Chiêm ngưỡng loại cam 'tiến Vua' bán tại vườn 80.000 đồng/quả
Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, đặc sản nổi tiếng với hương vị thơm ngọt của xứ Nghệ - cam Xã Đoài được bán tại vườn dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/quả.
Người dân ở xã Nghi Diên cho hay, cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Âu, được đưa qua xứ Nghệ trồng từ hơn 100 năm nay. Giống cam có mùi vị thơm ngon nên được truyền qua nhiều thế hệ.
Cam Xã Đoài chỉ cho mỗi năm một vụ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Khi chín, quả cam Xã Đoài to tròn, căng mọng với màu vàng óng ả. Bên ngoài vỏ có một lớp the mỏng, chỉ cần vết xước nhỏ cũng tỏa hương. Tép cam tươi mọng, vị ngọt thanh dịu nhẹ.
Điều đặc biệt là chỉ có đất ở vùng Xã Đoài mới trồng được loại cam này và cho vị ngon đặc trưng, nếu đưa giống đi nơi khác trồng thì không thành công.
Diện tích trồng cam Xã Đoài của 50 hộ dân trong xã hiện còn khoảng 30 ha, gồm khoảng 15 ha cho quả ổn định hàng năm. Cam là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng cam giảm mạnh, doanh thu dự kiến cũng giảm đáng kể.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết, cam Xã Đoài còn được người dân gọi là cam "tiến Vua", do thời trước loại cam quý hiếm này thường chỉ có tầng lớp vua quan mới có điều kiện để ăn.
"Về lâu dài, huyện Nghi Lộc chú trọng thực hiện quy hoạch đất đai, giống cây, quy trình sản xuất, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ cam để nâng cao giá trị sản phẩm," ông Trần Nguyên Hòa cho biết.
Theo người dân địa phương, tuổi đời trung bình của cây cam khoảng 20 - 25 năm, nhưng nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt sẽ kéo dài được tuổi thọ của cây lên gấp đôi.
Gia đình ông Phan Công Hưởng ở xóm Yên Phúc, xã Nghi Diên là một trong những hộ trồng cam lớn nhất xã với hơn 400 gốc cam gồm 250 gốc cho quả.
Ông Hưởng cho biết, cam Xã Đoài có vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng, ruột cam có màu vàng óng, vỏ mịn, mỏng đều, cam Xã Đoài xưa kia từng được dâng tiến cho Vua. "Các năm trước khách hàng thường đến tận vườn để chọn lựa từng quả. Phần lớn cam đã được khách đặt trước rồi chờ đến sát Tết mới hái.
Tuy nhiên, năm nay nhiều diện tích cam của các nhà vườn đang đối diện với hiện tượng cam rụng hàng loạt, gây thiệt hại lớn lớn cho người dân. Do lo ngại số lượng cam trên cây không đủ để cung ứng dịp Tết, nên nhiều nhà vườn buộc phải từ chối nhận cọc từ khách", ông Hưởng nói.
Cam Xã Đoài thơm, ngon lưu truyền lâu năm
Theo tài liệu ghi chép tại xã Nghi Diên, khoảng 150 năm trước, một linh mục người Pháp khi sang vùng đất này truyền đạo đã mang theo giống cam đặc biệt để trồng tại khu vực tòa giám mục. Giống cam này nhanh chóng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và nổi tiếng với mùi thơm cùng vị ngọt đặc trưng mà ít giống cam nào có được.
Trái cam Xã Đoài có trọng lượng từ 150 đến 200g, vỏ cam mịn, mỏng và đều, tỏa ra một hương thơm dịu nhẹ. Ruột cam có màu vàng óng, vị ngọt thanh và dễ chịu, tạo nên một sự khác biệt rõ rệt so với các loại cam khác.
Cam Xã Đoài không chỉ được người dân Việt Nam ca ngợi, mà ngay cả các cha, cố truyền đạo hay những quan Tây thời bấy giờ cũng không ngừng khen ngợi giống cam này. Chính vì thế, cam Xã Đoài đã vinh dự được ghi vào Đại từ điển Pháp và được ví ngang hàng với xoài đặc sản ở Thà Khẹc, Lào - hai loại quả nổi bật trong ẩm thực của mỗi vùng.
Cam Xã Đoài không chỉ là một đặc sản của Việt Nam mà còn là niềm tự hào văn hóa, góp phần làm phong phú thêm nét đặc trưng của đất nước.