Chiến dịch bầu cử Tổng thống Hàn Quốc:Thấy gì từ cam kết của các ứng cử viên

Sau tình trạng hỗn loạn chưa từng có trong 6 tháng qua, người dân Hàn Quốc có thể thở phào nhẹ nhõm khi trọng tâm chính trị đã chuyển từ cuộc khủng hoảng luận tội sang chính sách kinh tế trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, chính trường đầy bất ổn và căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, đây được xem là cuộc bầu cử mang ý nghĩa quyết định đối với tương lai Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian để công chúng xem xét và đánh giá các ứng viên lại cực kỳ ngắn ngủi.

Trong tuần này, 7 ứng cử viên tổng thống đã bắt đầu khởi động chiến dịch tranh cử. Song các cuộc thăm dò ban đầu cho thấy cuộc đua hiện đang xoay quanh hai ứng viên chủ chốt. Ứng cử viên Lee Jae-myung thuộc đảng Dân chủ tự do đối lập Hàn Quốc đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 49,5%. Đứng thứ hai là ông Kim Moon-soo của đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền với 38,2%. Úng cử viên Lee Jun-seok thuộc đảng Cải cách mới - một đảng bảo thủ nhỏ - theo sau với 5,7%, trong khi khoảng 5% cử tri vẫn chưa quyết định.

Ứng cử viên đảng Quyền lực Nhân dân Kim Moon-soo, ứng cử viên đảng Dân chủ tự do Lee Jae-myung và ứng cử viên Lee Jun-seok. Ảnh: Yonha

Ứng cử viên đảng Quyền lực Nhân dân Kim Moon-soo, ứng cử viên đảng Dân chủ tự do Lee Jae-myung và ứng cử viên Lee Jun-seok. Ảnh: Yonha

Trong bối cảnh kinh tế lớn thứ tư châu Á - một trong những câu chuyện thành công nhất của khu vực trong những thập kỷ gần đây - đang chao đảo vì tăng trưởng chững lại, xã hội già hóa nhanh chóng và những đòn tác động từ cuộc chiến thuế quan của Donald Trump, thì các vấn đề về kinh tế và quốc kế dân sinh đang chi phối chiến dịch tranh cử từ nay cho đến ngày bỏ phiếu 3.6.

Cam kết rộng lớn, tầm nhìn đối lập

Các ứng viên đều đưa ra những cam kết chính sách đầy tham vọng, với trọng tâm là tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế. Tuy nhiên, cách tiếp cận và hệ tư tưởng của họ lại khác biệt rõ rệt.

Dẫn đầu cuộc đua, ông Lee Jae-myung theo đuổi tầm nhìn biến Hàn Quốc thành “cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới” thông qua đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tiên tiến. Ông cam kết mở rộng ngân sách AI ngang tầm quốc tế, cải cách luật thương mại để bảo vệ cổ đông thiểu số, và cải tổ hệ thống tư pháp nhằm “chống lại giới tinh hoa ăn sâu bám rễ”.

Ông Lee cũng có kế hoạch đưa quốc phòng trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước, cung cấp phiếu mua hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và củng cố sức mạnh mềm của đất nước bằng cách tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp giải trí.

Về chính sách đối ngoại và thương mại, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia làm trung tâm, ông theo đuổi chiến lược châu Á mới và hợp tác với "Nam bán cầu" và tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu trong thương mại, chuỗi cung ứng, quốc phòng và cơ sở hạ tầng. Ông sẽ tìm cách giảm bớt căng thẳng với nước láng giềng phía Bắc trong khi vẫn duy trì mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến từ Hoa Kỳ.

Về thể chế, ông Lee và đảng Dân chủ tự do của ông cho biết họ sẽ giám sát việc phục hồi nền dân chủ của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng chính trị và có ý định kiểm soát chặt chẽ hơn quyền ban bố thiết quân luật của tổng thống.

Để thu hút cử tri trẻ tuổi đang ngày càng thờ ơ với chính trị, ông Lee đề xuất mô hình phân phối tài sản công bằng hơn trong xã hội. Đáng chú ý, ông hứa sẽ từng bước áp dụng tuần làm việc 4 ngày vào năm 2030 để cắt giảm giờ làm xuống dưới mức trung bình của các nước OECD, một chủ đề có được sự quan tâm của giới trẻ. Người Hàn Quốc làm việc nhiều giờ nhất trong số các nước OECD.

Trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của đất nước, ông Lee có kế hoạch khấu trừ thuế thu nhập cho cha mẹ theo tỷ lệ số con họ có và tăng nguồn cung nhà cho thuê cho các cặp vợ chồng mới cưới. Để giải quyết vấn đề dân số già, ông Lee sẽ tìm cách tăng cường các dịch vụ điều dưỡng và xây dựng nhà ở thân thiện với người cao tuổi.

Về phía đảng bảo thủ, ông Kim Moon-soo theo đuổi chiến lược “thân thiện với doanh nghiệp”, tập trung vào mục tiêu tạo ra nhiều việc làm hơn thông qua cắt giảm thuế, nới lỏng các rào cản đối với doanh nghiệp và đầu tư hạ tầng. Ông đề xuất giảm thuế doanh nghiệp, thuế thừa kế, giá điện công nghiệp và cải cách thị trường lao động. Một điểm nổi bật trong chương trình của ông là thành lập quỹ hợp tác công - tư trị giá 100.000 tỷ won (khoảng 71,2 tỷ USD) để thúc đẩy ngành công nghiệp AI.

Ông Kim cũng đặt trọng tâm vào mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc GTX, giảm chi phí nhà ở cho các cặp đôi trẻ và gia đình mới cưới. Về an ninh quốc gia, ông theo đuổi lập trường cứng rắn: tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật và phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, ông đề xuất các cải cách sâu rộng trong lĩnh vực y tế và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, trực tiếp dưới quyền giám sát của tổng thống.

Ứng cử viên Lee Jun-seok – đại diện cho tầm nhìn cải cách - kêu gọi phi tập trung hóa và quản trị theo hướng kỹ trị. Ông đề xuất cắt giảm số bộ, ngành từ 19 xuống còn 13, trao quyền cho chính quyền địa phương trong việc quyết định mức thuế doanh nghiệp và lương tối thiểu, và chuyển sang hệ thống lương hưu dựa trên hiệu suất.

Ông cũng kêu gọi cải cách hệ thống visa với cơ chế “cấp tốc” dành cho các nhà khoa học, cùng với việc đơn giản hóa quy định theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Một đề xuất đáng chú ý khác là cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí cho giáo viên - phản ánh cam kết bảo vệ quyền lợi của công chức.

Cam kết nhiều, thời gian ít

Dù các cam kết chính sách lần này rất đa dạng và đầy tham vọng, nhưng điều còn thiếu nhất hiện nay là thời gian - thời gian để các ứng cử viên tranh luận sâu sắc hơn, để người dân đánh giá chu toàn hơn, và để báo chí mổ sẻ, phân tích. Tại Hàn Quốc, không hiếm khi các chiến dịch tranh cử bị lấp đầy bởi những lời hứa mang tính dân túy, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ nhất thời, rồi sau đó nhanh chóng bị các ứng viên và đảng phái lãng quên sau ngày bầu cử.

Đây là mô tuýp mà Hàn Quốc không nên để lặp lại. Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước ngã rẽ về kinh tế và chính trị, các cam kết tranh cử không thể chỉ là khẩu hiệu - mà cần được xem là những bản hợp đồng thực sự với người dân.

Còn cử tri Hàn Quốc cần vượt qua tâm lý đảng phái và tầm nhìn ý thức hệ, để đánh giá tính khả thi và tính nhất quán trong các đề án chính sách của từng ứng viên.

Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc sẽ không chỉ thừa hưởng một chính phủ chia rẽ, mà còn phải đối mặt với nhiệm vụ phục hồi niềm tin thể chế, tái định hướng nền kinh tế và lèo lái đất nước trong một trật tự toàn cầu ngày càng bất ổn. Đây sẽ là một nhiệm vụ vô cùng thách thức. Chính vì vậy, trách nhiệm của cử tri không chỉ là chọn ra một nhà lãnh đạo - mà còn là yêu cầu sự rõ ràng, tính khả thi và trách nhiệm từ những người đang kêu gọi lá phiếu của họ.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chien-dich-bau-cu-tong-thong-han-quoc-thay-gi-tu-cam-ket-cua-cac-ung-cu-vien-10372718.html