Chiến công lẫy lừng của những thiếu niên anh hùng Liên Xô trong Thế chiến thứ 2

Họ bảo vệ thành phố Stalingrad, lái máy bay chiến đấu, là những tay súng thiện xạ và trở thành Anh hùng Liên Xô.

Trong cuộc chiến tranh hủy diệt mà trùm phát xít Adolf Hitler gây ra với Liên Xô, tham gia chiến đấu chống lại lính Đức Quốc xã trên thực tế có nhiều thành phần: đàn ông, phụ nữ, người già, và thậm chí có cả thiếu niên. Hàng vạn trẻ vị thành niên đã gia nhập du kích và quân đội, hàng nghìn em được phong tặng nhiều phần thưởng, một số còn trở thành Anh hùng Liên Xô.

Những thiếu niên Liên Xô trong Thế chiến thứ 2. Ảnh: Anatoly Lindorf.

Những thiếu niên Liên Xô trong Thế chiến thứ 2. Ảnh: Anatoly Lindorf.

Đương nhiên, chẳng ai được phép điều động trẻ em gia nhập Hồng quân Liên Xô, bởi lệnh gọi nhập ngũ là phải đủ từ 18 tuổi trở lên. Các em tình nguyện trốn nhà ra mặt trận, nhưng cách đảm bảo nhất để được đi lính đối với trẻ vị thành niên là trở thành trẻ mồ côi. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt ở mặt trận phía Đông, thì những trường hợp này là không hiếm. Thông thường, sau khi phát hiện những em chạy trốn như vậy hoặc những đứa trẻ không còn bố mẹ, các đơn vị Hồng quân không gửi trả chúng về hậu phương, mà nhận nuôi dưỡng với cái tên là “con trai trung đoàn”. Trong lực lượng Hải quân, những đứa trẻ như vậy được gọi là thủy thủ thiếu niên. Nhiều nhất trong số đó là con cái của những thủy thủ đã hy sinh.

Thủy thủ thiếu niên Boris Kuleshin bên tàu tuần dương hạm “Krasny Kavkaz”. Ảnh: Evgeny Haldei.

Thủy thủ thiếu niên Boris Kuleshin bên tàu tuần dương hạm “Krasny Kavkaz”. Ảnh: Evgeny Haldei.

Phần lớn, những đứa trẻ “con trai trung đoàn” đảm nhận công việc nội trợ nơi tiền tuyến. Không phải thiếu niên nào cũng làm việc này, nhưng nếu phụ trách công việc này thì sẽ được cấp khẩu phần lương thực, quân phục và thậm chí cả vũ khí. Một số em còn tham gia chiến đấu.

Trung sĩ Vladimir Sokolov. Ảnh: Ivan Shagin.

Trung sĩ Vladimir Sokolov. Ảnh: Ivan Shagin.

Cậu bé 14 tuổi Peter Klypa được Trung đội ca nhạc nuôi dưỡng tại Sư đoàn bộ binh số 6, đóng quân tại pháo đài Brest trên biên giới vào thời điểm quân Đức bắt đầu xâm chiếm. Đầu cuộc chiến, Peter gia nhập một nhóm chiến sĩ, đảm nhận vai trò đội viên thông tin liên lạc, tiến hành những cuộc đột kích do thám vào vị trí kẻ thù, cung cấp nước uống và thuốc men cần thiết, và thậm chí phát hiện một kho đạn còn nguyên vẹn, nhờ vậy mà các chiến sĩ bảo vệ pháo đài kéo dài được thời gian phòng thủ. Đầu tháng 7-1941, Peter Klypa cùng với một số người lính đã thoát khỏi vòng vây từ pháo đài, tuy nhiên không lâu sau đó họ bị bắt làm tù binh. Cậu bé bị đẩy sang Đức làm việc, sau đó mãi đến năm 1945 mới được giải thoát.

Cậu bé Peter Klypa. Ảnh: Ivan Shagin.

Cậu bé Peter Klypa. Ảnh: Ivan Shagin.

Tháng 10-1941, cậu bé 16 tuổi Vasily Kurka gia nhập các đơn vị của Hồng quân Liên Xô khi đó đang rút khỏi Mariupol, rồi được đưa vào phục vụ tại Sư đoàn Bộ binh số 395 theo nguyện vọng cá nhân. Vì chưa đủ tuổi, nên Vasily không được điều ra tiền tuyến, mà người ta giữ lại làm công tác hậu cần. Tuy nhiên, khi biết có cuộc tuyển chọn cho khóa huấn luyện lính xạ thủ, cậu bé đã xin các cấp chỉ huy cho cậu cơ hội. Không ngờ, Vasily Kurka lại bộc lộ tài năng bắn súng. Cậu bé phục vụ lên đến cấp bậc thiếu úy, trở thành chỉ huy trưởng Trung đội bắn súng và thậm chí còn làm huấn luyện viên đào tạo xạ thủ.

 Cậu bé Vasily Kurka. Ảnh: Ivan Shagin.

Cậu bé Vasily Kurka. Ảnh: Ivan Shagin.

Bố của cậu bé 13 tuổi Ivan Gerasimov hy sinh trong những ngày đầu ra trận, còn mẹ và các chị gái lúc đầu cậu nghĩ là đã chết cháy trong nhà do bị ném bom, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc mới biết rằng họ vẫn còn sống. Ivan gia nhập Trung đoàn Pháo binh thuộc Sư đoàn Bộ binh số 112, nơi cậu làm giúp việc đầu bếp, sau đó khuân vác đạn dược. Trong một trận đánh bảo vệ Stalingrad vào cuối năm 1942, Ivan Gerasimov, người duy nhất còn sống sót, đã nhặt được một khẩu tiểu liên và bắn vào lính bộ binh đối phương. Khi bị đạn pháo làm đứt một bàn tay phải và giập nát khuỷu tai trái, cậu bé ghì chặt quả lựu đạn chống tăng vào cánh tay cụt của mình, dùng răng giật chốt lựu đạn rồi ném về phía xe tăng Đức, làm nổ tung cùng cơ thể mình.

Cậu bé Ivan Gerasimov. Ảnh: Ivan Shagin

Cậu bé Ivan Gerasimov. Ảnh: Ivan Shagin

Cậu bé Sergey Aleshkin (5 tuổi) trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ sau khi mùa thu năm 1941, vì tham gia phong trào du kích, lính Đức đã tử hình anh trai và mẹ (bố cậu qua đời trước chiến tranh). Cậu bé chịu nhiều mất mát và suy kiệt đã được các trinh sát viên Trung đoàn Bộ binh cận vệ số 142 tìm thấy, sau đó người chỉ huy Trung đội đã quyết định nhận cậu làm con nuôi. Tháng 11-1942 tại Stalingrad, người “con trai trung đội” nhỏ tuổi nhất trong lịch sử Thế chiến thứ 2 lập chiến công, nhờ đó đã được trao tặng Huy chương “Vì chiến công”. Một trận pháo kích đã làm sập căn hầm chỉ huy. Dưới hỏa lực của kẻ thù, cậu bé 5 tuổi đã đến ứng cứu và tự mình đào bới căn hầm, cứu sống người bố nuôi của mình.

Cậu bé Sergey Aleshkin. Ảnh: Ivan Shagin.

Cậu bé Sergey Aleshkin. Ảnh: Ivan Shagin.

Hoàn toàn không phải tất cả trẻ em tham gia trong chiến tranh đều là trẻ mồ côi hoặc trốn nhà. Có những trường hợp khi bố mẹ ra mặt trận, họ đưa theo những đứa con của mình. Tháng 4-1943, cậu con trai 14 tuổi của Nikolai Kamanin là Arkady gia nhập Quân đoàn không quân cường kích số 5, nơi cha cậu làm chỉ huy. Sau vài tháng làm thợ máy trên máy bay và hoa tiêu quan sát, cậu bé đã tự mình thực hiện chuyến bay đầu tiên trên chiếc U-2. Với việc gia nhập phi đội bay riêng, Arkady Kamanin trở thành phi công trẻ nhất của Liên Xô trong Thế chiến thứ 2. Tiếc rằng, sau chiến tranh cậu qua đời vì bệnh viêm màng não năm 1947 khi mới 18 tuổi.

Arkady Kamanin. Ảnh: Ivan Shagin.

Arkady Kamanin. Ảnh: Ivan Shagin.

Nếu trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô có hàng nghìn trẻ vị thành niên, thì trong phong trào du kích con số đó lên tới hàng vạn. Việc gia nhập quân du kích đối với họ còn dễ hơn nhiều so với việc vào đơn vị quân đội theo điều lệnh, nơi mà nếu phát hiện có trẻ vị thành niên trên tiền tuyến thì người chỉ huy đơn vị đó có thể sẽ bị kỷ luật nặng. Ngoài ra, nếu có thể gửi trả các em về hậu phương từ mặt trận, thì tại các vùng bị chiếm đóng thông thường là không có hậu phương dành cho các đội du kích quân.

Nếu trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô có hàng nghìn trẻ vị thành niên, thì trong phong trào du kích con số đó lên tới hàng vạn. Ảnh: Arkady Shaikhet.

Nếu trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô có hàng nghìn trẻ vị thành niên, thì trong phong trào du kích con số đó lên tới hàng vạn. Ảnh: Arkady Shaikhet.

Một số du kích nhí đã được trao tặng phần thưởng cao quý, đó là trở thành Anh hùng Liên Xô. Đáng chú ý trong số đó có chiến công của cô bé Zinaida Portnova (17 tuổi), trinh sát viên của đội du kích trên lãnh thổ Belarus và là thành viên của tổ chức bí mật “Những người báo thù trẻ tuổi”. Bị Cơ quan mật vụ Gestapo của trùm phát xít Hitler bắt, cô bị đem ra thẩm vấn nhiều lần, trong đó có lần cô đã kịp chộp lấy khẩu súng trên bàn và bắn vào tên thẩm vấn cùng hai phụ tá khác của hắn. Tuy nhiên, cô đã không kịp chạy thoát. Sáng ngày 10-1-1944, sau một tháng chịu sự tra tấn, Zinaida Portnova đã bị xử bắn. 14 năm sau đó, cô được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Zinaida Portnova. Ảnh: Ivan Shagin

Zinaida Portnova. Ảnh: Ivan Shagin

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chien-cong-lay-lung-cua-nhung-thieu-nien-anh-hung-lien-xo-trong-the-chien-thu-2-654613