Chiến dịch Huế - Đà Nẵng

Thứ ba là Chiến dịch đã vận dụng nhiều phương thức tác chiến sáng tạo phong phú, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Nhân dân Đà Nẵng mừng đón quân giải phóng.

Nhân dân Đà Nẵng mừng đón quân giải phóng.

Ảnh: Tư liệu

Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng tác chiến trên phạm vi không gian rộng lớn trên bốn tỉnh và hai thành phố lớn, có đủ các địa hình: rừng núi, đồng bằng, ven biển. Nhiều lực lượng tham gia trên các hướng, qua thực tế chiến dịch, các đơn vị lực lượng của ta đã vận dụng linh hoạt nhiều cách đánh, phương thức tác chiến rất phong phú. Ðiển hình là đánh mật tập của các lực lượng đặc công vào các căn cứ tiểu khu, các sân bay Phú Bài, Ðồng Lâm; đánh tập kích hỏa lực vào căn cứ Mang Cá, căn cứ Phú Bài, trận địa pháo Bao Bạch Thạch. Lực lượng dân quân du kích đánh phá giao thông. Các đơn vị chủ lực Quân đoàn 2 của ta đánh hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt, làm chủ những căn cứ mục tiêu lớn. Ðể phát huy hiệu quả hỏa lực pháo binh, các trận địa đã luồn sâu đưa pháo vào gần, nhằm bảo đảm bắn chính xác. Ðặc biệt, trong Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng, Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo thành công việc đưa kéo pháo bắn thẳng 85 ly lên điểm cao, bắn ngắm trực tiếp vào từng lô cốt mục tiêu của địch; đưa pháo cao xạ 23 ly 4 nòng, cao xạ 37 ly bí mật bố trí vào sát tiền duyên chiến dịch, vừa sẵn sàng tham gia bắn máy bay và khi cần thiết cũng như khi tham gia pháo hỏa chuẩn bị, chi viện cho bộ binh xung phong. Các loại pháo cao xạ đã hạ nòng pháo, bắn ngắm mục tiêu mặt đất, chi viện bộ binh xung phong, trực tiếp tạo ra uy lực và hiệu quả uy hiếp kẻ địch rất cao. Ðây là một cách đánh hay, sáng tạo trong Chiến dịch Huế - Ðà Nẵng.

Thứ tư là chiến dịch đã nắm vững thời cơ tổ chức lực lượng cơ động bằng các đơn vị xe tăng, cơ giới kết hợp với bộ binh đánh địch trong hành tiến, tạo ra sức tiến công nhanh, mạnh.

Chiến sự diễn ra trên mặt trận Trị Thiên - Huế đến ngày 20/3/1975, sau khi trên các hướng tiến công của Chiến dịch, chúng ta đã tấn công, phá vỡ thế trận phòng ngự của lực lượng quân địch. Xung quanh Huế, địch bị bao vây, cô lập. Chúng ta đã nắm vững thời cơ, nhanh chóng hình thành các hướng tiến công. Chúng ta tổ chức chiến đoàn bộ binh xe tăng cơ giới tiến công trong hành tiến thọc sâu. Mũi chủ yếu của sư đoàn 324 do trung đoàn 1 bộ binh làm nòng cốt, sau khi đột phá La Sơn, vượt qua đường số 1, qua phá Tam Giang, đánh lên Lương Viên, ra cửa Thuận An bao vây tiêu diệt quân địch, không cho chúng rút chạy theo đường biển. Sư đoàn 325, trung đoàn 18, trung đoàn 101 và xe tăng lữ đoàn 203, sau khi đánh chiếm đường số 1 đã tổ chức thành hai chiến đoàn, (một chiến đoàn tấn công thọc sâu, theo đường số 1 đánh ra căn cứ Phú Bài phát triển vào nam thành phố Huế, một chiến đoàn tấn công thọc sâu vào Phú Lộc, vụng Cầu Hai, Lăng Cô, chiếm đèo Hải Vân).

Khi tiến công đánh chiếm thành phố Ðà Nẵng từ bốn hướng: Hướng bắc đèo Hải Vân (trung đoàn 18); đường số 14 đèo Mũi Trâu (trung đoàn 9); sư đoàn 304 tấn công từ Hà Nha, Hà Sống ra Hòa Vang; sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5 từ Tam Kỳ, Ðiện Bàn, Hội An. Trên các hướng này đều tổ chức lực lượng theo dạng chiến đoàn, bao gồm bộ binh, xe tăng, cơ giới và pháo cơ giới đi cùng chi viện đã tạo ra sức cơ động nhanh, đột kích mạnh và sức mạnh tổng hợp, nhằm nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu, làm chủ trận địa, buộc kẻ địch bị bất ngờ, không kịp trở tay phản ứng chống trả. Chính nhờ cách tổ chức lực lượng này mà mũi tấn công của trung đoàn 18 và xe tăng lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 đến 9 giờ ngày 29/3/1975 đã thọc sâu, phát triển ra chiếm toàn bộ bán đảo Sơn Trà, giải phóng thành phố Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Cũng nhờ kinh nghiệm này mà khi tham gia Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, Quân đoàn đã vận dụng sáng tạo tổ chức chiến đoàn cơ giới thọc sâu nên đã vào đánh chiếm Dinh Ðộc Lập nhanh hơn, bắt sống toàn bộ nội các Tổng thống Dương Văn Minh.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chien-dich-hue--da-nang-30720