''Chiến đấu'' với vi rút trên mặt trận xuất bản
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều ngành, nghề, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội, làng sách Việt đã có những cuộc 'ra quân thần tốc' để kịp thời xuất bản những cuốn sách cùng cả nước chống dịch.
Đề tài “lạ” của làng sách 2020
Covid-19 là đề tài “lạ” của ngành xuất bản năm vừa qua. Ngay từ những ngày đầu “mùa dịch”, những cuốn sách cẩm nang mang đến cho độc giả kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch bệnh đã nhanh chóng “chào đời”. Đầu tiên phải kể đến ebook “Hỏi - đáp về chủng virus Corona mới 2019” được dịch và tổng hợp bởi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng, do Ehomebooks và NXB Phụ nữ liên kết xuất bản. Cùng với bản điện tử được phát hành miễn phí, cuốn sách còn được in và gửi tặng nhiều trường học, cơ sở y tế ở các địa phương.
Cũng là sách điện tử miễn phí, cuốn “Cẩm nang phòng bệnh mùa virus” giúp bạn đọc nhận diện và phòng tránh các bệnh do vi rút nói chung gây ra; hướng dẫn phòng bệnh và đề cập những kiến thức cơ bản về vi rút. Hay cuốn “Dịch Covid-19: Hiểu rõ và phòng ngừa đúng cách” nhằm giải đáp các thắc mắc và chia sẻ hướng dẫn phòng dịch Covid-19, qua đó giúp người dân biết cách tự bảo vệ hiệu quả hơn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh mang đến những diễn giải hài hước, gần gũi và dễ hiểu với đa số bạn đọc trong cuốn sách “Corona từ A đến Z: Đại dịch tim không đập thình thịch".
Hầu hết những cuốn sách cẩm nang “chiến đấu” với vi rút đều được xuất bản từ khá sớm, ngay trong những ngày còn đang thực hiện giãn cách xã hội.
Những cuốn sách còn đọng lại
Sách về Covid-19 không chỉ dừng ở những trang tư vấn, bài hỏi đáp về kiến thức dịch bệnh, mà còn đọng lại trong lòng độc giả là những trang viết, những bức tranh, ảnh về “chuyện hậu trường”, nơi những chiến sĩ áo trắng, áo xanh ngày đêm chống dịch, tình hình các khu cách ly hay tâm tư của những người con đang ở nơi xa Tổ quốc, xa gia đình mong ngóng được trở về trong vòng tay yêu thương.
Cuốn sách điện tử “Nhật ký mùa dịch” do thương hiệu sách Tác giả Việt (Sống) phối hợp cùng iPub xuất bản, là tập hợp bài viết của nhiều tác giả gồm các bác sĩ, các du học sinh, những người Việt sống ở vùng dịch,… cùng ghi lại những câu chuyện người thật, việc thật chân thực và đầy xúc động về đại dịch.
Dy Khoa, cậu bé hơn 10 năm trước từng nhập viện, cách ly vì mắc cúm A/H1N1 đã viết cuốn sách “Đi qua hai mùa dịch” như một lời cảm ơn đặc biệt gửi đến đội ngũ nhân viên y tế, những chiến sĩ tuyến đầu bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cùng chung suy nghĩ ấy là tác giả Tăng Quang, kiến trúc sư trẻ đã vẽ những bức tranh nổi tiếng trên mạng xã hội về những con người anh đã gặp, những câu chuyện anh đã chứng kiến trong những ngày bị cách ly, trong cuốn sách “Con đã về nhà - I'm home”.
Cũng là sách tranh, họa sĩ Lê Sa Long cho ra mắt cuốn “Khẩu trang và Người nổi tiếng”. Còn nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong lại lưu giữ từng khoảnh khắc của người dân, của đội ngũ y, bác sĩ… trong tập sách ảnh “Sài Gòn Covid-19” in song ngữ Việt - Anh.
Sách về Covid-19 còn có hàng loạt trang viết xúc động của những người con nước Việt sống ở nước ngoài nơi dịch đã và đang bùng phát mạnh mẽ. Tác giả Phương Thu Thủy kể về những ngày tháng mắc kẹt trên đất Mỹ trong cuốn sách “Mắc kẹt”. Y tá người Australia gốc Việt Iris Lê ghi lại những trải nghiệm trong cuốn "Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái". Tiến sĩ tâm lý Cù Thu Hương chia sẻ về những ngày dịch bệnh ở kinh đô ánh sáng trong cuốn sách “Paris+14”; tác giả Giáng Hương khắc họa “Paris 55 ngày cấm túc”.
Đặc biệt là cuốn sách “Chiến dịch Hoa kim tước” với những trang viết xúc động và hồi hộp đến nghẹt thở của Đại sứ Phạm Sanh Châu kể về một “cuộc di dân bác ái” - đó là hành trình mà các cán bộ Đại sứ quán đã thực hiện để đưa được hàng trăm người dân Việt Nam mắc kẹt tại Ấn Độ vì Covid-19 về nước an toàn.
Ngoài ra, ở thể loại văn chương, có hai cuốn sách viết về Covid-19 là truyện dài “Tình người cách ly” của nhà văn Từ Nguyên Thạch và tiểu thuyết “Những ngày cách ly” của tác giả Bùi Quang Thắng.