Chiến dịch Biên giới 1950 trong bối cảnh chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Trong 5 năm đầu của nền Cộng hòa Dân chủ, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập mới giành được trong tình thế hầu như bị tách biệt với bên ngoài. Chưa có một quốc gia nào công nhận nước Việt Nam độc lập, không có một nguồn viện trợ quốc tế nào giúp đỡ. Từ năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực, góp phần tạo nên những điều kiện khách quan, chủ quan cần thiết cho việc mở Chiến dịch Biên Giới.

Trên bình diện quốc tế

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ra đời, với trụ cột là Liên Xô. Đây là một nhân tố mới, làm thay đổi tương quan lực lượng toàn cầu, có lợi cho phong trào cách mạng thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm mới hình thành, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và tiến hành các nhiệm vụ cách mạng của nước mình nên chưa quan tâm nhiều tới khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đến năm 1950, tình hình kinh tế- xã hội của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã dần đi vào ổn định và phát triển. Liên Xô đã đi vào thực hiện kế hoạch 5 năm 1946-1950 và chế tạo thành công vũ khí nguyên tử (1949), phá thế độc tôn của Mỹ về loại vũ khí này. Sự vững mạnh của Liên Xô là chỗ dựa vững chắc cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, nguồn cổ vũ lớn lao cho các dân tộc đang bị áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Bên cạnh đó, tháng 10-1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa ra đời đã giáng một đòn mạnh vào chủ nghĩa đế quốc, đánh đổ một bộ phận quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chúng, góp phần cổ vũ cho phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới và tăng cường sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc và sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo đường lối xã hội chủ nghĩa đã làm cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được mở rộng từ Tây sang Đông, một hậu phương bao la ở phía Bắc đã mở ra đối với nước ta. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới, trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa, đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đến Trung Quốc và Liên Xô[1], mở đầu cho việc các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

Tại Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có các cuộc gặp gỡ với Đại nguyên soái Liên Xô Stalin và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Tại các cuộc gặp này, khi đề cập tới tình hình cách mạng Việt Nam từ năm 1945 - 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trong tình thế cực kỳ gian nguy sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam đã phải thực hiện những biện pháp chiến lược, sách lược cực kỳ khôn khéo để đối phó với thù trong giặc ngoài. Stalin nói: “Trước kia do nhiều nguồn tin chưa chính xác nên lãnh đạo Liên Xô chưa hiểu tình hình Đông Dương và Việt Nam”; nay ‘‘Liên Xô đồng tình với đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ cùng với các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tích cực viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến và đào tạo cán bộ cho xây dựng hòa bình”[2]. Liên Xô và Trung Quốc nhất trí sẽ trang bị vũ khí cho 6 đại đoàn bộ binh của Việt Nam[3]. Mao Trạch Đông còn khẳng định Quảng Tây của Trung Quốc sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam[4]. Đây là sự ủng hộ vô cùng to lớn của hệ thống xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là Liên Xô và Trung Quốc đối với cách mạng nước ta. Sự ủng hộ đó không chỉ về chính trị, ngoại giao mà còn về đào tạo cán bộ và vật chất (trang bị vũ khí, hậu cần), thậm chí cả con người (chuyên gia quân sự).

Để tỏ rõ quan điểm của Việt Nam, ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới.”[5]. Sau tuyên bố này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc, Liên Xô và một loạt nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân đã ra tuyên bố công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [6]. Như vậy, từ đây cách mạng Việt Nam đã thật sự nhận được sự hậu thuẫn to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô. Sự tác động của hệ thống xã hội chủ nghĩa đối với nước ta đã thay đổi về chất. Sự thay đổi đó xuất phát từ cả hai phía. Việt Nam đã chủ động tìm sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa[7] và các nước xã hội chủ nghĩa cũng đã sẵn sàng ủng hộ cách mạng Việt Nam. Đánh giá về sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: ‘‘mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ, và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới”[8]. Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 9-2-1950 khẳng định: “Việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân sốt sắng thừa nhận và đặt bang giao với Việt Nam (….), chứng tỏ phe dân chủ thế giới do Liên Xô lãnh đạo quyết tâm giúp đỡ Việt Nam, đặt Việt Nam một cách công khai và chính thức trong hàng ngũ các nước dân chủ thế giới”[9]

Trong nước

Sau 5 năm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Trên lĩnh vực quân sự, thắng lợi của cuộc phản công lớn ở Việt Bắc là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; giữ vững căn cứ địa kháng chiến của cả nước; bảo toàn và phát triển lực lượng kháng chiến. Qua chiến dịch phản công đầu tiên này, Đảng ta có thêm nhiều kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh. Nhìn toàn cục, chiến thắng Việt Bắc tạo ra sự biến đổi đáng kể trong so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thế chiến lược mới có lợi cho ta. Thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng sang “đánh lâu dài” với âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”. Chúng ráo riết bình định vùng tạm chiếm, càn quét lấn chiếm vùng tự do của ta, đẩy mạnh xây dựng chính phủ bù nhìn, mở rộng ngụy quân (năm 1948 có 8 vạn ngụy binh, chiếm gần 50% tổng số quân địch).

