Chiêm ngưỡng tác phẩm tre bonsai độc đáo của chàng trai Bắc Giang
Thời gian qua, căn nhà gỗ tại thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa trở nên đông đúc, náo nhiệt bởi khách tham quan.
Khách tới căn nhà gỗ là những người yêu cây đến từ trong và ngoài nước.
Họ đến đây với mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm tre bonsai Lưỡng long chầu nhật độc đáo của nghệ nhân trẻ Nguyễn Sỹ Luân (SN 1995). Tác phẩm này từng xuất hiện tại tiệc trà khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023.
Tác phẩm được tạo hình từ 2 cây tre ngà mọc đối xứng, với hình dáng uốn lượn mô phỏng thân 2 con rồng cùng hướng về hình tròn tượng trưng cho mặt trời ở giữa chậu. Phần ngọn 2 cây tre được tạo tán hài hòa, đẹp mắt.
Lưỡng long chầu nhật được Sỹ Luân sáng tạo một cách công phu từ hơn một năm trước.
Trước giờ Luân vẫn nuôi ý định tìm phôi tre ngà để làm tác phẩm, bởi loại tre này gắn với sự tích Thánh Gióng. Nhưng phải mất một thời gian khá dài, anh mới có duyên sưu tầm được 2 phôi tre ngà ưng ý. Luân đã dành nhiều thời gian chăm sóc. Sau đó, anh dùng dây nhôm để định hình thân, rễ, tạo tán…
Nam nghệ nhân cũng quyết định tự làm chậu trồng cho tác phẩm tre bonsai độc đáo. Sau nhiều suy nghĩ, Luân chọn cái chum có sẵn ở nhà để làm chậu.
Ban đầu, với ý định tạo hình cây theo thế lưỡng long chầu nguyệt, Luân mày mò vẽ, phác thảo hình tượng mặt trăng trên thân chum. Sau một ngày vừa vẽ vừa cắt, nam nghệ nhân hoàn thiện được chậu trồng có họa tiết trang trí độc lạ.
Luân cắt 2 đường rãnh rộng hình vòng cung vào một mặt bụng của chum. Giữa 2 đường cắt, Luân tạo hình tròn làm biểu tượng mặt trăng. Sau đó, anh trồng 2 phôi tre đối xứng nhau vào 2 đường cắt. Điểm giao nhau giữa 2 gốc tre là hình tròn trên thân chum.
Với cách tạo thế này, Luân đặt tên cho tác phẩm của mình là Lưỡng long chầu nguyệt. Sau đó, anh đổi thành Lưỡng long chầu nhật với ý nghĩa mặt trời luôn rực rỡ, tươi sáng.
Luân chia sẻ: “Tôi mất khoảng 1 năm để hoàn thiện. Với ý tưởng là 2 con rồng chầu mặt trời nên thân cây phải có điểm co, duỗi, uốn lượn. Điều khó nhất là làm sao để người xem thấy được các điểm co duỗi ấy thật mềm mại, uyển chuyển, có hồn.
Để làm điều này, tôi chủ động trưng ra những điểm uốn cong, mềm mại của thân cây. Những điểm thân cây cho cảm giác đơ, thiếu uyển chuyển, tôi xử lý bằng cách tạo tán sao cho hài hòa, đẹp mắt”.
Bằng cách này, Luân tạo nên tác phẩm tre bonsai hiếm gặp. Dù không phải người trong nghề, có con mắt nghệ thuật, khi xem tác phẩm, ai cũng dễ dàng nhận ra 2 thân tre như 2 con rồng sống động, uyển chuyển.
Không bán với bất cứ giá nào
Vào một ngày của tháng 12/2023, Sỹ Luân nhận được cuộc điện thoại từ nghệ nhân trà Cao Sơn. Trong điện thoại, nghệ nhân này cho biết sắp có một sự kiện lớn và muốn đem tre bonsai của Luân đến trưng bày.
Sau đó, nghệ nhân Cao Sơn đến vườn bonsai của Sỹ Luân để chọn cây. Cho đến lúc chuyển các tác phẩm lên xe để mang đến điểm trưng bày, Luân vẫn không biết đó là sự kiện gì, diễn ra ở đâu.
Mãi cho đến khi chiếc xe chở cây dừng lại, anh mới biết các tác phẩm của mình được góp mặt trong không gian diễn ra tiệc trà giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Anh kể: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là công tác an ninh tại nơi diễn ra tiệc trà vô cùng chặt chẽ. Rất may các tác phẩm bonsai của tôi đều được trồng hữu cơ. Khi biết tác phẩm của mình được trưng bày tại tiệc trà, tôi vô cùng hạnh phúc và vinh dự”.
Sau sự kiện này, Lưỡng long chầu nhật của Sỹ Luân trở nên nổi tiếng. Tên tuổi của nam nghệ nhân cũng được biết đến nhiều hơn. Anh trở thành tâm điểm chú ý của những người yêu cây cả trong và ngoài nước.
Trong số này có những đại gia yêu cây, sẵn sàng mua lại Lưỡng long chầu nhật với bất cứ giá nào. Tuy nhiên, nam nghệ nhân vẫn từ chối.
Sỹ Luân tâm sự: “Sau khi nhận cây về từ sự kiện, tôi được nhiều người hỏi mua lại tác phẩm. Nhiều người nói chỉ cần tôi cho một con số, họ sẽ mang cây về. Tuy nhiên, tôi không đồng ý bán.
Bán một tác phẩm đi có thể có được một số tiền để trang trải cuộc sống. Nhưng để có một tác phẩm trở thành kỷ niệm của cả một cuộc đời chơi cây cảnh là rất khó.
Sau khi đem cây về, mọi người trong gia đình đều mong muốn tôi để lại, không bán đi với bất cứ giá nào. Do vậy tôi quyết định giữ lại tác phẩm để làm kỷ niệm”.