Chiêm ngưỡng lễ hội thả đèn trời huyền ảo ở Chiang Mai

Lễ hội thả đèn lồng Yi Peng ở Chiang Mai (Thái Lan) được tổ chức vào tháng 11 dương lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào ngày 11 và 12/11/2019. Hình ảnh của hàng trăm, hàng nghìn chiếc đèn lồng rực rỡ bay lên bầu trời đêm tối đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của Thái Lan, với mong ước những điều muộn phiền sẽ tan biến vào không trung.

Một số hình ảnh tại buổi lễ hội thả đèn lồng Yi Peng

Một số hình ảnh tại buổi lễ hội thả đèn lồng Yi Peng

Những chiếc đèn trời mang ý nghĩa tâm linh

Yi Peng được coi là lễ hội thả đèn trời lớn nhất thế giới và đây cũng là một lễ hội truyền thống lâu đời của người Thái Lan. Theo đó, “Yi” nghĩa là “số hai”, “Peng” có nghĩa là “ngày rằm”, cái tên Yi Peng mang ý nghĩa “ngày rằm của tháng Hai” theo lịch của người Lanna cổ. Lễ hội này có lịch sử hàng trăm năm về trước, bắt nguồn từ Vương quốc Lanna cổ xưa (thuộc miền Bắc Thái Lan ngày nay) và khi đó Chiang Mai là thủ phủ của đất nước này.

Theo nhiều cuốn sách lịch sử của Thái Lan, rằm là thời khắc nước sông dâng cao và mặt trăng sáng nhất trên bầu trời, vì vậy đây là thời điểm thuận lợi để thắp đèn lồng kèm theo lời cầu nguyện cho một năm mới bình an. Trên thực tế, hội hoa đăng ở Thái Lan có hai lễ hội là Loy Krathong và Yi Peng. Loy Krathong là lễ hội thả đèn hoa đăng trên sông, được tổ chức trên toàn đất Thái. Còn Yi Peng là hội thả đèn trời, thường chỉ tổ chức ở một số tỉnh Bắc Thái, trong đó Chiang Mai là nơi tổ chức chính. Nhiều du khách thường nhầm lẫn giữa hai hoạt động này do diễn ra cùng thời điểm.

Tuy nhiên, tất cả mọi nơi trên đất nước Thái Lan đều tổ chức lễ hội Yi Peng, nhưng ý nghĩa nhất và đẹp nhất là ở cố đô Chiang Mai. Từ ngàn năm trước, Chiang Mai là kinh đô cổ của Vương triều Lanna xưa. Vì vậy, Yi Peng vẫn được xem là lễ hội lớn nhất của thành phố và được tổ chức hết sức long trọng và cực kỳ hoành tráng. Hơn nữa, Chiang Mai có địa hình đồi núi là chủ yếu, không giống những thành phố khác của Thái Lan có nhiều sông, suối hay biển để tổ chức hai lễ hội cùng một lúc.

Với Yi Peng, người dân Thái sẽ thắp đèn trời thả bay trên bầu trời với niềm tin mọi điều không may và muộn phiền sẽ cùng đèn trời bay lên không trung và tan biến. Hơn nữa, việc thả chiếc đèn trời của người Thái có ý nghĩa tâm linh. Người ta tin rằng mọi loại bệnh tật và bất hạnh trong năm cũ sẽ được đèn lồng mang đi. Và giống như việc thổi nến trên chiếc bánh sinh nhật, những người tín Phật nơi đây tin rằng nếu bạn ước nguyện khi thả đèn lồng, thì điều ước sẽ thành hiện thực trong năm mới. Chính vì vậy, lễ hội Yi Peng mang ý nghĩa cực kỳ sâu sắc đối với người dân xứ sở Chùa Vàng này, đặc biệt là đối với bà Nichapa Yoswee, 65 tuổi, sống ngay tại Chiang Mai chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tham gia lễ hội Yi Peng cùng với con cháu của mình. Đây là lễ hội lớn và mọi người thường kéo về đây để chiêm ngưỡng hàng ngàn chiếc đèn lồng được thả lên trời. Chúng tôi thường cầu nguyện một năm mới bình an và khỏe mạnh”.

Lễ hội kéo dài một tuần lễ với hàng loạt các điệu múa truyền thống, biểu diễn âm nhạc sôi động, diễu hành, bắn pháo hoa và các sản phẩm của các làng nghề được biểu diễn và trưng bày trong sự kiện. Trong suốt lễ hội Yi Peng, du khách thập phương sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhà cửa và nơi công cộng của người dân được trang hoàng nhiều đèn lồng sặc sỡ và cờ. Những chiếc đèn trời mà người Thái Lan sử dụng trong lễ hội này có rất nhiều loại. Đa dạng từ hình dáng, mẫu mã vô cùng tinh tế và bắt mắt, trong đó, ba loại đèn lồng chính là Khom Loi, Khom Lanna và Khom Khwean được yêu thích hơn cả.

Những trải nghiệm khó quên

Có thể thấy, số lượng lớn đèn lồng được sử dụng ước tính có khoảng 30 nghìn chiếc đèn được thả lên trời vào dịp này. Do vậy mà tất cả lồng đèn đều phải được làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy và không độc hại. Người dân địa phương lấy bột gạo, cán mỏng để làm ra giấy quấn quanh nan tre, ở giữa là nến và pin. Khi pin hoặc nến được đốt cháy, sẽ tạo ra một lượng khí nóng bên trong chiếc đèn trời, tạo ra đủ lực để nâng đèn lồng bay lên trời.

