Chiến đấu cơ 'dát vàng' và nỗi ám ảnh của Canada

Avro Arrow được ví là chiến cơ 'dát vàng' vì đắt đỏ và là giấc mơ trở thành siêu cường không quân của Canada. Tuy nhiên, điều không ai ngờ là chiếc máy bay này đã bị cắt phá tan nát ngay trước cửa nhà máy và trở thành nỗi ám ảnh của người Canada.

Giấc mơ siêu cường không quân

Avro Arrow (hay còn được biết đến với tên gọi CF-105) là một trong những loại máy bay đánh chặn hiện đại nhất cách đây 60 năm, nằm trong dự án phát triển phương tiện đánh chặn siêu thanh của Canada.

Sự kiện ra mắt máy bay Avro Arrow thu hút hơn 14.000 người tham dự.

Sự kiện ra mắt máy bay Avro Arrow thu hút hơn 14.000 người tham dự.

Canada vốn nổi tiếng sản xuất những chiếc máy bay dã chiến, có khả năng hạ cánh và cất cánh nơi địa hình phức tạp.

Từ cuối thập niên 1930, quốc gia Bắc Mỹ này đã bắt đầu sản xuất các máy bay do Anh thiết kế để hỗ trợ quân đồng minh. Hầu hết thiết kế mang tính biểu tượng thời chiến như chiến đấu cơ Hawker Hurricane, phi cơ ném bom Avro Lancaster…

Sau Thế chiến thứ II, Canada sở hữu lực lượng hải quân lớn thứ 3, không quân lớn thứ 4 trên thế giới. Không dừng ở đó, Canada quyết định gây dựng ngành chế tạo máy bay hàng đầu thế giới.

Khi kết thúc Thế chiến thứ II, đất nước lá phong đỏ còn bị ám ảnh vì mối lo Liên minh Xô Viết sở hữu máy bay ném bom hạt nhân có khả năng bay qua Đại Tây Dương, tới Bắc Mỹ.

"Do đó, năm 1952, Không lực Hoàng gia Canada đã có ý tưởng chế tạo máy bay đánh chặn tốc độ Mach 2 (gấp 2 lần tốc độ âm thanh và tầm bay ở độ cao 50.000 feet)", ông Richard Mayne, nhà sử học thuộc Không lực Hoàng gia Canada nói và cho biết, Avro Aircraft - hãng chế tạo máy bay thành lập sau chiến tranh, được giao nhiệm vụ hiện thực hóa giấc mơ.

Chiến đấu cơ siêu tân tiến

Chương trình phát triển phương tiện đánh chặn này bắt đầu từ năm 1955 và hoàn thành bản thử nghiệm trong thời gian kỷ lục, tháng 4/1957. Sự kiện thu hút hơn 14.000 người tới chiêm ngưỡng cảnh chiếc máy bay cánh rộng, màu trắng, được thiết kế cho phi hành đoàn 2 người.

Chiến đấu cơ Avro Arrow

Chiến đấu cơ Avro Arrow

Arrow chỉ dài dưới 78 feet (23m) nhưng sải cánh dài 50 feet (15m) và lớn hơn cả những phương tiện đời trước như CF-100 Canuck và Phantom F4 - loại chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất trước đó.

Để giải bài toán hóc búa về kỹ thuật và khả năng chịu đựng điều kiện khắc nghiệt, các kỹ sư của Avro đã chế tạo hệ thống kiểm soát bay điều khiển điện tử đầu tiên. Đây là hệ thống điều khiển bằng máy tính thay thế hệ thống kiểm soát bay cơ khí điều khiển bằng tay.

Họ cũng sử dụng các vật liệu mới để làm khung máy bay. Phần động cơ cực mạnh, nhẹ, siêu thanh do một công ty trong cùng hệ thống thiết kế và chế tạo.

Chiến đấu cơ Arrow tân tiến đến mức Canada không có đủ phương tiện để thử nghiệm, phải sử dụng các cơ sở tại Hoa Kỳ.

Với thời gian thực hiện kỷ lục, phương tiện cất cánh lần đầu tiên vào ngày 25/3/1958. Tổng giá trị dự án vào khoảng 250 triệu đô la Canada (tương đương 1,58 tỷ đô la Mỹ vào thời điểm hiện tại), đưa quốc gia này trở thành một siêu cường về không quân.

