Chiến dịch Huế - Đà Nẵng

Qua thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng, chúng ta rút ra được mấy bài học kinh nghiệm sau đây trong việc vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch của công tác chỉ đạo chỉ huy, điều hành chiến dịch:

Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng.

Ảnh: Tư Liệu

Thứ nhất là Chiến dịch đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng lực và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng tham gia chiến dịch.

Do tính chất đặc thù của chiến trường Huế - Ðà Nẵng quân đông và mạnh, phương thức tác chiến chiến dịch được đề ra là: “Kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công”. Giai đoạn đầu của chiến dịch, cần phải dùng đòn quân sự tấn công để hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Vừa đánh vừa tạo thế và lực, càng đánh càng mạnh. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các lực lượng của ta trên toàn chiến trường đã làm căng kéo lực lượng quân địch ở khắp nơi, cả phía trước, bên sườn, phía sau. Ngày 5/3, để nghi binh đánh lừa địch và phối hợp với chiến trường Tây Nguyên - Buôn Ma Thuột, ta đã cho các trung đoàn 4, 6, 271 bộ đội địa phương Quân khu Trị Thiên đồng loạt nổ súng trên địa bàn phía bắc tỉnh Quảng Trị, tập kích hỏa lực bao vây, uy hiếp tuyến giáp ranh. Hàng trăm đội tuyên truyền phối hợp cùng các đơn vị vũ trang vừa tấn công địch ở các chi khu, tiêu diệt sinh lực vừa vũ trang tuyên truyền. Những trận đánh lớn của bộ đội chủ lực bằng hiệp đồng binh chủng đã hỗ trợ cho lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân tại chỗ nổi dậy. Ðiển hình là sáng ngày 29/3, lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nhân dân đã nổi dậy phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng thị xã Hội An, huyện lỵ Ðiện Bàn và một số nơi khác. Trong thành phố Ðà Nẵng, lực lượng du kích và tự vệ đánh phá khu nhà lao, chiếm kho bạc, bảo vệ các cơ sở kinh tế - sản xuất và công trình văn hóa.

Thứ hai là biết chọn hướng tấn công chủ yếu và mục tiêu tấn công chủ yếu rất trúng và đúng, thể hiện được tư tưởng chỉ đạo nghệ thuật quân sự, phát huy điểm mạnh của ta, đánh vào chỗ sơ hở, chỗ mỏng, yếu của đối phương; tạo nên thế bao vây, chia cắt, gây cho chúng hoang mang, cô lập, rối loạn và tan rã nhanh.

Quyết tâm Chiến dịch và kế hoạch Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng đã được Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 xác lập từ tháng 10/1974. Ðầu tháng 2/1975, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu triệu các đồng chí chỉ huy chủ chốt ra Hà Nội báo cáo. Hướng tấn công chủ yếu và mục tiêu tiến công lúc đầu được nêu ra là hướng tây bắc Huế, theo trục đường 12 và mục tiêu chủ yếu là Sở Chỉ huy sư đoàn bộ binh số 1 ngụy ở Ðồng Lâm (bắc Huế). Sau khi cân nhắc nghiên cứu đề xuất của Bộ Tư lệnh chiến dịch và được Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu chuẩn y, hướng tiến công và mục tiêu tiến công chủ yếu của chiến dịch được điều chỉnh thay đổi so với quyết tâm và kế hoạch chiến dịch được xác lập ban đầu là chuyển vào hướng tây nam Huế, theo trục đường 14 và mục tiêu chủ yếu đánh vào sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 1 ở căn cứ Phú Bài - Mang Cá. Trên hướng nam và tây nam Huế, tuy địa hình triển khai và lực lượng binh khí kỹ thuật của ta khó khăn, nếu khắc phục được thì khai thác được nhiều điểm yếu của địch như phòng thủ sơ hở mỏng, yếu. Nếu bị lực lượng lớn và mạnh của ta bất ngờ tiến công thì chúng sẽ bị uy hiếp, chia cắt về chiến lược, nhanh chóng hình thành thế bao vây cô lập lực lượng địch đóng giữ tại Huế, cắt đứt đường chi viện từ Ðà Nẵng ra. Thực tế chiến dịch đã diễn ra đúng như dự kiến. Sau này, khi tổng kết chiến dịch đã đánh giá đây là một sáng tạo chỉ đạo đúng đắn của cấp trên và Bộ Tư lệnh Chiến dịch.

(Còn nữa)

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chien-dich-hue--da-nang-30698