Chiến dịch Điện Biên Phủ trong trái tim cựu chiến binh

Những ngày tháng 5 lịch sử đang đến gần, mang theo những dư âm hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', chúng tôi vinh dự gặp gỡ và trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Quốc Toản, tổ 9, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, một trong những nhân chứng lịch sử tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Toản ôn lại kỷ niệm thời chiến tranh với các cháu trong gia đình.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Toản ôn lại kỷ niệm thời chiến tranh với các cháu trong gia đình.

Sinh năm 1931 tại xã Nguyên Xá, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, năm 1950, ông Toản nhập ngũ. Năm 1953, ông được biên chế vào Đại đội 670, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại Đoàn 312 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông có nhiệm vụ tấn công, tiêu diệt cứ điểm Him Lam mở màn cho chiến dịch.

Năm nay, đã bước sang tuổi 94, nhưng trí nhớ của CCB Nguyễn Quốc Toản còn khá minh mẫn. Ông vẫn rành rọt kể về những năm tháng tham gia trận mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ với giọng nói đầy tự hào: Him Lam là một trong 3 trung tâm đề kháng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Him Lam được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500m, gồm 3 cứ điểm trên 3 quả đồi nằm ngay cửa ngõ đông - bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5 km.

Để chuẩn bị cho trận tấn công Him Lam, chúng tôi phải đào giao thông hào suốt hơn một tháng. Cứ đêm đến, cả đại đội tham gia đào và vận chuyển đất đá, đúng câu “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Ban đầu cứ điểm Him Lam được ấn định sẽ tấn công vào ngày 12/3/1954, nhưng với chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”, đúng 17 giờ ngày 13/3/1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu. Quân ta tổ chức nhiều mũi tấn công vào cứ điểm Him Lam, nhưng mất khoảng 5 giờ đồng hồ, cứ điểm Him Lam được người Pháp mệnh danh là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm trong hệ thống Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tiểu đoàn 3/13 DBLE của thực dân Pháp bị xóa sổ, 200 tên địch bị bắt sống, quân ta thu toàn bộ vũ khí, trang bị. “Đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” bị tiêu diệt quá nhanh, làm cho Bộ chỉ huy quân đội Pháp và toàn bộ binh lính ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hết sức lo sợ.

Nhắc lại những ký ức hào hùng không thể quên, ông Toản xúc động: Ngày đó, chỉ nghĩ đến làm sao đánh thắng giặc, không màng sống, chết. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại, nhiều người để lại một phần thân thể nơi mảnh đất Điện Biên. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, gia đình tôi có 3 liệt sỹ hy sinh. Trải qua sinh tử, may mắn còn được sống đến ngày hôm nay, tôi vẫn luôn phát huy tinh thần của “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần của người chiến sĩ Điện Biên tiếp tục truyền lại cho các thế hệ con cháu.

Sau chiến dịch, ông Toản tiếp tục công tác trong quân ngũ, tham gia nhiều trận chiến khác. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục cống hiến trong quân đội cho đến năm 1981 ông nghỉ hưu. Trong suốt nhiều năm đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng I, II, III; được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954...

Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Trở về với đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Toản vẫn tiếp tục tham gia hoạt động xã hội ở địa phương, đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Những hồi ức về tháng ngày hào hùng, đã trở thành những câu chuyện để giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí cách mạng, tiếp bước truyền thống cha anh, hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-/chien-dich-dien-bien-phu-trong-trai-tim-cuu-chien-binh-0pnoxnaIR.html