Chiêm Hóa chuẩn bị đặc sản phục vụ Tết

Huyện Chiêm Hóa hiện có 30 mặt hàng nông sản đặc sản, tập trung ở 20 xã trên địa bàn. Nhằm chủ động nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với UBND các xã có sản phẩm chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm, đáp ứng đủ hàng cung ứng ra thị trường.

Mắm cá chép ruộng Cổ Linh của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình là sản phẩm đặc sản chủ lực của xã. Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, sau 1 năm đưa sản phẩm đến với thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là giới thiệu tại nhiều hội chợ, mắm cá chép ruộng Cổ Linh được nhiều thực khách biết tới. Mỗi tháng, hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 80 kg mắm cá, chủ yếu là ở thị trường thành phố Tuyên Quang, Hà Nội.

Lãnh đạo HTX Nông lâm nghiệp Kim Bình kiểm tra kho ủ mắm cá chép ruộng tại hộ gia đình ông Hà Mạnh Hùng, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình.

Lãnh đạo HTX Nông lâm nghiệp Kim Bình kiểm tra kho ủ mắm cá chép ruộng tại hộ gia đình ông Hà Mạnh Hùng, thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình.

Gia đình ông Hà Mạnh Hùng, thôn Ngọc Quang là 1 trong 10 hộ làm mắm cá chép ruộng của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình. Gia đình ông có thâm niên 30 năm gắn bó với nghề làm mắm cá. Ông cho biết: Mắm cá được làm từ cá chép, cơm nếp, riềng… ủ lên men rồi chưng cất theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh. Nhằm đáp ứng hàng cho dịp Tết tới, gia đình đã chuẩn bị ủ trên 50 kg cá chép, dự kiến sẽ chưng cất vào cuối tháng 12 dương lịch đóng hộp để bán trong dịp Tết.

Chiêm Hóa nổi tiếng với sản phấm bánh gai. Bánh gai ngon nhất được làm ở thị trấn Vĩnh Lộc. Chị Lê Thị Thanh Hoa, khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc với nghề làm bánh gai gia truyền cho biết: Trước đây, bánh gai chỉ làm mỗi dịp Rằm tháng 7 để cúng tổ tiên nhưng 10 năm trở lại đây, thương hiệu bánh gai Chiêm Hóa đã trở thành món quà đặc sản để khách mua về làm quà. Dịp Tết, sản lượng bánh gai có thể tăng gấp 4 đến 5 lần, từ giữa năm gia đình đã thu mua lá chuối khô, lá gai, gạo nếp… đáp ứng đủ nguyên liệu làm bánh.

Xã Bình Nhân vụ đông năm nay đã đưa diện tích trồng bí xanh lên 20 ha. Anh Mai Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cây bí xanh đang là sản phẩm chủ lực của xã. Năng suất bí đạt 25 tấn/ha, thu nhập được trên 200 triệu đồng. Xã đã giới thiệu sản phẩm bí xanh đến các chợ đầu mối, các siêu thị và bếp ăn các khu công nghiệp Hà Nội và Bắc Ninh đều được đánh giá cao. Dịp Tết năm nay, các thương lái đã đến đặt mua bí, người dân không lo đầu ra cho sản phẩm. Năm nay doanh thu từ cây bí dự kiến đạt trên 5 tỷ đồng.

Để đáp ứng đủ nguồn hàng nông sản cho dịp Tết Nguyên đán 2020, từ trung tuần tháng 9, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chiêm Hóa đã tạo điều kiện cho các xã đăng ký sản phẩm. Huyện ưu tiên các mặt hàng thế mạnh truyền thống, điển hình như: Mắm cá chép ruộng, rượu chuối, chuối sấy dẻo Kim Bình; lạc nguyên củ Phúc Sơn, Minh Quang, bí xanh Bình Nhân; giảo cổ lam (Trung Hà), thịt trâu khô Hùng Mỹ…

Anh Hà Phúc Lâm, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng đánh giá, là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc sản truyền thống, những năm qua ngoài việc giúp đỡ người dân lưu giữ nghề, phòng cũng đề xuất với UBND huyện đưa các sản phẩm đi giới thiệu tại các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh. Dịp tết Canh Tý năm nay sẽ đưa các sản phẩm đến các hội chợ, siêu thị, bảo đảm nâng cao giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/chiem-hoa-chuan-bi-dac-san-phuc-vu-tet-126176.html