Chiếm hơn 80% thị phần nhưng quế Việt vẫn chưa có thương hiệu tại Ấn Độ

Mặc dù là thị trường cung cấp quế nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 80% thị phần, thương hiệu quế Việt Nam vẫn chưa thực sự được biết đến ở thị trường này.

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất quế đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc. Chia sẻ rõ hơn về tiềm năng thị trường đối với mặt hàng này, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề: "Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu", sáng ngày 28/9, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 11-12 triệu tấn gia vị mỗi năm.

Trong đó, Việt Nam là quốc gia cung cấp mặt hàng quế lớn nhất cho thị trường này. Riêng năm tài chính 2022 - 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ. “Quế Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ do hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng. Hiện Ấn Độ nhập khẩu quế từ Việt Nam với 2 mục đích, bao gồm chế biến tiêu thụ trong nước và chế biến để xuất khẩu”, theo ông Thướng.

Tuy nhiên, ông Thướng cũng cho biết, quế Việt Nam xuất khẩu sang đây chủ yếu là xuất khẩu thô. Do đó, khi sản phẩm được chế biến đều thuộc nhãn mác của Ấn Độ, Việt Nam không có thương hiệu tại đây. “Điều đáng tiếc là tại sao Việt Nam chiếm khoảng 80% lượng nhập khẩu quế của Ấn Độ nhưng lại không tạo được áp lực thị trường”, ông Thướng cho biết.

Tại thị trường Hoa Kỳ, theo ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang nước này đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu quế của Hoa Kỳ

Thị trường này được đánh giá tiềm năng đối với sản phẩm quế của Việt Nam khi sau đại dịch covid-19, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến sản phẩm tăng cường sức đề kháng, dễ chế chế biến tại nhà. Mặt khác, nhu cầu tinh dầu tại quốc gia này ngày càng tăng. Mỹ cũng không có quy định hạn chế nhập khẩu sản phẩm thô, tinh chế đối với cây dược liệu, bao gồm quế.

Trước tiềm năng của thị trường, ông Hưng kiến nghị, Nhà nước, địa phương cần đảm bảo vùng nguyên liệu, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ; tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân – cơ quan quản lý, nâng cao hàm lượng tinh chế sản phẩm.

Đồng thời, quảng bá giá trị quế, hồi qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và hệ thống kênh phân phối, đặc biệt tham gia hội chợ quốc tế.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chiem-hon-80-thi-phan-nhung-que-viet-van-chua-co-thuong-hieu-tai-an-do-post27440.html