Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mang ý nghĩa to lớn
Tại Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971-Giá trị lịch sử và hiện thực', các tham luận đã tập trung phân tích, làm rõ diễn biến, tình hình, nghệ thuật tổ chức và chỉ huy chiến dịch của các LLVT Quân giải phóng, liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào.
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa lịch sử của chiến dịch góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số tham luận tại hội thảo.
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1:
Gấp rút chuyển hướng nhiệm vụ, tiến công Bản Đông
Đầu năm 1971, Trung đoàn Bộ binh 64 thực hiện mệnh lệnh tách khỏi đội hình Sư đoàn 320 để tăng cường cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thời gian hành quân bắt đầu từ ngày 1-1-1971. Địa điểm xuất phát từ Quảng Trạch (Ròn), tỉnh Quảng Bình. Đến 14 giờ ngày 31-1-1971 (tức mồng 5 Tết Tân Hợi), đơn vị đến T10 (trạm giao liên 10/Đường 559) thì nhận được điện của Bộ Tổng Tham mưu thông báo: “Địch đã ra Bản Đông; trung đoàn ngừng hành quân đi B. Ngày 6-2-1971 có mặt tại ngã ba La Tương Đường 16 gặp đồng chí Trịnh Tráng, Tham mưu phó Sư đoàn 308 nhận lệnh chiến đấu”. Qua thảo luận, chúng tôi thống nhất hạ quyết tâm chuyển đội hình từ “hành quân đường dài sang đội hình hành quân chiến đấu”. Khẩu hiệu hành quân là: “Đi nhanh-đi gọn-đến đủ-sẵn sàng chiến đấu, gặp địch đánh ngay, đánh thắng từ trận đầu”. Để bảo đảm thông tin liên lạc và tiến độ hành quân, chúng tôi tìm người tin cẩn dẫn đường đến ngã ba La Tương.
Ngày 5-2-1971, toàn bộ lực lượng trung đoàn đến trạm T4 (Bản Đông-Nam Lào), gặp tổ cán bộ tác chiến của Sư đoàn 308 đúng như điện báo. Ngày 8-2-1971, tiến hành trinh sát, xác định các điểm cần chốt giữ. Sau khi nắm, đánh giá tình hình, căn cứ vào diễn biến địch-ta, trung đoàn quyết định cử phân đội trinh sát và trợ lý tác chiến bám sát địch, lệnh Tiểu đoàn 7 chiếm giữ ngay ngã ba Đường 16 và Đường 9, tổ chức ngăn chặn địch, Tiểu đoàn 9 chốt giữ ngã ba La Tương, Tiểu đoàn 8 làm lực lượng dự bị.
Ngày 9-2-1971, các tiểu đoàn vào vị trí chiến đấu. Liên tiếp trong 3 ngày (10, 11 và 12-2-1971), địch đưa đại đội dù số 33 ra chiếm điểm cao 535 cách căn cứ 31 hơn 2km, tạo thành tiền đồn án ngữ. Chúng gặp Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 của ta đang chốt giữ. Lập tức, lực lượng ta nổ súng chiến đấu, khiến địch bị thiệt hại nặng. 10 giờ 30 phút ngày 13-2, địch tiếp tục dùng bom, pháo oanh tạc, đổ tiểu đoàn dù số 6 xuống điểm cao 535 nhưng cũng bị Tiểu đoàn 9 đánh bật ra, tiêu diệt phần lớn quân địch, số còn lại phải bỏ chạy về căn cứ. Tiểu đoàn 9 tổ chức truy kích, áp sát căn cứ 31 theo lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch. Từ ngày 20 đến 25-2, Trung đoàn 64 thực hành bao vây, tiêu diệt địch và làm chủ căn cứ 31. Đến 18 giờ 30 phút ngày 25-2, đơn vị đã diệt tiểu đoàn 3 dù, tiểu đoàn pháo binh 105 cùng toàn bộ bộ chỉ huy cơ quan lữ đoàn 3 dù của quân ngụy, bắt sống hàng trăm tên.