Để đập tan âm mưu của địch và xuất phát từ yêu cầu phát triển lực lượng, mở rộng chiến tranh nhân dân, xây dựng ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, từ giữa năm 1948, Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương phân tán hai phần ba bộ đội chủ lực thành các đại đội độc lập, kết hợp tác chiến với vận động quần chúng đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích phá tề, trừ gian; kết hợp chiến tranh du kích với nổi dậy của quần chúng phá tề, xây dựng chính quyền cách mạng ở nông thôn, xây dựng làng chiến đấu và các căn cứ du kích là một chủ trương quan trọng trong hai năm 1948-1949.

Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng nghìn cán bộ, hàng trăm đại đội độc lập và đội xung phong công tác, đội vũ trang tuyên truyền đã được tăng cường vào vùng tạm bị chiếm. Phong trào chống thuế, chống bắt phu, bắt lính, trừ gian... nổi dậy đồng loạt ở nhiều nơi vùng sau lưng địch phát triển thành phong trào tổng phá tề rầm rộ. Chính quyền bù nhìn bị tan vỡ từng mảng. Chính quyền cách mạng được lập lại ở nhiều nơi với những hình thức thích hợp. Nhiều làng chiến đấu được thành lập và đương đầu có hiệu quả với các cuộc càn phá ác liệt của địch. Để tăng cường xây dựng bộ đội chủ lực, tháng 11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự. Hàng vạn thanh niên náo nức tòng quân, đưa quân số lên 23 vạn. Đầu năm 1950, hai đại đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh và của các quân khu ra đời. Dân quân tự vệ phát triển lên tới ba triệu người.

Trên mặt trận kinh tế, thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kháng chiến và đấu tranh kinh tế với địch, Đảng và Chính phủ kháng chiến chủ trương xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân, vừa tự cấp, tự túc, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc kháng chiến, đồng thời tích cực đấu tranh chống lại những hành động phá hoại của địch. Về nông nghiệp, tháng 2 năm 1949, Chính phủ ra sắc lệnh tịch thu ruộng đất của thực dân và Việt gian phản động, tạm chia cho dân cày. Thực hiện xóa nợ cũ, giảm tô, giảm tức cho nông dân. Đẩy mạnh công tác thủy lợi, hướng dẫn nông dân đi vào làm ăn tập thể với nhiều hình thức thích hợp, khuyến khích nhân dân khai hoang, phục hóa. Đến đầu năm 1950, cả nước có 1.562 hợp tác xã và 25.491 tổ đổi công. Sản lượng lương thực ngày càng tăng.

Năm 1950 từ Liên khu IV trở ra, sản lượng lúa đạt xấp xỉ 2,4 triệu tấn. Lương thực cho cuộc kháng chiến đã được đáp ứng. Về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghiệp quốc phòng đến năm 1949 có 130 xưởng sản xuất vũ khí nhằm phục vụ cho quốc phòng và dân sinh. Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo và một số xưởng chế tạo đã sản xuất được các loại máy như: máy in, máy khoan, máy tiện, máy cưa. Các mỏ than trong vùng tự do như Tân Trào (Tuyên Quang), Quán Triều (Thái Nguyên) được phục hồi và khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp. Nghề làm giấy, dệt vải, làm muối, xà phòng, thuốc lá, đường, phát triển mạnh tại nhiều nơi trong cả nước.

Trên mặt trận văn hóa, giáo dục, y tế, nhân dân ta đã thu được những thắng lợi quan trọng. Tháng 7 năm 1948, Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được triệu tập tại Việt Bắc. Tại Đại hội, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, nêu rõ lập trường, tính chất, nhiệm vụ của văn hóa kháng chiến. Hội Văn hóa Việt Nam được thành lập, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong vùng tự do được đẩy mạnh. Đội ngũ văn nghệ sỹ hăng hái hòa nhập vào cuộc sống sôi động của dân tộc. Đời sống văn hóa kháng chiến được nâng cao, phát triển.

Về giáo dục, phong trào xóa nạn mù chữ và phát triển các loại trường lớp được đẩy mạnh. Năm 1948 có thêm bốn triệu người biết chữ. Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên xóa nạn mù chữ. Năm 1950, Bộ Giáo dục thực hiện chương trình cải cách giáo dục. Từ Liên khu IV ra đến Việt Bắc đã có gần 1.000 trường tiểu học và trung học. Ở Liên khu V, phần lớn các huyện có trường cấp II và tỉnh có trường cấp III. Ở Nam Bộ, tình hình có khó khăn hơn. Các tỉnh mới lập được trường tiểu học, toàn miền mới có hai trường trung học là trường Nguyễn Văn Tố và trường Thái Văn Lung. Đến năm 1949, chúng ta cũng đã có các trường đại học Y khoa, Sư phạm, Mỹ thuật tại Việt Bắc.

