Chiến binh Corona

'Chiến binh Corona' là cái tên mọi người yêu mến dành cho Rama Sahu-một nữ cán bộ y tế ở Ấn Độ, vì những nỗ lực của người phụ nữ 46 tuổi này. Dù mắc căn bệnh ung thư quái ác nhưng cô vẫn hết lòng giúp đỡ cộng đồng ứng phó với đại dịch Covid-19.

Mỗi buổi sáng, Rama Sahu rời nhà để tới gõ cửa hơn 200 gia đình ở bang Orissa, tiến hành điều tra tình hình dịch bệnh và phân phát lương thực cho họ. Thường xuyên phải đi bộ dưới cái nắng hè như đổ lửa nhưng Rama chẳng nề hà. Cô luôn đặt sự an toàn của mọi người lên trên hết. Công việc hằng ngày của Rama là tìm hiểu xem có ai trong số 201 hộ dân được điều tra có biểu hiện mắc Covid-19 hay không, đồng thời khuyến khích họ thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh và giãn cách xã hội. Thông tin của người dân sẽ được cô điền vào một mẫu phiếu rồi gửi cho cơ quan phụ trách ở địa phương để đối chiếu dữ liệu, theo dõi xu hướng phát triển của dịch bệnh và nắm bắt thông tin về các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là một trong những biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 được triển khai thực hiện ở đất nước rộng lớn và đông dân như Ấn Độ.

 Nữ cán bộ y tế Rama Sahu hằng ngày vẫn âm thầm cống hiến cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: BBC.

Nữ cán bộ y tế Rama Sahu hằng ngày vẫn âm thầm cống hiến cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: BBC.

Đất nước này hiện có khoảng 60.000 trường hợp được xác định nhiễm Covid-19. Chính phủ nước này cũng cảnh báo, số ca nhiễm có thể sẽ tăng mạnh sau khi một số hạn chế được nới lỏng. Vì vậy, vai trò của các cán bộ y tế ở tuyến đầu như Rama Sahu, người thường xuyên theo dõi các ca nhiễm mới trở nên quan trọng hơn cả. Ngoài hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp đối phó với dịch bệnh, các cán bộ y tế như Rama cũng chịu trách nhiệm phân phát thực phẩm cho người nghèo. “Người dân cần chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này”, cô chia sẻ. Đây là lý do tại sao cô vẫn nỗ lực làm việc mỗi ngày dù đang mang trong người căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Hằng ngày, cô tiếp xúc với những gương mặt quen thuộc, nhưng không ai trong số họ biết được bệnh tình của cô. Chính bản thân cô dường như cũng quên đi căn bệnh của mình mỗi khi dồn tâm trí vào công việc. Chồng của cô-anh Ramesh Sahu cho biết: "Cô ấy chỉ ở nhà khi quá đau đớn vì căn bệnh phát tác. Cô ấy khóc rất nhiều lúc ở nhà nhưng khi làm việc cô ấy dường như quên tất cả đau đớn. Cấp trên của cô ấy hiểu rõ tình trạng bệnh và đã đề nghị cô ấy hãy dành thời gian nghỉ ngơi”. Nhưng rõ ràng, Rama đã chọn cách cống hiến thay vì nghỉ ngơi.

Chẳng ai rõ Rama làm cách nào để có được nghị lực lớn tới nhường ấy khi mỗi ngày cô đều phải chịu sự dày vò của căn bệnh quái ác, thậm chí tình trạng của cô tồi tệ đến mức phải sử dụng tã giấy nếu muốn đi ra ngoài. Nhưng Rama đã vượt lên tất cả, bởi cô biết người dân cần mình. Có lẽ, chính nỗi đau mất con từng phải nếm trải đã tiếp thêm cho cô sức mạnh để bảo vệ những đứa trẻ và người thân của chúng.

Cách đây vài năm, vợ chồng Sahu có hai con trai nhưng cả hai đứa trẻ tội nghiệp đã phải rời bỏ bố mẹ (khi một đứa lên 4 và đứa còn lại chỉ mới 6 tháng tuổi) bởi căn bệnh không rõ nguyên nhân. Khi nhớ về những kỷ niệm đau thương đó, trái tim vợ chồng Sahu dường như vẫn rỉ máu. Anh Ramesh chia sẻ: “Thế giới của chúng tôi đã hoàn toàn sụp đổ khi mất con”. Vài năm sau đó, họ cố gắng vượt qua nỗi đau với mong muốn có thể tiếp tục được làm cha mẹ. Nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp đi niềm hạnh phúc giản đơn nhất của đôi vợ chồng. Đúng lúc họ đang ấp ủ hy vọng thì Rama được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Đó là vào năm 2014.

Trước đây, anh Ramesh làm việc trên các công trường xây dựng ở một bang khác của Ấn Độ. Khi biết tin vợ bị bệnh, anh đã chuyển về nhà và mở một cửa hàng tiện lợi để có điều kiện chăm sóc vợ. Anh đưa Rama tới thành phố Mumbai để điều trị bệnh. Sau quá trình hóa trị đầy đau đớn, Rama đã hồi phục nhưng không lâu sau đó, căn bệnh ung thư quái ác đã quay trở lại. “Bác sĩ nói với chúng tôi rằng, họ không thể làm gì được vì căn bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối”, anh Ramesh nhớ về nỗi đau khi đó.

Không ít những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. Nhưng Rama lại trái ngược hoàn toàn. Người phụ nữ nghị lực ấy không hề tỏ ra nản lòng mà thậm chí còn nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Rama từng nói, căn bệnh ung thư có thể tàn phá thể xác nhưng không thể khiến cô lùi bước. Cô biết công việc của mình góp phần quan trọng như thế nào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của người dân Ấn Độ. Bởi vậy, cô sẽ vẫn tiếp tục cống hiến đến khi nào còn có thể.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chien-binh-corona-617466