Phát huy thắng lợi, ngày 26 và 27-2, ta tổ chức đánh địch phản kích đường bộ từ Đường 9 theo Đường 16A, diệt phần lớn thiết đoàn 17 và bộ binh địch; tiếp tục áp sát Đường 9 cùng đơn vị bạn, tiêu diệt chặn quân địch lên Sê Pôn và đảm nhiệm mũi chủ yếu tiến công lực lượng địch khi chúng rút khỏi Đường 9. Đến ngày 23-3-1971, trung đoàn cùng các đơn vị bạn kết thúc thắng lợi chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, cùng các lực lượng tham gia chiến dịch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Qua chiến dịch này cho thấy, Trung đoàn 64 đã có bước tiến bộ vượt bậc, đó là nhanh chóng chuyển trạng thái từ đội hình hành quân đi B sang đội hình hành quân chiến đấu, tạo thế chủ động, gặp địch là tác chiến được ngay và giành thắng lợi ngay từ trận đầu. Đây là bài học rất quan trọng đối với các đơn vị chủ lực của Quân đội ta ngày nay khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
-----------
Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị:
Phát huy giá trị của chiến thắng vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Trị giàu mạnh
Phát huy hào khí chiến thắng Đường 9-Nam Lào, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị luôn đoàn kết một lòng, kiên trì, bền bỉ vượt mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Nền kinh tế tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng tạo nguồn lực cho sự phát triển. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 7,16%, tăng 1,25% so với nhiệm kỳ trước và cao hơn bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng năm 2020, gấp 1,6 lần năm 2015. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo vùng quê, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 60 xã, 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Từ một tỉnh không có các cơ sở công nghiệp, theo dòng thời gian, 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, gần 7.800 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhiều cơ sở quy mô khá lớn được hình thành, giải quyết việc làm cho người lao động. Tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hiện nay, Đường số 9 in đậm dấu ấn những chiến công lẫy lừng trở thành con đường Xuyên Á-Hành lang kinh tế Đông-Tây với điểm khởi đầu phía Thái Bình Dương là cảng biển Cửa Việt, cảng biển Mỹ Thủy, là điều kiện để tỉnh đẩy mạnh phát triển trong hội nhập.
Những địa danh như: Tà Cơn-Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ, Thành cổ Quảng Trị... được đầu tư tôn tạo, góp phần giáo dục truyền thống và khai thác phục vụ du lịch. Các lễ hội “Thống nhất non sông”, “Nhịp cầu Xuyên Á”, “Hoa đăng trên sông Thạch Hãn”... để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Tất cả những yếu tố đó chính là nền tảng để Quảng Trị từng bước vươn lên, phấn đấu trở thành địa phương ngày càng giàu mạnh.
-----------
Đại tá Hoàng Duy Chiến, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 (Quân khu 4):
Nắm chắc địch, chiến đấu linh hoạt, sáng tạo
Từ thực tiễn chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Sư đoàn 324 đúc kết một số kinh nghiệm: Với phương châm nắm chắc địch, hạ quyết tâm chiến đấu chính xác, kịp thời, chỉ huy chiến đấu linh hoạt, sáng tạo, sư đoàn đã tập trung lực lượng, kiên quyết đập tan cứ điểm 550 bằng phương pháp vừa vây ép vừa cơ động, từng bước siết chặt vòng vây, tiêu diệt cứ điểm này, đồng thời kìm chặt lữ đoàn 258 không cho chúng ứng cứu lẫn nhau. Khi sư đoàn làm nhiệm vụ thọc sâu cắt giao thông địch trên Đường 9, các đài quan sát, các trạm thông tin luôn nắm chắc đội hình, thời gian hành quân của địch, báo cáo chính xác về chỉ huy các đơn vị để có cách đánh thích hợp, đạt hiệu suất cao nhất.
Sư đoàn đã thường xuyên xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có ý chí quyết tâm chiến đấu thật cao, nỗ lực vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các phong trào thi đua được phát động sôi nổi như: Diệt máy bay, bắt sống giặc lái ở các đơn vị cao xạ; diệt trận địa pháo địch, chi viện cho bộ binh của các đơn vị pháo binh... Trung đoàn 2 làm nhiệm vụ cắt giao thông địch đã phát động phong trào “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Dũng sĩ bắn máy bay”... Quá trình phát triển chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đã quán triệt cụ thể phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến cho từng tình huống, từng đơn vị, từng tình thế, thời cơ, để đưa ra những khẩu hiệu hành động thích hợp như “Diệt trực thăng, săn cơ giới, triệt đường không, cắt đứt đường bộ”, “Đánh mạnh như 68, trụ bám như 70”...