Về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có những thành công rất cơ bản. Phong trào “ăn sạch, uống sạch, ở sạch” phát triển rộng rãi trong cả nước. Việc chữa bệnh đi liền với phòng bệnh. Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống cơ sở y tế từ Trung ương đến liên khu, tỉnh, huyện và xã. Các trường đại học, viện nghiên cứu và các bệnh viện đã sản xuất được một số loại thuốc cơ bản như Pênixilin, Steptômixin.

Trên mặt trận chính trị, công tác xây dựng chính quyền cũng đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Uy tín chính trị của Chính phủ kháng chiến ngày càng được khẳng định. Bộ máy nhà nước từng bước được kiện toàn. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức ưu tú qua thử thách được kết nạp vào Đảng. Qua cuộc vận động xây dựng “chi bộ tự động công tác”, tổ chức cơ sở đảng được tôi luyện, trưởng thành và thực sự là hạt nhân lãnh đạo kháng chiến ở các địa phương.

Về đối ngoại, đầu năm 1950 cùng với việc Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta, nhân dân nhiều nước châu Á, châu Phi đã dành cho nhân dân Việt Nam tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ tích cực. Phong trào phản chiến của nhân dân Pháp phát triển rầm rộ. Mối quan hệ truyền thống, liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương được tăng cường. Với sự giúp đỡ, phối hợp của quân và dân ta, các khu căn cứ kháng chiến ở Trung Lào, Hạ Lào được thành lập; Ủy ban Dân tộc giải phóng Khơme ra đời. Thế liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương càng thêm vững chắc.

Những thắng lợi về mọi mặt của quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến phát triển với thế và lực mới. Đó chính là cơ sở để Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Ngày 16-9-1950, chiến dịch bắt đầu mở màn bằng trận Đông Khê. Qua 29 ngày đêm chiến đấu ác liệt (từ ngày 16-9-1950 đến ngày 15-10- 1950), ta đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh của địch, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập, nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tác chiến và nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của quân đội ta. Từ chiến dịch này, cục diện chiến tranh đã có những chuyển biến lớn. Ta bắt đầu giành được quyền chủ động chiến lược, còn thực dân Pháp bị đẩy vào chiến lược phòng ngự.

Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sự

Học viện Chính trị

[1] Ngày 2-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Trung Quốc, hai bên nhất trí công nhận lẫn nhau. Trung Quốc đồng ý giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân ta và đề nghị Liên Xô chấp thuận việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Liên Xô. Ngày 15-1, Chính phủ ta ra tuyên bố công nhận Công hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 18-1-1950, Trung Quốc công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3-2-1950, Chủ tich Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô. Trước đó, ngày 30-1-1950, Liên Xô ra tuyên bố công nhận Chính phủ ta.

[2] Theo Nguyễn Phúc Luân: Ngoại giao Việt Nam từ Việt Bắc đến hiệp định Geneva, Nxb Công an nhân dân, H, 2004, tr 149

[3] Trước mắt, Liên Xô chi viện cho ta 1 trung đoàn pháo cao xạ 37 li, một ssos xe vân tải và thuốc men. Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho 1 đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh và sẽ vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho ta.

[4] Theo Võ Nguyên Giáp: Đưởng tới Điện Biên phủ, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1999, tr 14-15

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 311

[6] Sau Trung Quốc và Liên Xô ra tuyên bố công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới lần lượt công nhận Chính phủ ta: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (31-1), Tiệp Khắc (2-2), Cộng hòa Dân chủ Đức (2-2), Ba Lan (3-2), Hungari (4-2), Bungari(8-2), Anbani (13-2-1950) và sau đó là Mông Cổ.

[7] Trước chuyến đi thăm Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ mùa hè năm 1949, theo yêu cầu của phía bạn, ta đã đưa bộ đội sang phối hợp với lực lượng vũ trang của bạn tiêu diệt hàng ngàn quân Quốc dân Đảng, giải phóng hàng vạn dân, mở rộng vùng căn cứ địa ở khu vực Thập Vạn Đại Sơn, tạo điều kiện cho quân giải phóng Trung Quốc giải phóng vùng Hoa Nam. Trong năm 1950, bộ đội ta tiếp tục phối hợp với quân giải phóng Trung Quốc truy quét lực lượng Quốc dân Đảng ở khu vực biên giới 2 nước.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr 423-424

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr 222.

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/chien-dich-bien-gioi-1950-trong-boi-canh-chung-cua-cuoc-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-130533