Chiêm Hóa phát triển dịch vụ khu vực nông thôn

Huyện Chiêm Hóa hiện có trên 4.000 hộ dân kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Ngoài việc đầu tư nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, các hộ trên địa bàn huyện phát triển thêm các loại hình dịch vụ, tạo việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ông Trương Văn Học, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi.

Ông Trương Văn Học, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi.

Xã Hòa Phú hiện có 178 hộ nông dân kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Anh Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết, thuận lợi của xã là có Quốc lộ 3B đi qua, có chợ trung tâm xã, đường giao thông kết nối giữa các thôn đảm bảo giao thương hàng hóa bằng xe cơ giới. Chính quyền xã khuyến khích nhân dân phát triển đa ngành nghề dịch vụ bảo đảm tạo thêm việc, nâng cao thu nhập.

Năm 2004, ông Trương Văn Học, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú mở dịch vụ xay xát phục vụ bà con. Kinh tế ổn định, năm 2010 ông đầu tư 100 triệu đồng mở dịch vụ buôn bán thức ăn chăn nuôi và dụng cụ phục vụ nông nghiệp. Ông chia sẻ, nếu chỉ thuần túy phát triển nông nghiệp thì rất khó bứt phá, do đó phải mở thêm dịch vụ để nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Hàng năm, từ các nguồn kinh tế, ông Học thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Xã Yên Nguyên hiện có 200 hộ dân kinh doanh dịch vụ. Năm 2017, anh Tô Mạnh Cường, thôn Cầu Cả đầu tư 200 triệu đồng làm cửa hàng mở dịch vụ bán thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, gia đình anh ngoài trồng 1 ha ớt và lúa, còn kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, tạo việc làm cho 2 lao động.

Ở khu tái định cư Khuổi Nhỏ, xã Trung Hà có 74 hộ dân thì có 50 hộ dân kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Ông Lý Văn Sơn có 2 ha rừng, 3 ha cam và 70 con lợn thịt, hàng năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Chưa bằng lòng với những gì đã có, ông còn mở thêm điểm bán phân bón và thu mua nông sản cho nhân dân. Ông Sơn phấn khởi cho biết, không chỉ gia đình ông mà nhiều gia đình trong thôn mở mang ngành nghề, cuộc sống ngày càng khá giả. Hiện nay, tỷ lệ hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm của thôn chiếm khoảng 70%, điều này khẳng định sự năng động và thay đổi tư duy trong nếp nghĩ cách làm của bà con nơi đây.

Phát triển các dịch vụ nông nghiệp nông thôn đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức đoàn thể xã đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn mở mang ngành nghề dịch vụ giúp các hộ vươn lên làm giàu bền vững.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chiem-hoa-phat-trien-dich-vu-khu-vuc-nong-thon-121374.html