Vận dụng linh hoạt, tổng hợp các cách đánh, nâng cao hiệu suất chiến đấu, sư đoàn đã sử dụng nhiều cách đánh khác nhau đối phó hiệu quả với các loại hình chiến thuật mà địch sử dụng, cụ thể: Để đánh bại chiến thuật sử dụng máy bay chi viện hỏa lực của địch, sư đoàn phát động phong trào bắn máy bay bằng súng bộ binh và súng máy cao xạ 12,7mm, 14,4mm; sử dụng pháo cao xạ tầm lớn để tiêu diệt hoặc hạn chế hiệu lực máy bay yểm trợ. Để đánh bại chiến thuật của địch sử dụng xe tăng, xe thiết giáp làm lực lượng đột kích mạnh, sư đoàn vận dụng cách đánh “chốt kết hợp với vận động tiến công”. Kết hợp tác chiến của chốt với bãi mìn chống tăng, tổ chức bắn tỉa xe tăng, xe thiết giáp, làm cho địch không phát huy được ưu thế của chúng. Để đánh bại địch khi chúng dùng xe tăng, xe thiết giáp làm lực lượng hộ tống, dẫn quân rút chạy, sư đoàn kịp thời truy kích, kết hợp chặn đầu với đánh thọc từ sau lên, đánh tạt sườn, chia cắt đội hình để tiêu diệt từng bộ phận địch; đồng thời, dùng công binh phá cầu cống, bố trí chướng ngại vật, đặt mìn... Nhờ phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong quá trình chuẩn bị, chiến đấu, sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
---------
Đồng chí Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị:
Khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam - Lào
Bộ chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào đã chỉ đạo quân và dân cả nước, trực tiếp là quân và dân các tỉnh Trung Lào và Hạ Lào liên minh phối hợp chiến đấu cùng quân và dân Việt Nam trên địa bàn chiến lược Nam Lào. Theo đó, lực lượng chủ lực, lực lượng địa phương, chính quyền tỉnh Savanakhet cùng với toàn dân đã chủ động đứng lên đẩy mạnh đấu tranh vũ trang bằng nhiều hình thức tác chiến, đã phối hợp liên minh chiến đấu chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam và nhân dân các huyện ở phía đông Đường số 9. Bộ CHQS tỉnh Savanakhet đã sử dụng 2 tiểu đoàn (14 và 18) làm lực lượng chính tham gia chiến dịch và tổ chức các đội dân quân du kích của các mường phía đông và phía tây làm lực lượng quan trọng, chủ động đánh nhỏ lẻ phân tán, đánh cắt giao thông, chặn đánh địch rút chạy. Tại điểm cao 450 trên hướng bắc Bản Đông-Sê Pôn, các chiến sĩ QĐND Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị QĐND Lào chiến đấu giành giật với địch từng chiến hào. Song song với đó, du kích Sê Pôn tỉnh Savanakhet tích cực tham gia cùng các đơn vị chủ lực Việt Nam tấn công dồn dập, bẻ gãy cánh quân ở phía bắc Đường 9 của địch, diệt gọn những cụm điểm then chốt trên các cao điểm 500, 543, đập tan cuộc phản kích của lữ đoàn 3 dù và trung đoàn 17 thiết giáp của quân ngụy.
Khi bộ đội hai nước Việt-Lào nổ súng đánh địch tại Sê Pôn, các lực lượng Mặt trận B5 cũng tổ chức tập kích địch bằng những trận hỏa lực dồn dập vào các căn cứ hậu cần, các sở chỉ huy của địch ở Khe Sanh, Sa Mưu, Đông Hà, Ái Tử, Cửa Việt, gây cho chúng nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh, kìm chân, ngăn chặn địch không cho chúng cơ động chi viện lẫn nhau, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tác chiến, phản công diệt địch...
Đánh giá ý nghĩa thắng lợi Đường 9-Nam Lào, Trung ương Đảng hai nước khẳng định: Chiến thắng Đường 9-Nam Lào khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.