Người dân và du khách tham dự lễ hội trong ba ngày, ban ngày du khách có thể đi xe đạp dạo quanh phố và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Ban đêm là thời điểm tuyệt diệu nhất, mọi người được trải nghiệm khung cảnh đẹp tuyệt trần: Thời khắc cả bầu trời lúc lấp lánh cùng những vì sao nhân tạo, giống như một đàn sứa khổng lồ phát sáng, trôi nổi trên bầu trời cùng với vẻ đẹp siêu thực của những chiếc đèn hoa đăng trôi nổi trên những dòng sông. Không có từ ngữ hay máy ảnh nào có thể ghi lại được vẻ đẹp huyền ảo của nó.

Hai địa điểm chính cho phép thả đèn trời với số lượng đèn thả nhiều nhất là Mae Jo và cầu Nawarat. Trong đó, Yi Peng Lanna International (YPLI), sự kiện thả đèn trời ở đại học Mae Jo là sự kiện Yee Peng lớn nhất và ngoạn mục nhất ở Chiang Mai. Tổng cộng có 4.000 vé bán ra cho YPLI với giá rất cao 5.500-12.000 THB (tương đương 4-8 triệu đồng/người). Đây là đêm lễ do Duangtawan Santiparp Foundation kết hợp với Tudongkasantan tổ chức hàng năm. Sự kiện diễn ra với các nghi thức truyền thống trang trọng, sau đó 4.000 chiếc đèn thả lên bầu trời cùng một lúc.

Tuy nhiên, du khách vẫn có thể lựa chọn những địa điểm có quy mô nhỏ hơn Mae Jo và với mức giá thấp hơn. Chẳng hạn như ở Doi Saket – Doi Saket Springs, đây là sự kiện được tổ chức rất ngoạn mục với quy mô lên đến 3.000 đèn trời với mức giá 3.100-4.900 THB (93-147 USD) một vé.

Nếu không có đủ kinh phí để vào sân Mae Jo, hay Doi Saket, du khách có thể lựa chọn cầu Nawarat nằm ở khu vực Old Town trong Chiang Mai. Tại Nawarat, du khách sẽ được thả đèn trời thoải mái mà không cần mua vé. Bù lại, khách thập phương vẫn phải mua đèn để thả, giá đèn thường rơi vào khoảng 60-100 bath/chiếc (tương đương 50.000-100.000 đồng/chiếc).

Tuy không chiêm ngưỡng cận cảnh hình ảnh bầu trời Chiang Mai ngập trong ánh đèn nhưng chắc chắn bất cứ ai cũng vẫn cảm thấy đáng giá khi tận mắt ngắm nhìn hàng nghìn ánh đèn trời lấp lánh trên không trung.

Một điều đáng lưu ý dành cho du khách đến Chiang Mai để chiêm ngưỡng lễ hội thả đèn Yi Peng là việc mua vé để tham gia thả đèn trời và thả đèn trời đúng địa điểm, thời gian quy định là điều cần thiết vì chính quyền địa phương không cho phép các hoạt động cá nhân tự tổ chức thả đèn ngoài phố dễ gây nguy hiểm, cháy nổ. Đặc biệt, nếu muốn tham dự lễ hội tại Mae Jo, người dân địa phương cũng khuyến cáo nên đặt vé trước từ 3-6 tháng để có mức giá hợp lý nhất.

Trong trường hợp không muốn chen chúc trong lễ hội mà vẫn muốn ngắm nhìn ánh đèn rực rỡ, một những địa điểm hợp lý có thể lựa chọn là Mae Sa. Đây là một vùng thung lũng cách trung tâm Chiang Mai khoảng 20 km. Ngoài đèn hoa đăng, du khách đến đây sẽ được ngắm nhiều loại pháo hoa độc đáo của người dân địa phương.

Thêm vào đó, Mae Sa cũng là một khu du lịch nổi tiếng với nhiều loại hình cho du khách giải trí như nhảy bungee, lái xe thể thao ngoài trời… Ngoài ra, những địa điểm du lịch nổi tiếng như Doi Suthep, vườn quốc gia Doi Inthanon, phố núi Pai… cũng là những nơi “hút khách” khi đến Chiang Mai. Sau nghi thức thả đèn trời, người dân sẽ cùng nhau tận hưởng khung cảnh thần tiên cả đêm. Rất nhiều hoạt động diễn ra song song trong lễ hội như màn trình diễn pháo hoa đặc sắc, cuộc thi Hoa hậu Yi Peng, hay đua thuyền…

Một thanh niên 20 tuổi đến từ Trung Quốc vẫn chưa hết xúc động sau khi chiêm ngưỡng hàng ngàn chiếc đèn lồng bay lên bầu trời cho hay: “Tâm trí tôi vẫn còn vẳng lại tiếng đếm ngược và tiếng nhạc Thái hoan hỉ khi đồng loạt 4.000 chiếc đèn được thả. Cả không gian rọi sáng một màu vàng cam của bầu trời đèn lồng kì ảo. Cảnh tượng thực sự đẹp đẽ mà tôi chưa từng nghĩ có thể xem tận mắt”.

La Thiên Hy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/chiem-nguong-le-hoi-tha-den-troi-huyen-ao-o-chiang-mai-477853.html