bên cạnh đó, các lồng bè nằm ngay luồng lạch tàu thuyền ra vào Cảng cá Đề Gi làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường thủy.

Hoạt động nuôi thủy sản tự phát bằng lồng bè tại khu vực mặt nước ven đầm Đề Gi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng giao thông thủy nội địa. Ảnh: V.L
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đề Gi, cho hay: Khoảng năm 2022, việc đánh bắt hải sản và nuôi tôm trên cát của người dân địa phương gặp khó khăn nên một số hộ chuyển qua nuôi thủy sản bằng lồng bè trên mặt nước đầm Đề Gi. Hiện có 30 hộ nuôi thủy sản tại đây. Do không được quy hoạch bài bản nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Theo đại diện lãnh đạo UBND xã An Lương, địa phương đã tuyên truyền, vận động, phân tích để các hộ biết việc tự phát nuôi thủy sản bằng lồng bè tại khu vực mặt nước ven đầm và chân cầu Đề Gi là không đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ lồng bè, trả lại mặt nước tự nhiên khu vực ven đầm Đề Gi. Tuy nhiên, đến nay các hộ này vẫn duy trì nuôi.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, địa phương đã mời các hộ nói trên làm việc, yêu cầu không được làm mới lồng bè và phải tháo dỡ lồng bè cũ, trả lại hiện trạng mặt nước khi Nhà nước triển khai các công trình, dự án tại khu vực này. Ngoài ra, phải đảm bảo các lồng bè nằm ngoài phạm vi luồng lạch, không cản trở hoạt động của tàu thuyền khi ra vào Cảng cá Đề Gi. Tất cả các hộ nuôi thủy sản đã ký cam kết thực hiện đúng yêu cầu của địa phương đưa ra.
“Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, địa phương sẽ phối hợp với các ngành liên quan quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Khi đã có khu quy hoạch, tất cả các hộ nuôi thủy sản tự phát tại khu vực mặt nước ven đầm và dưới chân cầu Đề Gi phải tháo dỡ lồng bè, trả lại hiện trạng mặt nước theo đúng quy định”, ông Hiếu nói.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, vùng nuôi thủy sản lồng bè ven đầm và khu vực dưới cầu Đề Gi là tự phát, không nằm trong khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản biển được cấp thẩm quyền phê duyệt. Chính quyền các địa phương cần có biện pháp xử lý dứt điểm hoạt động này để phục vụ quy hoạch chung trong phát triển kinh tế biển bền vững khu vực đầm Đề Gi và các vùng lân cận.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chiem-dung-mat-nuoc-dam-de-gi-nuoi-thuy-san-post561589.html