Chiêm ngưỡng vẻ đẹp trứ danh của Bảo vật Quốc gia-Cửa võng đình Diềm
Cửa võng đình Diềm (Bắc Ninh)- một kiệt tác điêu khắc gỗ có độ tinh xảo về kỹ thuật chạm khắc thời Lê Trung Hưng vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Video: Vẻ đẹp của Bảo vật quốc gia- Cửa võng đình Diềm (Bắc Ninh).
Thứ Nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”.
Câu ca này đã quá đỗi quen thuộc và được các thế hệ người dân xứ Kinh Bắc truyền tụng, ngợi ca từ đời này sang đời khác. Chính bức Cửa võng tuyệt mỹ, độc nhất vô nhị của đình Diềm đã tạo ra sự vẻ vang trứ danh cho ngôi đình cổ của làng Diềm (còn gọi làng Viêm Xá, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).
Là hiện vật gốc, độc bản, bảo lưu được nguyên vẹn kỹ thuật chạm khắc và sơn thếp đỉnh cao của thời Lê Trung Hưng, Cửa võng đình Diềm nằm ở gian giữa tòa Đại đình, nối liền từ thượng lương cho đến nền đình có chức năng như bức bình phong để ngăn cách thế giới bên ngoài với nơi an vị của các đức thánh.
Đây cũng là điểm nhấn trung tâm trong di tích, tạo nên nét đẹp độc đáo có một không hai trong nghệ thuật kiến trúc của ngôi đình truyền thống.
Bức Cửa võng đình Diềm được tạo tác vào năm 1692 cùng với khung niên đại của ngôi đình có sự khác biệt, đặc sắc riêng bởi những mảng chạm tinh tế lớp trong lớp ngoài, hoa văn lồng quấn xoắn xuýt và kỹ lưỡng từng đường nét nhỏ làm nổi bật, thu hút sự chú ý của mọi người ngay từ phút đầu tiên bước vào đình.
Ông Nguyễn Ngọc Bích - Thủ từ đình Diềm cho biết: “Vẻ đẹp của đình Diềm chính là bức Cửa võng “độc nhất vô nhị”. Bức Cửa võng này chạy dài suốt từ thượng lương ở trên độ cao 7m xuống tận nền đình, gồm bốn tầng lớn xếp theo bậc thấp dần cho đến giáp hao cột cái bên trong. Tầng nào cũng được chạm khắc tinh tế với nhiều hình khối nghệ thuật, biểu tượng tứ linh (long, ly, quy, phụng) và những đề tài đậm chất nghệ thuật”.
Theo giới chuyên môn nghiên cứu và đánh giá, hầu hết các đình làng xứ Bắc đều có cửa võng, nhưng không thấy cửa võng nào đẹp và độc đáo như ở đình Diềm. Đây là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ “độc nhất vô nhị” còn tồn tại đến nay, để mọi người cùng được may mắn chiêm ngưỡng.
Ông Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh có nhiều đình cổ và có nhiều cửa võng, tuy nhiên Cửa võng đình Diềm là 1 tác phẩm nghệ thuật độc đáo vì ít đình có cửa võng đẹp và nguyên trạng như thế đến nay.
Nét độc đáo của bức cửa võng đình Diềm không chỉ nằm ở vấn đề kích thước hay kỹ thuật chạm khắc, mà còn được thể hiện ở các chi tiết, chủ đề trang trí sinh động, đặc sắc. Theo quan niệm phong kiến, đình làng là nơi tôn nghiêm chỉ dành riêng cho đàn ông. Tuy nhiên, ở bức Cửa võng đình Diềm, người phụ nữ xuất hiện trong các mảng chạm khắc, được tôn vinh, ngự trên đỉnh cao linh thiêng của đình làng thể hiện khát vọng, ước mơ về sự bình đẳng trong xã hội.
“Chưa bao giờ hình ảnh rồng, biểu hiện cho vương quyền lại được thể hiện gần gũi bình dị với cuộc sống đời thường của người dân như ở bức Cửa võng đình Diềm. Và cũng chưa bao giờ khát vọng về quyền sống, quyền tự do, bình đẳng của người dân lại được thể hiện công khai ở giữa ngôi đình làng như vậy”. Ông Lê Viết Nga chia sẻ.
