Chiến đấu cơ F-16 có giúp Ukraine hết nỗi lo phòng không?

Dù có trong tay chiến đấu cơ F-16, Ukraine vẫn đang đau đầu với những bài toán liên quan sự an toàn và quá trình vận hành chúng.

Trong cuộc chiến trên không với Nga, chiến lược của Ukraine là dùng các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây gửi kết hợp với các hệ thống phòng không khác như Patriots, để ngăn chặn máy bay ném bom Nga tác chiến.

Ukraine cũng hy vọng các chiến đấu cơ này sẽ bổ sung thêm một lớp bảo vệ nữa cho các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công liên tục bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga.

Ukraine cho biết nước này đang “trong quá trình” được phương Tây chuyển giao những chiếc chiến đấu cơ F-16 đầu tiên. Hôm 28-7, tờ Washington Post (WP) đưa tin rằng chiếc F-16 đầu tiên sẽ đến Ukraine "trong vài tuần nữa".

Như vậy, những chiếc F-16 sẽ đến Ukraine sau khoảng hai năm rưỡi kể từ lần đầu tiên Ukraine xin viện trợ loại máy bay này và một năm kể từ khi chính quyền Washington cho phép đồng minh phương Tây chuyển giao chúng cho Ukraine.

Hiện số lượng chính xác F-16 được chuyển giao cho Ukraine vẫn chưa được chính quyền Kiev công bố. Theo Washington Post, Ukraine đang chờ ít nhất 79 máy bay F-16 từ Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ và Na Uy, trong đó dự kiến sẽ có 20 chiếc sẽ đến Kiev trong năm nay.

Nga đánh phủ đầu chiến đấu cơ Ukraine

Gần đây, Nga đã tăng cường tấn công vào các căn cứ không quân của Ukraine, đặt ra những thách thức cho Ukraine trong việc bảo vệ an toàn cho chiến đấu cơ F-16 khi chuẩn bị triển khai chúng lần đầu tiên vào mùa hè này. Động thái này cũng thể hiện quyết tâm của Moscow trong việc phá hủy sức mạnh của các chiến đấu cơ, đặc biệt là F-16, ngay cả trước khi chúng tham chiến, theo tờ The New York Times.

Để làm được điều đó, Nga đã bao phủ bầu trời Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm do thám, khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine để mở các cuộc không kích ngày càng tinh vi hơn.

 Hậu quả của cuộc không kích của Nga nhắm vào bệnh viện nhi ở Kiev vào đầu tháng này. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hậu quả của cuộc không kích của Nga nhắm vào bệnh viện nhi ở Kiev vào đầu tháng này. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Đơn cử, các quan chức Ukraine cho biết dù Nga đã tấn công các sân bay của Ukraine kể từ những ngày đầu của cuộc chiến nhưng cuộc tấn công vào sân bay quân sự Myrhorod của Ukraine vào đầu tháng 7 lại rất đáng chú ý.

Người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine - ông Yury Ihnat cho rằng quân Nga đã nghĩ ra một chiến thuật mới. Theo ông, quân Nga đang cải tiến tên lửa và UAV trinh sát, làm cho Ukraine không thể tác động đến những vũ khí này bằng chiến tranh điện tử cũng như lập trình trước cho các UAV trinh sát bay sâu vào Ukraine mà không phát ra các tín hiệu điện tử khiến chúng khó bị phát hiện hơn.

Ukraine bời bời nỗi lo

Một số chuyên gia cho rằng việc thiếu phi công được đào tạo và số lượng chiến đấu cơ F-16 hạn chế sẽ khiến Ukraine không giành được lợi thế trong thời gian ngắn.

Ông Hunter Stoll, nhà phân tích quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ) cho rằng Nga đã có rất nhiều thời gian để củng cố khả năng phòng thủ của mình, đặc biệt dọc theo các khu vực tiền tuyến. Do đó, các chiến đấu cơ F-16 và phi công Ukraine sẽ phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt từ lực lượng phòng không Nga, cả trên mặt đất và trên bầu trời.

