Chiêm nghiệm vòng tuần hoàn bốn mùa trong triển lãm 'Tết Tỵ' của nhóm G39
Rắn trên đĩa gốm, rắn đắp nổi trên bình Hương Canh, rắn bột màu… - bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, các nghệ sỹ nhóm G39 giới thiệu đến khán giả chân dung thú vị của linh vật năm Ất Tỵ 2025.
Ngày 28/12, triển lãm “Tết Tỵ” khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu 80 tác phẩm đa dạng về loại hình và chất liệu của nhóm họa sỹ G39 trong dịp tiễn năm cũ, mừng năm mới.
Triển lãm giới thiệu tác phẩm của 16 họa sỹ: Bình Nhi, Vương Linh, Lê Thư Hương, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Minh, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Hồng Quang, Việt Anh, Trần Giang Nam, Trần Gia Tùng, Nguyễn Thanh Quang, Trần Hồng Đức, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Tào Linh, Hồng Việt Dũng, trên nhiều chất liệu: Sơn dầu, bột màu, giấy dó, acrylic, điêu khắc, gốm Hương Canh, gốm Bát Tràng...
Theo giám tuyển, họa sỹ Lê Thiết Cương, Tỵ là một trong 12 con vật biểu tượng của năm. Rắn có một ý nghĩa đặc biệt mà 11 con vật kia không có. Hình tượng Rắn rất gần với Phật giáo, tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thủy thần.
Chính vì sợ rắn nên con người đã thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn để mong rắn bảo vệ cho mình. Có thể tìm thấy điều này trong các câu chuyện cổ tích, huyền thoại, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình...
“Cũng đừng hiểu con rắn theo nghĩa đen, đừng xem tranh rắn để thấy…con rắn. Nếu không thì sẽ nhìn mà chẳng thấy. Hạ, Thu, Đông rồi đến Xuân. Bốn mùa trôi chảy, cũng là cái lẽ tuần hoàn đến-đi. Đó cũng là phép màu của Trời, Đất, Thiên, Địa. Bốn mùa là thời gian mà cũng là không gian, cảnh vật và lòng người mỗi mùa mỗi khác. Lòng người cũng là lòng trời đất,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.
Với tinh thần đó, triển lãm thường niên lần thứ 10 của nhóm G39 không chỉ có mỗi rắn, mà còn mang đến một phòng tranh rực rỡ đa dạng các tác phẩm trên nhiều đề tài khác nhau.
Theo giám tuyển Lê Thiết Cương, tiết Xuân đã ngoài cửa, gọi lòng người trở về. Với người nghệ sỹ cũng vậy, đón chờ một mùa mới, một Xuân mới, một năm mới với những ấp ủ, dự định sáng tác, những ý tưởng, những tác phẩm mới.
Ngoài hình tượng rắn trong tranh, tượng của họa sỹ Lê Thiết Cương, hay ở các bình gốm, lọ gốm Hương Canh của tác giả Nguyễn Hồng Quang, các tác phẩm khác đã họa nên bức tranh thiên nhiên trải rộng, rộn ràng thắm sắc cảnh vật-con người.
Từ làng quê thanh bình của họa sỹ Nguyễn Thanh Quang, những bức tĩnh vật, hoa tươi rực rỡ của họa sỹ Bình Nhi; người xem lạc vào cảnh sắc hoa mai, hoa mận vùng cao của họa sỹ Vương Linh, hân hoan trẩy hội cùng họa sỹ Việt Anh và Hoàng Phương Liên; nô nức với các trò chơi dân gian (kéo co, rồng rắn lên mây) trong không khí lễ hội truyền thống làng Cự Đà qua tranh của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng...
Triển lãm mở đến hết ngày 3/1/2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.
Một số tác phẩm trong triển lãm: