Chiến công thầm lặng của quân y biên phòng

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 suốt thời gian qua, những chiến sĩ quân y luôn có mặt ở tuyến đầu, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Những ngày đầu tháng 3 này, cuộc chiến với dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Vào mỗi buổi sáng, Thượng úy Nguyễn Công Chính, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Sa Kỳ luôn bận rộn tại nhà ga Cảng Sa Kỳ. Anh có nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn người dân, du khách lên tàu ra Lý Sơn thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt... Có ngày, anh và một đồng đội phải hướng dẫn các bước phòng dịch cho cả nghìn lượt người dân ra Lý Sơn. Công việc này đã gắn bó với anh hơn một năm qua. Trong những ngày Tết vừa qua, anh không thể về nhà để đón Xuân cùng gia đình.

Thượng úy, Nguyễn Công Chính, cán bộ Quân y Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Sa Kỳ đo thân nhiệt, kiểm tra y tế tại nhà ga Cảng Sa Kỳ suốt hơn 1 năm qua.

Thượng úy Nguyễn Công Chính cho biết: "Chúng tôi xác định là người chiến sĩ biên phòng, khi cấp trên giao nhiệm vụ, nhân dân cần, chúng tôi không ngại gian nan, vất vả, hiểm nguy và hy sinh tình cảm riêng tư để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao".

Thiếu tá, bác sĩ Võ Thị Tự, nhân viên Ban Quân y, Phòng Hậu cần (BĐBP tỉnh) cho hay: "Nhiệm vụ của lực lượng quân y chúng tôi trong điều kiện bình thường là tham mưu và trực tiếp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ; kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày tại bếp ăn; vệ sinh, phòng chống dịch bệnh ở các doanh trại và thực hiện các đợt dân vận khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân... Từ ngày dịch Covid-19 xảy ra, lực lượng quân y đã nhận nhiệm vụ trên tuyến đầu vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung hết lực lượng tại các chốt kiểm dịch dọc tuyến biên giới biển của tỉnh trong suốt hơn một năm qua".

Nhớ lại đợt dịch lần thứ hai bùng phát trở lại vào tháng 7 năm 2020 và có người dương tính với dịch trên địa bàn tỉnh, bác sĩ Võ Thị Tự kể: "Thời điểm ấy như là một cuộc chiến thật sự. Mọi người đều căng thẳng. Chúng tôi đã được chuẩn bị tất cả hành trang của ngành y để xông pha vào trận tuyến. Chúng tôi phải thực hiện "cấm trại" 2 tuần liền tại đơn vị, không về nhà. Những việc gia đình đành "giao lại" cho chồng con".

Hiện tại, các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới biển được bố trí một quân y, riêng Đồn Biên phòng Lý Sơn có 2 người, Sở chỉ huy BĐBP tỉnh 3 người. Hiện nay, dọc tuyến biên giới biển của tỉnh, BĐBP tỉnh tiếp tục duy trì và thực hiện nhiệm vụ 13 chốt kiểm dịch. Tại đây, các chiến sĩ quân y vẫn bám trụ để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Với những người lính quân y, họ mang trên vai màu quân phục và cả chiếc blouse trắng. Khi bước vào trận chiến, họ luôn sẵn sàng trên tâm thế của một người lính và tấm lòng của một lương y. Cùng với các lực lượng chuyên môn khác, họ đã góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để phát sinh, lây lan trong lực lượng và cộng đồng, mang lại sự yên tâm cho nhân dân. Đó là niềm hạnh phúc mà những người lính quân y BĐBP tỉnh đã đóng góp một phần công sức của mình suốt thời gian qua.

Với những cống hiến của lực lượng BĐBP tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới biển của tỉnh, năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 16 cá nhân, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ quân y của BĐBP tỉnh.

Cùng với lực lượng BĐBP tỉnh nói chung, những chiến công thầm lặng của người lính quân y tiếp tục làm rạng rỡ truyền thống “Đoàn kết cảnh giác - liêm chính kiệm cần - hoàn thành nhiệm vụ - khắc phục khó khăn - dũng cảm trước địch - vì nước quên thân - trung thành với Đảng - tận tụy với dân”, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị trong ngày thành lập lực lượng BĐBP cách nay tròn 62 năm.

Bài, ảnh: X.THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2026/202103/ky-niem-62-nam-ngay-truyen-thong-bo-doi-bien-phong-331959-332021-va-32-nam-ngay-bien-phong-toan-dan-331989-332021-chien-cong-tham-lang-cua-quan-y-bien-phong-3046025/