Kỹ thuật điêu khắc tinh xảo
Với chiều rộng gần 4m, chiều cao 7m chạy dài từ thượng lương đến nền đình, bức Cửa võng đình Diềm được chia làm 5 tầng, các tầng đều được chạm trổ hết sức công phu, sống động, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng nhưng vô cùng tinh tế. Mỗi tầng cửa võng được trang trí các chủ đề khác nhau.
Tầng thứ nhất trên cùng với các mảng chạm kênh bong, chạm thủng rồng chầu mặt trời đang rực sáng, trên lưng rồng là một cô gái đang cưỡi, chân kẹp lấy thân rồng còn hai tay đưa ra múa duyên dáng.
Tầng thứ hai, tính từ trên xuống là kỹ thuật chạm thủng chia thành những khoang lớn nhỏ với các cột chạm hình rồng, mây, tượng đầu thiếu nữ...
Tiếp xuống là tầng thứ 3 cũng chạm các hình mây lá cách điệu phần bờ diềm, phần giữa chia thành các khoang lớn nhỏ chạm thủng nhiều lớp so le hoa văn rồng, phượng.
Tầng thứ tư là tầng chính yếu, là điểm nhấn giá trị nhất với một cấu thể chạm khắc gồm nhiều đồ án đan xen nhau như mây lá cách điệu, hình tượng rồng miệng ngậm ngọc, các khóm trúc xen lẫn chim, thú và người. Ở đây, xuất hiện hình tượng cô gái ngồi, tay phải mân mê vuốt tóc dài vắt rủ xuống ngực, tay trái vịn cành tre vẻ e thẹn kín đáo và duyên dáng.
Phía tít trên đỉnh ngọn tre lại có hình tượng một cụ già râu dài, tay phải tì trên gối, tay trái đặt trên bàn cờ, mặt bàn cờ quay hẳn ra chính điện. Ngoài ra còn có hình tượng người cưỡi voi, các muông thú vờn đùa thoải mái, gần gũi dưới bụng rồng mà không tỏ ra sợ hãi...
Đáng chú ý, ở tầng này, các khoang khám được chạm sâu 9 lớp hun hút với diềm mây lá cách điệu, người ta đếm được có khoảng 50 đầu rồng thống nhất một kiểu nhưng không lặp lại đơn điệu mà luôn có vẻ riêng.
Tầng thứ 5 là tầng dưới cùng cũng hấp dẫn bởi phong phú những hình tượng muông thú được chạm khắc thú vị, độc đáo như rồng, voi, hổ, ngựa, khỉ, lợn và cả những hình người đang hoạt động, chạm rõ các chi tiết trên gương mặt...
Tuy phân ra các tầng mảng riêng nhưng giữa chúng lại có mối liên kết hài hòa, uyển chuyển và từng diện nhỏ đều được trang trí tỉ mỉ, kỹ lưỡng, được sơn son thếp vàng rực rỡ, không một mảng trơn trống.
Toàn bộ cửa võng là một bức tranh phong phú, chuyển tải thông điệp rõ ràng về nền nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, cũng như kỹ thuật sơn thếp truyền thống độc đáo của cha ông.
Các nghệ nhân xưa đã phát huy hết khả năng sáng tạo bằng tất cả tâm hồn nhiệt huyết say sưa của mình để tạo nên một tuyệt phẩm của nghệ thuật điêu khắc và khoác cho ngôi đình bộ cánh điêu khắc với những mảng chạm trổ cầu kì, công phu từ ý tứ nội dung tới kỹ thuật chạm lộng, chạm kênh bong điêu luyện và nghiêm cẩn.
Cửa võng đình Diềm như một cánh cửa kết nối tâm linh, kết nối quá khứ và hiện tại, cánh cửa tiếp nối văn hóa và kết nối với tâm hồn nghệ nhân, nghệ sĩ...
Nằm trong quần thể danh thắng cổ kính, thâm nghiêm của một ngôi làng cổ bên bờ sông Như Nguyệt thuộc đất Thủy tổ Quan họ, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Diềm cùng với những cổ vật, bảo vật giàu giá trị đã hội tụ, kết tinh vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của miền đất nghìn năm văn hiến Bắc Ninh- Kinh Bắc và là một trong những kho báu di sản văn hóa tinh thần quý giá của quê hương, dân tộc.