Chiêm Hóa chăm sóc lúa mùa
Thời điểm này, hơn 5.480 ha lúa mùa của huyện Chiêm Hóa đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng, đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất cả vụ. Do đó, UBND huyện Chiêm Hóa tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với người dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại đảm bảo vụ mùa thắng lợi.
Những năm trước, gia đình bà Lê Thị Nhẫn, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên chỉ dùng giống lúa BC15, KM 18 cấy trên 2.000 m2 ruộng của gia đình. Tuy nhiên, do cấy cùng một loại giống lâu năm nên năng suất lúa giảm do sâu bệnh hại, từ vụ mùa 2019 gia đình bà chuyển sang cấy giống lúa Bắc Thịnh và HT 9, đây là các giống lúa ngắn ngày với khả năng chống đổ, chống chịu tốt với sâu bệnh trong điều kiện bất thuận của thời tiết, vụ mùa năm 2019 năng suất lúa đạt 2,2 tạ/sào, vụ xuân vừa rồi và vụ mùa năm nay gia đình bà tiếp tục sử dụng giống Bắc Thịnh gieo cấy trên toàn bộ diện tích. Với kinh nghiệm làm nông nghiệp nhiều năm bà Nhẫn cho biết, vụ mùa thời tiết nắng, mưa xen kẽ sâu bệnh hại lúa xuất hiện nhiều. Hiện diện tích lúa của gia đình đã xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh khô vằn xuất hiện rải rác ở một số diện tích. Ngay khi phát hiện sâu bệnh gia đình đã sử dung thuốc đặc trị phun trừ không để dịch bệnh lan trên diện rộng.
Vụ mùa này xã Tân An gieo cấy 352 ha lúa, trong đó có 190 ha lúa thuần còn lại là lúa lai, chủ yếu cấy trà chính vụ. Xã phấn đấu năng suất lúa đạt 64 tạ/ha với cơ cấu giống là các giống lúa là BC15, TBR 225, Bắc Thịnh, KM 18... Để đảm bảo cho năng suất vụ mùa theo kế hoạch, UBND xã đã chỉ đạo các thôn phối hợp với cán bộ khuyến nông bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc lúa, bên cạnh đó HTX có kế hoạch điều tiết hợp lý nguồn nước cho sản xuất và chủ động các phương án chống lũ, tiêu úng cho diện tích lúa. Hiện một số loại sâu bệnh xuất hiện rải rác, tuy nhiên với công tác dự báo từ đầu vụ cùng sự theo dõi chặt chẽ với biện pháp xử lý kịp thời không để sâu bệnh bùng phát thành dịch. Thời điểm này toàn bộ diện tích lúa của xã đã đứng cái làm đòng, phát triển tốt.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tam, thôn An Thịnh, xã Tân An gieo cấy gần 4.000 m2 lúa mùa, chủ yếu giống lúa BC15 kháng đạo ôn. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã, nhiều năm nay để đảm bảo khung lịch thời vụ cho sản xuất 3 vụ trong năm, gia đình ông đã chủ động gieo cấy toàn bộ diện tích lúa mùa trước ngày 20-6. Nhờ gieo cấy đúng lịch thời vụ, đồng thời làm tốt công tác chăm sóc, đảm bảo nguồn nước nên diện tích lúa của gia đình anh Tam phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa xen kẽ thời điểm lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh xuất hiện lác đác sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, rầy nâu, nhưng do thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm gia đình đã phun thuốc đặc trị nên không ảnh hưởng đến lúa. Thời điểm này gia đình đang tập trung làm cỏ, bón thúc cho diện tích lúa, cây lúa đang trong thời kỳ đứng cái làm đòng.
Ông Lâm Đình Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, do vụ mùa có nhiệt độ cao, thời gian sinh trưởng của lúa ngắn, hơn nữa thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, qua kiểm tra đồng ruộng tại một số xã lúa mắc các bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân... Vì vậy, bà con nông dân trong huyện nên thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, theo dõi để phát hiện sớm sâu bệnh hại, chủ động có biện pháp phòng trừ. Đồng thời, bà con cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cán bộ chuyên môn trong việc chăm sóc và bảo vệ lúa mùa, thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) đảm bảo an toàn cho người và môi trường sinh thái.