Chiêm ngưỡng khoảnh khắc ấn tượng khi một tiểu hành tinh bốc cháy và tan vỡ, thắp sáng cả bầu trời
Một tiểu hành tinh vừa rơi xuống eo biển Măng-sơ giữa Anh và Pháp tuần này và mang lại sự thích thú cho nhiều người quan sát thiên văn.
Vào sáng sớm hôm qua thứ Hai, ngày 13/2, một tiểu hành tinh đã rơi xuống English Channel, còn gọi là khu vực eo biển Măng-sơ, mang đến cho những người có cơ hội quan sát nó một cảnh tượng đẹp mắt và bất ngờ.
Tiểu hành tinh này đã va vào bầu khí quyển của Trái đất, rơi từ trên trời xuống vào khoảng 4 giờ sáng theo múi giờ Trung Âu. Nhiều video và hình ảnh về tiểu hành tinh này đã xuất hiện trên mạng xã hội, hầu hết đều cho thấy một quả cầu lửa sáng rực khi nó bốc cháy trong bầu khí quyển.
Về cơ bản, những người đam mê thiên văn và theo dõi bầu trời đã được cảnh báo trước về sự xuất hiện của tiểu hành tinh này từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất của NASA. Tiểu hành tinh được ước tính có đường kính khoảng một mét. Nên biết rằng đây mới chỉ là lần thứ 7 con người dự đoán được một cuộc “tấn công” từ tiểu hành tinh ngoài trái đất.
Sự kiện cũng cho thấy rằng công nghệ đang phát triển và những tiến bộ nhanh chóng trong việc phát hiện các tiểu hành tinh đang tỏ ra hữu ích. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã sớm chia sẻ tin tức về tiểu hành tinh vào Chủ nhật tuần trước, giúp những người theo dõi bầu trời có nhiều thời gian để thiết lập máy ảnh để chụp và ghi hình nó.
Một số hình ảnh và video ghi lại cảnh tiểu hành tinh bốc cháy thậm chí cho thấy toàn bộ quá trình tiểu hành tinh này lao từ trên cao xuống, thay đổi màu sắc khi nó xuyên thẳng qua bầu khí quyển của Trái đất và tan vỡ.
Về lý thuyết, các tiểu hành tinh có thể đến rất gần Trái đất và chúng ta thậm chí đã nhìn thấy một số tiểu hành tinh bay ngang qua Trái đất ở vị trí thậm chí còn gần hơn quỹ đạo của Mặt trăng. Nhưng công nghệ ngày nay cho phép chúng ta không phải lo lắng quá nhiều về việc các tiểu hành tinh lớn sẽ bất ngờ va vào hành tinh mà không có sự báo trước.
Tham khảo BGR