Trong lịch sử phát triển của thương hiệu Mercedes-Benz, 300SL Gullwing đã trở thành biểu tượng đặc trưng với cửa 'cánh chim'. Nó cũng hội tụ đủ những đặc điểm để trở thành một trong những mẫu xe đẹp nhất mọi thời đại.
Mercedes-Benz 300SL Gullwing được phát triển dựa trên nền tảng chiếc xe đua W194 năm 1952 của Mercedes với những nâng cấp như hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp cơ học giúp tăng công suất lên gần 50% trên động cơ 6 trục cam thẳng 3 lít. Từ đó, chiếc xe này có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 263 km/h – Một con số cực kỳ ấn tượng đã biến 300SL Gullwing thành chiếc xe thương mại nhanh nhất ở thời điểm bấy giờ.
Dòng xe này được sản xuất trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1957, tính đến nay những chiếc xe sang Mercedes 300SL Gullwing đã có tuổi đời trên dưới 65 năm tuổi. Chính vì thế mà không ít những chiếc 300SL đã rơi vào tình trạng hỏng hóc cũng như không thể hoạt động được. Một trong số đó chính là chiếc 300SL Gullwing dưới đây. Chiếc xe được đưa đến công ty chuyên phục chế xe cổ Thornley Kelham tại Anh Quốc trong tình trạng hỏng hóc với nhiều bộ phận chắp vá được lắp sang từ xe khác.
Theo ghi nhận tình trạng khi chiếc xe được đưa tới, chiếc 300SL này mang trên mình phần đèn chiếu sáng của Mercedes 300SL phiên bản mui trần. Thêm vào đó, lịch sử bảo dưỡng cũng như nguồn gốc của chiếc xe không được ghi chép rõ ràng nên ban đầu đã đặt ra cho Thornley Kelham một hoài nghi rằng liệu chiếc xe này có phải là một mẫu xe “hàng dựng” hay không. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, chiếc 300SL này đã từng gặp tai nạn khiến phần cản trước, cản sau bị hư hại và đã được sửa chữa bằng các bộ phần của 300SL phiên bản mui trần.
Chiếc xe này được chủ sở hữu “gửi gắm” tới Thornley Kelham với yêu cầu đem chiếc xe trở về trạng thái hoàn hảo vơi độ hoàn thiện cao đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ông còn yêu cầu thêm rằng họ có thể sơn cho chiếc xe bất cứ màu gì ngoại trừ màu bạc huyền thoại thường thấy trên những chiếc 300SL.
Phần khung của chiếc 300SL này vẫn ở trong tình trạng tốt tuy nhiên chiếc xe này đã đạt mốc 63 tuổi, chính vì thế đội ngũ của Thornley Kelham đã quyết định tháo rời tất cả các bộ phận của xe, từ động cơ, phần vỏ cho tới các chi tiết nội thất để có thể tiến hành quá trình phục chế một cách chi tiết nhất. Đôi ngũ kĩ thuật đã bắt đầu làm sạch các chi tiết cũ, chế tạo xe lại từ đầu với các chi tiết nguyên bản, kết hợp với đó là thay thế các bộ phận hỏng hóc trong hệ thống truyền động để đảm bảo chiếc xe có thể vận hành một cách trơn tru như vừa mới xuất xưởng.
Simon Thornley cho biết: “Chúng tôi đã dành hàng trăm giờ để tìm hiểu chính xác các chi tiết của chiếc xe này trong khi đảm bảo việc phục chế chiếc xe này tuân theo cùng tiêu chuẩn mà mọi chiếc xe chúng tôi đang làm: Những chiếc xe được chúng tôi phục chế phải trông đẹp, lái tốt và có độ bền cao và lâu dài”. Ngoài ra, ông cho biết thêm:“Chiếc xe này đã được sử dụng hơn 60 năm nay và chúng tôi rất vui khi được kéo dài tuổi thọ của huyền thoại này thêm nhiều năm nữa để mang lại niềm vui cho chủ nhân của chiếc 300SL này”.
Chủ sở hữu đã chọn cho chiếc xe màu sơn xanh Horizon Blue với gam màu đặc không ánh kim. Đây là màu sơn thường được sử dụng trên những mẫu xe cổ ở thế kỉ trước, từ đó đem lại cho chiếc 300SL một diện mạo khác biệt hoàn toàn với màu sơn bạc ánh kim gốc. Thêm vào đó, khoang nội thất của xe đã được bọc vải với họa tiết kẻ xanh trắng truyền thống, đem lại vẻ đẹp có phần truyền thống cho chiếc xe cổ đầy hấp dẫn.
Ngoài ra, các cánh cửa với kiểu mở “cánh chim” mang tính biểu tượng đã tiêu tốn của đội ngũ kĩ thuật rất nhiều giờ để điều chỉnh cẩn thận, đem lại góc mở cửa chính xác nhất cũng như đảm bảo phần bản lề hoạt động một các trơn tru. Các chi tiết tạo hình trên hai phần vòm bánh xe cũng đã tiêu tốn rất nhiều thời gian của đội ngũ kĩ thuật nhằm tinh chỉnh, tạo hình một cách chính xác nhất cho phiên bản 300SL được sản xuất vào giai đoạn này bởi lẽ những chiếc 300SL khác cũng sở hữu chi tiết này với hình dạng khác biệt một chút so với 300SL Gullwing.
Theo thông tin từ Thornley Kelham, chủ sở hữu đã bỏ ra hàng trăm nghìn Đô cho việc mua các phụ tùng thay thế cũng như sửa chữa, điều chỉnh các chi tiết, hạng mục. Từ đó mà chiếc xe đã được “hồi sinh” một cách ngoạn mục với ngoại hình cũng như tình trạng như vừa được xuất xưởng.
Theo sở thích của chủ sở hữu, Thornley Kelham đã không lắp đặt phần cản va chrome phía trước và phía sau thường thấy trên 300SL. Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm phục chế ấn tượng nhất đến từ Thornley Kelham xét về cả độ hoàn thiện cũng như về giá trị của chiếc xe này.