Chiến dịch 'Con rồng Mekong': Sáng kiến được đưa vào tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc Bài 2: Góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam
Với vai trò đồng tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến dịch 'Con rồng Mekong' giai đoạn V (OMD V) tại Việt Nam diễn ra mới đây, Hải quan Việt Nam tích cực tham gia với nhiều vai trò.
Đóng góp của Hải quan trong duy trì an ninh chung của khu vực
Tham dự với vai trò cơ quan đồng sáng kiến, đồng chủ trì điều phối các phiên họp và đại biểu tham dự, Hải quan Việt Nam đã phối hợp điều phối 3 phiên họp tại Hội nghị. Trong đó, Hải quan Việt Nam là điều phối chính trong phiên cuối cùng liên quan đến đánh giá tổng thể các kết quả đã đạt được và thảo luận về phương hướng, cách thức triển khai Chiến dịch “Con rồng Mekong” VI; có bài trình bày đánh giá về Chiến dịch OMD V.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan Việt Nam) Nguyễn Hùng Anh cho biết, với sự kiện Chiến dịch “Con rồng Mekong” được đưa vào Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10/2022 đến ngày 1/11/2022, việc triển khai Chiến dịch giai đoạn 5 đã được Tổng cục Hải quan tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Hải quan Việt Nam đã tham mưu triển khai với phương châm mở rộng phạm vi và kết nối thành viên liên khu vực tham gia chiến dịch.
“Giai đoạn 5, chúng tôi có sự phối hợp tích cực của hai cơ quan thuộc Bộ Công an là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường. Ngoài ra, trên phạm vi toàn ngành, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo triển khai chiến dịch và thiết lập đầu mối tại 35 cục hải quan địa phương... Trong giai đoạn 5, có 123 vụ việc bắt giữ ma túy và động, thực vật hoang dã đã được cơ quan chức năng của Việt Nam thực hiện, tăng 2,15 lần so với giai đoạn 4”, Cục trưởng Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh.
Còn Phó Cục trưởng Cục Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) Vương Hòa khẳng định: “Với những nỗ lực chung, số lượng thành viên tham gia ngày càng tăng, số vụ bắt giữ được báo cáo tăng vọt và ảnh hưởng quốc tế của chiến dịch ngày càng rõ nét. Chiến dịch “Con rồng Mekong” là sự hợp tác hải quan hàng đầu ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, thể hiện sự đóng góp của Hải quan trong việc duy trì an ninh chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Thể hiện vai trò chủ động của Hải quan Việt Nam
Trong 5 giai đoạn, Hải quan Việt Nam đã tham gia xây dựng và phổ biến 96 cảnh báo và 5 báo cáo tổng kết đánh giá hoạt động triển khai các giai đoạn của chiến dịch cho toàn bộ các thành viên.
Chiến dịch “Con rồng Mekong” V được triển khai từ ngày 15/4/2023 đến ngày 16/11/2023 với sự tham gia của 25 cơ quan Hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức quốc tế. Tổng số vụ bắt giữ được các nước thành viên báo cáo trong giai đoạn V là 1.715 vụ, tăng 111% so với Chiến dịch giai đoạn IV.
Trong thời gian tổ chức triển khai Chiến dịch “Con rồng Mekong” V, lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã sát sao chỉ đạo toàn ngành Hải quan nghiêm túc triển khai chiến dịch, bảo đảm vai trò của nước sáng kiến và điều hành chiến dịch.
Kết quả triển khai của Chiến dịch qua 5 giai đoạn thực hiện từ năm 2018 - 2023 là rất đáng tự hào, được RILO AP đánh giá là một trong những Chiến dịch kiểm soát thành công nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với số lượng thành viên tham gia và số lượng vụ việc được cập nhật lên hệ thống thông tin chung của Chiến dịch (hệ thống CENCOmm).
Qua cơ chế của Chiến dịch đã có nhiều thông tin tình báo được cảnh báo, trao đổi giữa các nước để góp phần thực hiện bắt giữ thành công nhiều vụ việc buôn lậu và vận chuyển trái phép lớn.
Thành công của Chiến dịch “Con rồng Mekong” thể hiện vai trò chủ động của Hải quan Việt Nam trong các vấn đề kiểm soát khu vực và đã được cộng đồng Hải quan quốc tế và các tổ chức thực thi pháp luật đánh giá cao về chất lượng hợp tác, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, sự thành công của Chiến dịch là minh chứng cho nỗ lực rất lớn của các thành viên, sự phối hợp điều phối tích cực của Nhóm điều phối, sự hỗ trợ hiệu quả của Văn phòng UNODC khu vực và RILO AP.