 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ hai từ trái sang), cùng các phi công chiến đấu cơ F-16 và huấn luyện viên tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 5. Ảnh: EPA/SHUTTER STOCK

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ hai từ trái sang), cùng các phi công chiến đấu cơ F-16 và huấn luyện viên tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 5. Ảnh: EPA/SHUTTER STOCK

Cạnh đó, theo các quan chức quân sự Ukraine và Mỹ, Ukraine cũng sẽ gặp khó khăn do chỉ có một ít phi công được đào tạo. Các quan chức Mỹ cho biết tổng cộng chỉ khoảng 20 phi công Ukraine thuộc các chương trình đào tạo khác nhau của Mỹ, Hà Lan và Đan Mạch dự kiến sẵn sàng tác chiến trong năm nay.

Thông thường, chỉ huy không quân sẽ phân bổ ít nhất hai phi công trên mỗi máy bay chiến đấu. Như vậy, việc chỉ có 20 phi công Ukraine sẵn sàng tham chiến sẽ chỉ cho phép tối đa 10 chiếc chiến đấu cơ F-16 hoạt động để thực hiện nhiệm vụ trong năm nay.

Một thách thức lớn nữa là Ukraine thiếu nhân viên bảo trì và hỗ trợ trên mặt đất đã qua đào tạo để duy trì hoạt động của F-16, theo đánh giá của các quan chức quân sự Mỹ và Ukraine nói trên.

Tháng trước, Tướng Charles Q. Brown Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và cũng từng là phi công F-16 lâu năm, nói: “Bạn không chỉ cần có phi công mà thôi. Bảo trì cũng là một phần quan trọng và đào tạo những người bảo trì cũng thế”.

Ukraine tìm mọi cách bảo vệ chiến đấu cơ

Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yury Ihnat nói rằng không quân Ukraine đã áp dụng hiệu quả các chiến thuật đánh lừa Nga, như chế tạo máy bay mô hình để làm mồi nhử hay ngụy trang máy bay, để bảo vệ phi đội máy bay chiến đấu thời Liên Xô vốn đã ít ỏi.

Theo ông, nhờ các mô hình này, Nga đã tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm tên lửa vì đánh vào mục tiêu giả. Ông Ihnat cũng cho biết sẽ áp dụng chiến thuật tương tự với những chiếc chiến đấu cơ F-16.

Tuần trước, Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine - ông Oleksandr Syrsky nói rằng Ukraine cần khẩn trương tìm ra các phương pháp mới để tiêu diệt UAV của Nga trong bối cảnh các UAV này đang phơi bày tất cả những gì trên chiến trường, giúp quân Nga tiện đường tác chiến.

Người phát ngôn Ihnat cho biết Ukraine cũng đang sử dụng các máy bay huấn luyện Ykovlev Yak-52 từ những năm 1970 để săn lùng các UAV trinh sát của Nga.

Ngoài ra, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Không quân Ukraine - ông Serhiy Holubtsov dự đoán rằng các cuộc tấn công của Nga vào các sân bay sẽ gia tăng và do đó, Ukraine sẽ không giữ tất cả số F-16 mà phương Tây cung cấp ở trong lãnh thổ nước này.

“Sẽ có một lượng máy bay nhất định được cất giữ tại các căn cứ không quân an toàn ở bên ngoài Ukraine để chúng không trở thành mục tiêu. Và đây sẽ là khoản dự trữ của Ukraine trong trường hợp cần thay thế những chiếc máy bay bị lỗi trong quá trình bảo trì định kỳ” - ông Holubtsov nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên bố rằng việc cất giữ máy bay hoặc các trang quân sự khác của Ukraine ở nước ngoài có thể “gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột”.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chien-dau-co-f-16-co-giup-ukraine-het-noi-lo-phong-khong-post802713.html