Chiến dịch Hồ Chí Minh - kết thúc thắng lợi 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam
Ngày 28/4, không quân ta dùng máy bay A37 lấy được của Mỹ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng thống Mỹ buộc phải hủy bỏ kế hoạch di tản bằng máy bay có cánh cố định, chuyển sang thực hiện chiến dịch di tản 'người liều mạng' bằng máy bay lên thẳng.
Ảnh: Tư Liệu
Phối hợp cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực, 26.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công, biệt động, an ninh vũ trang, tự vệ và cơ sở cách mạng trong nội thành áp sát các mục tiêu địch, đánh chiếm và giữ các đầu mối giao thông trên năm hướng tiến vào nội đô. Thành ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh cử 7.000 cán bộ cơ sở xuống các xã, phường, quận, huyện tổ chức cho quần chúng nổi dậy và tiếp tế cơm nước, dẫn đường cho bộ đội tiến công. Do chuẩn bị chu đáo, cho nên trong quá trình cuộc tiến công, nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh, các tỉnh vùng ven đã nổi dậy chiếm các công sở, nhà máy, giữ trật tự - an ninh, truy bắt tàn binh địch còn lẩn trốn, tiếp tế cơm nước và dẫn đường cho bộ đội phát triển tiến công. Sự phối hợp nhịp nhàng của nhân dân nổi dậy và làm công tác binh vận đã góp phần rất quan trọng hỗ trợ tích cực cho các binh đoàn chủ lực phát triển tiến công nhanh vào nội đô.
5 giờ 30 phút ngày 30/4, quân ta từ bốn hướng đồng loạt đánh vào năm mục tiêu đã lựa chọn: Bộ tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Ðộc lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô.
Hướng tây và tây-nam: Sư đoàn 9, đoàn 232 đánh chiếm khu Nhà Bè, cầu Nhị Thiên Ðường, cầu Chữ Y, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ tư lệnh lục quân, chiếm khu Tân Tạo và khu ra-đa Phú Lâm...; Sư đoàn 5 và các trung đoàn 16, 24, 88 độc lập đánh diệt, làm tan rã sư đoàn 22, giải phóng thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa, chiếm cầu Bình Ðiền, An Lạc, phát triển cùng nhân dân giải phóng quận 5, 6, phối hợp với Sư đoàn 9 chiếm Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia...
Bộ đội đặc công phối hợp nhân dân đánh địch, giải phóng quận Tân Bình, quận Bình Chánh và đặc khu rừng Sác.
Hướng tây-bắc: Quân đoàn 3, sau khi đánh chiếm căn cứ Ðồng Dù, Trảng Bàng, diệt sư đoàn 25 ngụy, tiến công chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh quân dù và phối hợp Quân đoàn 1 ở cánh bắc đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.
Hướng bắc: Quân đoàn 1 diệt căn cứ Phú Lợi, phát triển tiến công diệt và làm tan rã sư đoàn 5 ngụy, giải phóng tỉnh Bình Dương. Binh đoàn thọc sâu quân đoàn 1 diệt lữ đoàn 3 kỵ binh tại cầu Bình Triệu, qua ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh tiến công vào cổng số 2 và 3 phối hợp với quân đoàn 3 chiếm Bộ tổng tham mưu.
Hướng đông: 7 giờ, Quân đoàn 4 tiến công chiếm Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 không quân, sân bay Biên Hòa, đánh tan địch ngăn chặn ở Hố Nai, sau đó tiến công sang quận Thủ Ðức, phát triển vào nội đô đánh chiếm bộ chỉ huy thủy quân lục chiến, căn cứ hải quân, Bộ quốc phòng, cảng Bạch Ðằng, Ðài phát thanh...
Sư đoàn 3, Quân khu 5 giải phóng Vũng Tàu, phát triển tiến công chiếm Cần Giờ.
Quân đoàn 2 tổ chức vượt sông Sài Gòn tiến công địch, giải phóng quận 9 và Thủ Thiêm. Binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 do Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 đảm nhiệm đã vượt cầu xa lộ Ðồng Nai, đánh tan quân địch ngăn chặn, thần tốc tiến về dinh Ðộc lập. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ chiến thắng tung bay trên dinh Ðộc lập, báo tin Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu đầu hàng cách mạng không điều kiện.
Cùng với cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh, một bộ phận chủ lực ta nhanh chóng tiến công địch, giải phóng các đảo ven biển miền trung và quần đảo Trường Sa. Nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh miền đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã quân đoàn 4 ngụy, giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Phú Quốc (30/4). Ngày 1/5 quân và dân ta tiếp tục giải phóng các tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Kiến Tường, Sa Ðéc, Châu Ðốc, Côn Ðảo.
(Còn nữa)