Chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật độc đáo gốm Bát Tràng từ thế kỷ 14

Có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa mang đậm những giá trị đặc sắc văn hóa dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ.

Bát hoa lam vẽ phượng, chất liệu gốm, niên đại thế kỷ 15. (Ảnh: BTLSQG)

Bát hoa lam vẽ phượng, chất liệu gốm, niên đại thế kỷ 15. (Ảnh: BTLSQG)

Bộ sưu tập gốm Bát Tràng có niên đại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20 sẽ được Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu rộng rãi đến công chúng qua trưng bày “Gốm cổ Bát Tràng” nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5).

Triển lãm chia thành 4 phần: Lịch sử hình thành, gốm Bát Tràng thế kỷ 14, gốm Bát Tràng thế kỷ 15-18, gốm Bát Tràng thế kỷ 19-20.

Theo sử liệu, vùng đất Bát Tràng có tên là xã Bát, lần đầu tiên được ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1352. Thế kỷ 15, tên xã Bát Tràng xuất hiện và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng, sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (1380-1442) chép: "Làng Bát Tràng làm đồ bát chén."

Vào thế kỷ 14, Bát Tràng chủ yếu sản xuất đồ gốm với các loại hình: Bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa.

Nửa sau thế kỷ 14, xuất hiện một dòng sản phẩm gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng, hoa văn chủ yếu là đường chỉ, hoa lá được vẽ hết sức thô phác, mờ nhạt.

Chân đèn hoa lam thế kỷ 16 và mô hình nhà men trắng ngà, xanh rêu và nâu, niên đại thế kỷ 17. (Ảnh: BTLSQG)

Chân đèn hoa lam thế kỷ 16 và mô hình nhà men trắng ngà, xanh rêu và nâu, niên đại thế kỷ 17. (Ảnh: BTLSQG)

Đây là loại gốm được các nhà nghiên cứu gọi là "tiền men lam" đánh dấu sự ra đời của dòng gốm men này và nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật trong thế kỷ tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời.

Thế kỷ 15-18 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giao lưu thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đồ gốm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam nói chung và Bát Tràng nói riêng phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành trung tâm sản xuất với nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao. Bát Tràng với các sản phẩm nổi tiếng như gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn... phục vụ rộng rãi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thế kỷ 18, những biến động lịch sử của quốc tế và trong nước khiến các trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu ở Việt Nam dần bị lụi tàn. Gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và đồ kiến trúc rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội.

Từ thế kỷ 18, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều biến động, quan hệ ngoại thương của Việt Nam giảm sút, việc xuất khẩu đồ gốm suy giảm khiến cho các trung tâm gốm xuất khẩu đã từng rất phát đạt trong các thế kỷ trước dần tàn lụi. Bát Tràng cũng bị ảnh hưởng, thị trường gốm xuất khẩu không còn, nhưng vẫn duy trì nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp nhu cầu. Do vậy, đồ gốm Bát Tràng thời kỳ này bên cạnh các đề tài truyền thống còn thấy xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa như: “Ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”, “Tam quốc chí”, “Bát tiên quá hải”

Có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa mang đậm những giá trị đặc sắc văn hóa dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị.

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

Triển lãm mở cửa từ 9h ngày 18/5 và kéo dài đến hết tháng 9/2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 1 Tràng Tiền, Hà Nội./.

(Ảnh: BTLSQG)

(Ảnh: BTLSQG)

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chiem-nguong-bo-suu-tap-hien-vat-doc-dao-gom-bat-trang-tu-the-ky-14/863032.vnp