Giấc mộng tan tành

"Nhưng thời điểm phương tiện cất cánh cũng là lúc các nhà tư tưởng chiến lược, lãnh đạo quân đội và chính trị gia cấp cao của Canada bất ngờ thay đổi suy nghĩ", nhà sử học Mayne nói.

Họ tin rằng thế giới đã bước sang kịch bản chiến tranh "ấn nút", tức là mối đe dọa hạt nhân chỉ giới hạn ở tên lửa tầm xa. Các máy bay đánh chặn và máy bay ném bom không còn đóng vai trò thống trị, do đó không cần tiêm kích như Arrow.

Với suy nghĩ này, mẫu Arrow từ một phương tiện tham vọng chủ lực bất ngờ trở nên vô dụng vì không còn phù hợp. Hơn nữa, chi phí phát triển dự án tăng cao, tình hình chính trị thay đổi và không có hợp đồng nước ngoài đặt mua nên giấc mộng đột ngột tan tành vào một năm sau đó.

Ngày 20/2/1959, khi tờ poster quảng bá của hãng Avro Aircraft vừa in xong, cũng là lúc loa phóng thanh của nhà máy Avro Aircraft tại ngoại ô Toronto vang lên hết công suất. Hàng ngàn nhân viên Avro được nghe chủ tịch công ty thông báo Thủ tướng Canada lúc đó là John Diefenbaker đã hủy bỏ toàn bộ chương trình Arrow. Ngay trong ngày, 14.500 nhân viên có tay nghề bị mất việc.

Chỉ trong vài tuần, 5 máy bay được chế tạo cùng phần lớn dây chuyền sản xuất phương tiện đã bị phá hủy vì lo ngại nguy cơ gián điệp, ăn cắp bí mật.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi

Động thái gây chấn động Canada chính là việc cắt phá tan nát các mẫu chiến đấu cơ Arrow ngay phía trước nhà máy. Khoảnh khắc Canada cắt phá các mẫu chiến cơ vốn được ví "dát vàng" vì đắt đỏ, được ghi lại qua một bức ảnh đen trắng mờ nhạt và đã ám ảnh dai dẳng đất nước Canada.

Một bản sao của chiếc Avro Arrow do đội tình nguyện từ Bảo tàng Không gian và Vũ trụ Canada xây dựng, trưng bày năm 2013.

Một bản sao của chiếc Avro Arrow do đội tình nguyện từ Bảo tàng Không gian và Vũ trụ Canada xây dựng, trưng bày năm 2013.

Ba năm sau, Công ty Avro Aircraft đóng cửa. Tổng cộng khoảng 50.000 người mất việc.

Ông Erin Gregory, người phụ trách Bảo tàng Hàng không và Không gian Canada chia sẻ: "Đối với người Canada, đây là cơ hội bị bỏ lỡ. Đó là đỉnh cao của công nghệ hàng không, song tất cả đã tan tành".

Việc hủy chương trình đột ngột đã làm rộ lên hàng loạt tin đồn, thậm chí thuyết âm mưu kéo dài đến tận ngày nay.

Ông Alan Barnes, một thành viên cao cấp tại Đại học Carleton ở Ottawa, từng có thời gian nghiên cứu quyết định dừng phát triển máy bay trên cho biết: "Đa phần các thuyết âm mưu đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã cố tình thông tin sai lệch cho Canada, họ không muốn Canada sản xuất một chiếc máy bay tốt hơn máy bay của Hoa Kỳ".

Đến ngày nay, hình ảnh của chiếc máy bay huyền thoại này vẫn còn có sức ảnh hưởng lớn ở Canada. Nhiều mô hình và các sự kiện liên quan loại máy bay này vẫn được tổ chức.

Theo ông Randall Wakelam, giáo sư lịch sử tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada, việc cân nhắc nên tiếp tục hay từ bỏ dự án thời đó không chỉ nằm ở các yếu tố công nghệ mà còn là tính kinh tế, hiệu quả tạo việc làm.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chien-dau-co-dat-vang-va-noi-am-anh-cua-canada-192240830142231547.htm