Chiêm Hóa ngăn chặn kịp thời sâu bệnh hại trên cây trồng

Thời tiết nắng mưa xen kẽ trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện cho một số sâu bệnh xuất hiện gây hại cây trồng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống kịp thời, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng vụ xuân.

Vụ xuân 2020, huyện Chiêm Hóa gieo trồng được 3.950,2 ha lúa, 1.652,7 ha ngô và 2.007,2 ha lạc. Trong tháng 4 vừa qua trên địa bàn huyện xuất hiện mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát triển, trong đó bệnh đạo ôn lá xuất hiện gây hại mạnh trên cây lúa. Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, toàn huyện có 72 ha lúa đang trong thời kỳ đứng cái làm đòng bị nhiễm đạo ôn lá, trong đó có 3 ha nhiễm nặng tập trung ở các xã Trung Hà, Hà Lang, Kim Bình, Kiên Đài với tỷ lệ hại từ 10 - 15% số lá; bệnh gây hại chủ yếu trên các giống lúa nếp, BC15, TBR225… Một số diện tích lúa còn xuất hiện rày nâu, rày lưng trắng lứa 3 gây hại với mật độ trung bình 50 - 100 con/m2; bệnh khô vằn gây hại tỷ lệ 20 - 30% số dảnh; chuột gây hại tỷ lệ trung bình 2 - 3% số dảnh… Trên diện tích lạc xuân xuất hiện rệp đen, bệnh héo xanh, lở cổ rễ, đốm lá; trên cây ngô bệnh đốm lá, khô vằn gây hại rải rác.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa hướng dẫn người dân nhận biếtsớm sâu bệnh trên cây lúa.

Trước diễn biến rất phức tạp của sâu bệnh hại trên cây trồng, ngay trong tháng 4, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình thực tế và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa kịp thời tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Theo đó, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và đặc biệt khống chế, không để lây lan trên diện rộng bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa xuân vì đây là thời điểm quyết định đến năng suất lúa cả vụ.

Ông Lâm Đình Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa khẳng định, đến thời điểm này tất cả diện tích lúa trên địa bàn đã cúi đầu vào chắc hạt, diện tích lạc vào chắc củ. Đối với sâu keo mùa thu gây hại mạnh trên diện tích ngô năm 2019 thì đến năm nay đã được khống chế do công tác dự báo tình hình sâu hại từ đầu vụ của các cơ quan chuyên môn, từ đó hướng dẫn người dân phun phòng ngay khi cây ngô phát triển được 3 - 5 lá nên vụ này sâu keo không gây hại nhiều.

Vụ Đông - xuân năm nay, gia đình chị Ma Thị Hằng, thôn Tạng Khiếc, xã Phú Bình gieo cấy hơn 2.200 m2 giống lúa TBR225. Mặc dù thường xuyên thăm đồng, phát hiện bệnh đạo ôn lá từ sớm nhưng do mưa nhiều nên việc phun thuốc diệt trừ bệnh không mang lại hiệu quả. Phải đến đầu tháng 5 khi trời chuyển nắng gia đình tiến hành phun thuốc mới kiểm soát được dịch bệnh; hiện toàn bộ diện tích lúa của gia đình chị đã cúi đầu vào chắc. Cũng như chị Hằng, gia đình bà Hà Thị Thuận, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh có 1.700 m2 lúa bị bệnh khô vằn gây hại, qua 2 lần phun thuốc nhưng chưa đủ thời gian cho sâu chết thì trời lại mưa, nên thuốc cũng không có tác dụng nhiều, ngay khi thời tiết nắng ráo gia đình tiến hành phun thuốc thì mới giữ được diện tích lúa.

Với các giải pháp triển khai tích cực, cùng sự vào cuộc của ngành chức năng và người dân, cơ bản các loại dịch bệnh hại cây trồng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã được khống chế kịp thời, không bùng phát thành dịch, hạn chế thiệt hại.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chiem-hoa-ngan-chan-kip-thoi-sau-benh-hai-tren-cay-trong-132432.html