Chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ xưa của một người sưu tầm cổ vật
Sau hơn 20 năm tìm kiếm, sưu tầm, ông Lâm Dũ Xênh (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã tu sửa, chỉnh trang để dựng thành 6 ngôi nhà cổ. Nơi đây lưu giữ nét kiến trúc độc đáo mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc trưng hệ thống nhà cổ truyền thống.
Ông Lâm Dũ Xênh là người sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn đồ cổ tư nhân lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Nổi bật là công cuộc tìm kiếm, sưu tầm từng cột, kèo, hoành phi, câu đối… rồi gắn kết, chỉnh trang cùng với đội thợ chuyên nghiệp phục dựng 6 ngôi nhà cổ trong khuôn viên hơn 600m2. Có thể nói đây là công trình tâm huyết nhất trong cuộc đời sưu tầm của ông.
Mỗi ngôi nhà cổ đều có một câu chuyện, trong 6 ngôi nhà cổ có ngôi nhà mà ông Xênh khôi phục lại từ ngôi nhà cổ của một hương kiểm xưa ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Ông nói: “Thời đó không có tàu cao tốc như bây giờ, ngư dân đi biển bằng tàu gỗ. Tôi phải nhờ ngư dân chuyển dần từng cột, kèo, cửa gỗ… về đến cửa biển rồi chở về đây, quả thật không đơn giản. Tôi phải mất nhiều năm để vận chuyển xong một ngôi nhà cổ, sau đó tốn thêm 5 năm để đội thợ phục dựng lại, lắp ráp hoàn chỉnh”.
Các đội thợ làm nhà cổ rất chuyên nghiệp, họ am hiểu về văn hóa bản địa và giữ gìn kiến trúc truyền thống đặc trưng nhà cổ.
Trong ngôi nhà cổ này, ông Xênh tâm đắc nhất là chạm chữ nho dưới bụng kèo tiền. Ông nói: “Ngày xưa, những nhà có chạm bụng là nhà khá giả, chạm càng dày thì chứng tỏ người này càng giàu”.
Nhà cổ có nét kiến trúc rất đặc biệt thể hiện nghề nghiệp, địa vị của chủ nhân từng ngôi nhà, người xưa có câu “sĩ, nông, công, thương, nho, y, lý, bốc, ngư, tiều, canh, mục”.
Ông Xênh chia sẻ: “Chủ nhà làm thầy nho hay người có chức vụ thường chạm câu đối, hoành phi, còn chủ nhà làm nông thường sẽ chạm khắc hình hoa lá bốn mùa xuân hạ thu đông”. Không chỉ chạm khắc, nhà cổ ở miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng thường có đặc điểm dựng kèo cột rất to, chắc gỗ để chống chọi với thời tiết bão lũ khắc nghiệt. Do đó, qua nhiều năm tháng, các ngôi nhà cổ đều vững chãi.
Những ngôi nhà cổ được ông Xênh sửa chữa, lắp ráp đều có tuổi đời hơn 100 năm được ông mua lại từ các chủ nhà trên địa bàn huyện Bình Sơn. Các nhà cổ này bị hư hại do bom đạn, xuống cấp nên việc duy tu, sửa chữa tốn nhiều thời gian.
Ông nói, những ngôi nhà kiến trúc y cũ thì giữ nguyên, còn nhà nào bị phá hủy nhiều, hư hỏng thì tôi phải sưu tầm thêm rồi chắp vá vào. Nhà cổ nào thiếu cửa gỗ thì chờ đến khi tìm cửa gỗ từ một ngôi nhà cổ khác rồi sửa chữa lại, lắp vào sao cho vừa khít.
Ông Xênh còn sở hữu một nhà rường lầu rất độc đáo gồm tầng trệt và lầu. Các nhà rường có kiến trúc 3 gian, 2 chái. Nét kiến trúc chữ đinh, chữ khẩu các gian đều được tính bằng số cột và các vách ngăn hai chái.
Ông cho biết, khó khăn nhất của các nhà cổ là việc bảo quản để tránh ẩm mốc, mối mọt. Một số cột, kèo khi tôi mang về đều bị mối mọt, phải xử lý toàn bộ và sơn chống mối.
Bên cạnh giữ gìn, khôi phục lại 6 nhà cổ trong khuôn viên nhà, ông Xênh cũng giúp đỡ nhiều gia chủ khác khi họ có mong muốn phục dựng, sửa chữa lại nhà cổ.
Trong những nhà cổ, ông Xênh trưng bày nhiều cổ vật từ các con tàu đắm và đồ gốm lò gốm Mỹ Thiện. Ông nói: “Số cổ vật mà tôi sưu tầm lên đến hàng ngàn như chén, đĩa, tiền cổ… Trong đó, tâm huyết của tôi muốn sưu tầm nhiều đồ gốm của lò gốm Mỹ Thiện, đây là lò gốm có lịch sử hơn 200 năm và tồn tại đến ngày nay ngay tại thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn”.
Ông Xênh trân quý từng sản phẩm từ gốm Mỹ Thiện bởi đó là độc bản, mỗi sản phẩm có lớp men khác nhau với cách trang trí hoa văn nổi. Tất cả được làm thủ công với kỹ thuật bàn xoay, nguyên liệu từ cốt gốm là đất sét và nung lò lửa.
Hiện nhà cổ của ông Xênh mở cửa đón khách tham quan miễn phí, ông sẵn lòng chia sẻ câu chuyện lịch sử, giá trị văn hóa về những ngôi nhà cổ. Chiêm ngưỡng nhà cổ như một cách trải nghiệm không gian, thời gian giữa quá khứ và hiện tại, lưu giữ những miền ký ức.
>> Chiêm ngưỡng vẻ đẹp những ngôi nhà cổ của ông Lâm Dũ Xênh: